Viêm amidan ở người lớn: Làm gì để phòng ngừa hiệu quả?

07-09-2020 10:48 | Y học 360
google news

SKĐS - Dù viêm amidan thường gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên, nhưng người lớn cũng có thể mắc bệnh này và gặp biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.

Nguyên nhân gây viêm amidan là bệnh nhiễm trùng, do virus và vi khuẩn. Virus là nguyên nhân phổ biến nhất (chiếm 70% các trường hợp) gây viêm amidan ở người lớn và trẻ em. Virus có khả năng dẫn đến viêm amidan bao gồm:  Virus cúm; Virus gây cảm lạnh thông thường; Herpes simplex virus; Virus Epstein-Barr; Cytomegalovirus; Adenovirus; Virus gây bệnh sởi...

Khi viêm amidan ở người lớn có nguyên do nhiễm vi khuẩn như liên cầu tan huyết β nhóm A là thủ phạm thường gặp, ngoài ra còn có S.pneu hemophillus, tụ cầu, liên cầu, xoắn khuẩn, các chủng ái khí và yếm khí.

Ngoài ra, sức đề kháng kém, cơ địa dễ dị ứng với thời tiết thay đổi đột, môi trường ô nhiễm cùng một số bệnh lý như sâu răng, viêm lợi, viêm V.A, viêm xoang… cũng là nguyên nhân gây viêm amidan ở người lớn.

Các dấu hiệu và triệu chứng

Viêm amidan cấp tính là tình trạng viêm sung huyết và xuất tiết của amidan khẩu cái. Các triệu chứng của viêm amidan ở người lớn thường bao gồm: đau họng, khó nuốt, sốt, đau đầu, ho, đau và sưng hạch bạch huyết ở cổ, mệt mỏi, nghẹt mũi, khàn giọng, đau tai... Khám họng có thể thấy amidan sưng đỏ.

Các dấu hiệu của viêm amidan do vi khuẩn là: nổi hạch ở cổ; sốt; soi họng thấy khối amidan sưng to và đỏ hai bên vòm họng, có khi che gần hết đường giữa; xuất hiện các nốt trắng, đầy mủ trên amidan; hơi thở hôi.

Viêm amidan ở người lớnViêm amidan ở người lớn có thể tái phát nhiều lần.

Viêm amidan ở người lớn tuy triệu chứng ít rầm rộ nhưng trong những đợt cấp tính người bệnh vẫn có thể sốt cao lên đến 39-40 độ C, kèm rét run. Bệnh nhân lừ đừ, mệt mỏi, đau đầu, đau họng, nuốt vướng, nuốt đau, chán ăn.

Đối với trường hợp viêm amidan mạn tính, ngoài các đợt tái phát cấp tính như trên, bệnh nhân có thể hay sốt âm ỉ về chiều, thể trạng gầy yếu. Đôi khi bệnh nhân đến khám vì ho, khàn tiếng, cảm giác nuốt vướng, nuốt đau kéo dài ở họng như có dị vật trong họng, hơi thở thường nặng mùi. Khám soi họng thấy nhiều khe và hốc, chứa đầy mủ trắng giống chất bã đậu trên bề mặt amidan.

Điều trị thế nào?

Vì hầu hết các trường hợp viêm amidan ở người lớn là do virus, nên phương pháp điều trị là nghỉ ngơi và tự chăm sóc tại nhà. Các phương pháp tự chăm sóc thường được khuyến nghị bao gồm:

Nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt; Uống nhiều chất lỏng. Có thể uống trà thảo mộc với chanh và mật ong cũng tốt; Súc miệng bằng nước muối; Có thể dùng thuốc giảm đau hạ sốt thông thường để giảm đau và khó chịu; Ăn thức ăn mềm; Sử dụng viên ngậm giúp sát khuẩn và giảm đau họng.

Một biện pháp quan trọng nữa là cắt amidan: Hầu hết các trường hợp viêm amidan ở người lớn sẽ khỏi trong vòng 1 tuần, nhưng ở một số người các đợt viêm amidan cấp tính thường xuyên tái phát. Phẫu thuật cắt amidan được đặt ra với các trường hợp viêm amidan mạn tính có các biểu hiện sau:

Viêm nhiều lần (thường là hơn 5 lần / năm); Gây biến chứng viêm tấy, áp-xe quanh amidan; Viêm quá phát gây khó thở, khó nuốt, khó nói; Gây biến chứng viêm mũi, viêm xoang, viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi, viêm tấy hạch dưới hàm hoặc thành bên họng...

Gây các biến chứng xa: viêm màng tim, viêm cầu thận, viêm khớp, rối loạn tiêu hóa kéo dài, nhiễm khuẩn huyết.

Bên cạnh đó, các trường hợp viêm amidan ở người lớn có chỉ định phẫu thuật chỉ được thực hiện khi hoàn toàn không vi phạm các chống chỉ định như rối loạn đông máu hay có các bệnh nội khoa chưa ổn định như cao huyết áp, suy tim, suy thận, suy gan giai đoạn mất bù,..

Mặc dù cắt amidan sẽ chấm dứt vấn đề viêm amidan tái phát ở người lớn, nhưng các chỉ định cắt amidan ở người lớn vẫn cần cân nhắc thận trọng.

Lời khuyên của thầy thuốc

Để phòng ngừa viêm amidan hiệu quả, cần giữ vệ sinh sạch sẽ vùng hầu họng, thăm khám sớm khi có các dấu hiệu của bệnh. Viêm amidan do virus thường thuyên giảm sau vài ngày tự chăm sóc và nghỉ ngơi tại nhà. Nếu tình trạng không được cải thiện mà ngày càng nặng hơn, hoặc các triệu chứng nghiêm trọng đến mức không thể ăn uống được thì tốt nhất bạn nên đi khám.


BS. Lê Hoàn
Ý kiến của bạn