Chiều 5/6, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình nêu, hiện tượng thương mại hóa, lạm dụng trẻ em tại các phiên chợ vùng cao đã làm mai một và biến tướng nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng có quan điểm về vấn đề trên?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng nêu quan điểm, do đại biểu không nói cụ thể về việc lợi dụng trẻ em cụ thể như thế nào nên ông đoán "không biết có phải câu chuyện bắt vợ hay không?".
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, trong văn hóa, mỗi dân tộc, đồng bào đều có những nét đẹp riêng. Chợ tình Khâu Vai cũng rất đẹp, đáng trân trọng "chứ không như nhiều người hay nghĩ". Ông cho rằng phải tích cực tuyên truyền để người dân bảo tồn chính văn hóa của dân tộc mình, từ đó hạn chế tình trạng lạm dụng trẻ em.
Chưa thỏa mãn trước trả lời chất vấn của Bộ trưởng, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Dung tiếp tục tranh luận và cho rằng, đây là tình trạng lạm dụng trẻ em ở các phiên chợ vùng cao, tình trạng này diễn ra khá phổ biến.
Đại biểu Thu Dung cho biết thêm, nhiều trẻ em rất nhỏ được đưa đi biểu diễn, nhảy múa dưới trời mưa rét để xin tiền du khách, thậm chí có những em nhỏ mấy tháng tuổi đã bị mẹ địu trên lưng mang ra chợ xin tiền. Từ đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ VHTT&DL cho biết quan điểm về thực trạng trên cũng như có giải pháp căn cơ để khắc phục?
Tiếp tục trả lời chất vấn về vấn đề đại biểu nêu trên, đồng thời trả lời liên quan đến bảo vệ quyền trẻ em khi có tình trạng tại các phiên chợ, trẻ em tổ chức biểu diễn, nhảy múa văn nghệ để thu tiền, xin tiền, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay, văn hóa của mỗi đồng bào có phong tục, tập quán và nét đẹp riêng.
Tuy nhiên, việc lạm dụng trẻ em như bắt trẻ biểu diễn, nhảy múa để thu tiền, xin tiền… tại các chợ như vậy là hành vi trái quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em, quyền trẻ em. Hơn nữa, các phiên chợ cũng không phải là địa điểm biểu diễn nghệ thuật.
Ông Hùng cũng cho rằng, vấn đề đại biểu Thu Dung nêu là lợi dụng việc này, cố ý làm sai. Những ai lợi dụng nó để làm biến tướng thì cần phải xử lý. Tư lệnh ngành văn hóa cũng nhấn mạnh, việc này xảy ra ở đâu thì địa phương đó phải quản lý, đồng thời phải nêu cao vai trò cộng đồng, chính quyền địa phương trong việc xây dựng các khu chợ văn minh, giữ được văn hóa.
Người đứng đầu ngành văn hóa cho hay: "Bộ cũng có một phần trách nhiệm, nhưng Bộ không phải là cấp xử lý vấn đề này. Khi phát hiện được các nội dung nêu trên, chúng tôi sẽ có văn bản trao đổi với các địa phương".
Nói về giải pháp, ông Hùng cho rằng, cần tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là người dân vùng đồng bào dân tộc để họ phải biết tôn trọng, phát huy và bảo tồn văn hóa của chính dân tộc mình, từ phong tục, tập quán đến cách ứng xử.