Biểu hiện viêm amidan
Viêm amidan có 3 thể gồm viêm amidan cấp tính, mạn tính hoặc quá phát. Với mỗi thể viêm amidan có các triệu chứng khác nhau. Viêm amidan cấp tính bệnh nhân có khởi phát đột ngột, thường sốt 39-400C, kèm theo nổi hạch, nuốt rất đau.
Viêm amidan mạn tính thường tái phát, có biểu hiện sốt, thỉnh thoảng sốt tái đi tái lại, hơi thở hôi do có ổ nhiễm trùng, bệnh nhân khạc ra đờm là do ổ viêm amidan xuất tiết.
Viêm amidan quá phát tức là amidan sưng to thường xuyên. Ở người viêm amidan quá phát, bệnh nhân thở khò khè, người lớn ngủ ngáy, trẻ con có thể gặp hội chứng ngừng thở khi ngủ. Khi ngủ, amidan chèn vào đường thở gây hội chứng ngừng thở khi ngủ.
Cần khám bác sĩ chuyên khoa để được chỉ định và tư vấn đúng.
Chỉ định cắt amidan khi nào?
Amidan vốn có tác dụng giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn, nhưng khi tổ chức này bị viêm đi viêm lại nhiều lần dẫn tới các đợt viêm mũi họng. Viêm họng mạn tính hay viêm amidan tái phát nhiều sẽ dẫn tới các biến chứng như viêm khớp, viêm cầu thận, viêm màng tim, thậm chí là ung thư vòm họng. Theo ThS.BS. Lê Anh Tuấn - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Tai mũi họng TW, nếu viêm amidan nhiều lần gây ảnh hưởng tới đường thở, viêm amidan dẫn tới biến chứng viêm tai, viêm phế quản, viêm mũi xoang... cần cắt amidan. Ở người lớn, viêm amidan mạn tính, các hốc gây viêm kéo dài cũng có chỉ định cắt. Người bệnh cần đi khám chuyên khoa và tư vấn bác sĩ để có chỉ định đúng. Cắt amidan đúng chỉ định có nghĩa chúng ta đã loại bỏ một ổ nhiễm khuẩn trong họng và sau khi việc đó diễn ra thì người bệnh sẽ có sức khỏe tốt hơn, tần suất viêm đường hô hấp giảm rất nhiều.
Tuy nhiên, người cao tuổi hoặc người có bệnh lý nội khoa nguy hiểm đến quá trình gây mê trong lúc phẫu thuật không nên cắt amidan. Trong trường hợp này, phải sử dụng các biện pháp khác như dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ hoặc sử dụng tia laser để điều trị các hốc amidan đó. Đây là những phương pháp nhẹ nhàng hơn, có thể giảm thiểu những nguy cơ của gây mê khi cắt amidan.
ThS.BS. Lê Anh Tuấn cũng bổ sung rằng, khi nói đến cắt amidan, đó là amidan khẩu cái, hai khối lớn nhất trong họng. Trong họng còn có các vòng Waldeyer và các tổ chức tương tự như amidan, ở phía trên gọi là VA, nhưng phía dưới còn có amidan đáy lưỡi. Thực tế, cắt amidan là loại bỏ toàn bộ amidan khẩu cái. Tuy nhiên, cũng có trường hợp vẫn có hiện tượng viêm họng và có thể viêm hoặc tái phát amidan đáy lưỡi. Trong những trường hợp đó, khi đi khám, bác sĩ chẩn đoán vẫn có thể đưa ra chẩn đoán là viêm amidan đáy lưỡi, viêm họng. Viêm amidan đáy lưỡi thường không có can thiệp phẫu thuật.
Sau cắt amidan nên làm gì?
Nhiều người lo lắng cắt amidan có thể ảnh hưởng tới giọng nói. Theo các bác sĩ, amidan không phải là cơ quan phát âm nên không gây ảnh hưởng tới giọng nói, không gây ra hiện tượng mất tiếng hay khàn tiếng. Tuy nhiên, có trường hợp amidan quá to, bệnh nhân có tình trạng nói mà miệng như ngậm hạt thị, sau khi cắt amidan, tiếng nói trở nên thanh thoát hơn. Sau cắt amidan, bác sĩ không chỉ định bệnh nhân ngừng nói, bệnh nhân có thể nói ngay sau khi cắt amidan. Tuy nhiên, người bệnh vì đau quá nên ngại nói hoặc nói nhỏ.
