Sáng 3/10, Đoàn kiểm tra của Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế do TS Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế làm trưởng đoàn đã tới kiểm tra công tác chấp hành, tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm tại trường Tiểu học-THCS-THPT Vinschool Central Park (quận Bình Thạnh, TPHCM).
Theo Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, thời gian qua có rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trong trường học. Qua các vụ ngộ độc nhận thấy rằng việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm đầu vào rất quan trọng.
Bà Lê Thị Ngọc Điệp - Hiệu trưởng trường Tiểu học-THCS-THPT Vinschool TPHCM - cho biết, trường hiện đang cung cấp thức ăn cho khoảng 4.000 học sinh. Trong đó, có gần 1.700 em học sinh tiểu học và 2.200 em học sinh trung học.
"Hiện nhà trường đang phục vụ 2 bữa ăn/ngày cho các em học sinh. Tuy nhiên, do số lượng học sinh khá lớn nên để đảm bảo không gian và môi trường ăn thoải mái nhà trường đã tiến hành chia ca ăn cho học sinh. Theo đó, mỗi cấp học sẽ chia làm 2 ca ăn", bà Lê Thị Ngọc Điệp cho hay.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm cho học sinh, nhà trường đã xây dựng quy trình bếp ăn một chiều, các khu sơ chế, chế biến và chia phần sẽ được chia theo khu vực. 100% các món ăn nhà trường được nấu ăn tại chỗ và không có thức ăn từ ngoài vào.
TS Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế - cho biết, qua kiểm tra tại trường, đoàn ghi nhận công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại bếp ăn của trường khá tốt. Việc ghi chép, lưu trữ hồ sơ thực phẩm được thực hiện nghiêm túc. Điều kiện vệ sinh, dụng cụ đều bằng inox được rửa, sấy sạch sẽ. Nhân viên đảm bảo an toàn vệ sinh, công tác lưu mẫu thức ăn cũng thực hiện tốt. Tiến hành test ngẫu nhiên các mẫu thực phẩm để kiểm tra, loại trừ nguy cơ thực phẩm không đảm bảo cho học sinh.
Theo TS Nguyễn Hùng Long, để xây dựng được một bếp ăn cần sự phối hợp giữa nhiều chuyên ngành với nhau để quản lý, đặc biệt là khi xảy ra sự cố có thể truy xuất nguồn gốc. Việc truy xuất nguồn gốc rất quan trọng đặc biệt khi xảy ra trường hợp ngộ độc.
"Cần đảm bảo ATTP trong các bếp ăn trường học vì học sinh là đối tượng rất nhạy cảm. Vậy nên, để làm tốt công tác đảm bảo an toàn thực phẩm cho các em học sinh, nhà trường cần lưu ý về việc sử dụng găng tay và các thiết bị vệ sinh trong chế biến thực phẩm sao cho đúng. Tăng cường quản lý thực phẩm đầu vào, đặc biệt lưu ý những loại thực phẩm có nguy cơ cao như thịt gà, trứng, cá, hải sản…", Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế nói.