TTƯT.ThS.BS. Lê Thị Hải - nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia tư vấn: Đối với bệnh nhân cắt amidan, điều đáng quan tâm nhất là chế độ ăn uống. Sau vài giờ đầu hay những ngày đầu sau cắt amidan, người bệnh nên ăn thức ăn lỏng, mềm và phải ăn đồ lạnh, không ăn đồ nóng. Đầu tiên nên uống sữa và uống sữa lạnh. Rồi uống nước trái cây để trong tủ lạnh. Khoảng vài giờ sau, nếu bệnh nhân không có biến chứng chảy máu thì có thể ăn nhẹ, ăn cháo. Tốt nhất, ăn các loại cháo, súp nấu lên và để nguội. Chế độ ăn cháo, súp, uống sữa, uống nước trái cây theo cách này cần được thực hiện trong vòng ít nhất một tuần. Sau đó, vết thương đã lành, có thể dần dần ăn cơm nấu hơi nát, thức ăn xay nhỏ, nấu nhừ... Khoảng 10-15 ngày sau, khi bệnh nhân đã hoàn toàn bình phục mới có thể ăn uống như bình thường được. Để tăng sức đề kháng nên chọn thực phẩm giàu vitamin A, C, muối khoáng như cam, chanh, khoai tây, cà rốt,... để bệnh nhân nhanh hồi phục.
Viêm amidan quá phát.
Cách phòng tránh viêm amidan, tái phát viêm amidan
PGS.TS. Phan Thu Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, Phó trưởng bộ môn Nội tổng hợp, ĐH Y Hà Nội cho biết, viêm họng trong đó có viêm amidan có rất nhiều nguyên nhân như virut, vi khuẩn, khói bụi, ô nhiễm môi trường... Viêm amidan là tình trạng viêm ở vùng amidan. Khi amidan sưng lên chứng tỏ có vi khuẩn xâm nhập. Khi thời tiết chuyển mùa, nóng lạnh thất thường là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, virut sinh sôi, nảy nở, xuất hiện các loại virut mới. Nếu trẻ nhỏ, người già, người suy giảm miễn dịch rất dễ mắc viêm họng, viêm amidan. Viêm họng, viêm amidan còn liên quan tới vấn đề vệ sinh, do vệ sinh không đúng cách. Trẻ em hay cho tay vào miệng khiến virut, vi khuẩn dễ xâm nhập. Amidan có cấu tạo nhiều hốc, khi ăn xong chúng ta không vệ sinh sạch sẽ là điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển. Việc hút thuốc thụ động cũng là nguyên nhân làm chúng ta bị bệnh, nếu trong gia đình có người hút thuốc cũng dễ khiến cho người già, trẻ em bị hút thuốc thụ động dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp trên.
ThS.BS. Lê Thị Hải cho biết, thói quen thích ăn nóng, ăn cay của người Việt không tốt cho họng. Ăn quá nóng, quá cay là một trong những nguyên nhân gây ra viêm họng mạn tính. Sở thích ăn kem, uống nước đá cũng là nguy cơ gây viêm họng, viêm amidan... Nhiều nghiên cứu còn cho thấy, ăn mặn là một trong những nguyên nhân gây viêm họng mạn.
Khi bị viêm họng, viêm amidan, cảm giác đầu tiên là họng đau, khó nuốt, khó ăn. Về chế độ dinh dưỡng, cần uống đủ nước, nước ấm giúp cho dịch tiết (đờm) loãng ra để có thể tống xuất được đờm ra ngoài. Uống đủ nước cũng làm cho họng dễ chịu hơn. Khi bị viêm amidan cấp, họng rất đau và nuốt khó do vậy thức ăn phải lỏng, mềm và dễ nuốt. Nếu các cháu bé sơ sinh thì bú mẹ, lớn hơn một chút thì uống sữa, ăn cháo, ăn súp. Và ngay cả người lớn cũng vậy, khi mà đau họng như thế thì không thể ăn được cơm, đồ cứng, đồ chiên xào rán thì không nên ăn. Ngay cả đồ khô cứng quá như bánh quy, hạt lạc cũng không nên ăn. Thức ăn tốt nhất là súp, cháo, sữa. Và đặc biệt, không nên nấu thức ăn cay và nóng quá hay mặn quá, vì sẽ làm tổn thương niêm mạc họng, làm cho bệnh không những không khỏi mà còn tiến triển nặng hơn lên khi biểu mô niêm mạc bị tổn thương. Những người có thói quen ăn cay, ăn nóng, ăn mặn quá dễ là nguyên nhân dẫn đến tổn thương niêm mạc họng, tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, virut thâm nhập vào làm chúng ta bị viêm họng - BS. Lê Thị Hải khuyên.
L.M.T (ghi)