Xuất hiện nhiều F0 là giáo viên và học sinh, trường học vừa mở cửa học trực tiếp đã phải học trực tuyến
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến ngày 25/10, cả nước đã có 23 tỉnh, thành phố đón học sinh đến trường học trực tiếp. Tuy nhiên, không ít địa phương đã phải dừng học trực tiếp vì xuất hiện ca mắc mới F0 là giáo viên và học sinh khiến việc học tập bị gián đoạn.
Điển hình như tại tỉnh Phú Thọ, tính đến chiều 30/10, tỉnh Phú Thọ ghi nhận 203 học sinh và giáo viên mắc COVID-19. Riêng ngày 29/10, thêm 7 giáo viên và 14 học sinh dương tính SARS-CoV-2, gồm 7 trẻ mầm non. Toàn tỉnh Phú Thọ có gần 4.000 giáo viên và học sinh thuộc diện F1, gần 13.000 giáo viên, học sinh thuộc diện F2. Hơn 10.000 giáo viên và học sinh đang phải cách ly.
Trước đó, ngày 29/10, Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ đã có văn bản cho phép các trường THPT trên địa bàn TP. Việt Trì, huyện Phù Ninh và các trường nghề được dạy học trực tiếp từ 1/11 đối với lớp 12. Tuy nhiên, ngày 30/10, Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo các trường này tiếp tục tạm dừng đến trường và tổ chức dạy học trực tuyến từ 1/11 đến khi có thông báo mới.
Cùng trong thông tin liên quan, Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc đã cho các học sinh thuộc địa bàn 5 phường của TP. Phúc Yên tạm dừng đến trường. Các trường phổ thông, Trung tâm GDTX của thành phố chuyển sang dạy học trực tuyến. Tính đến 28/10, Vĩnh Phúc có 36 trường học thực hiện chuyển trạng thái, gồm 10 trường mầm non, 10 trường tiểu học, 11 trường THCS, 4 trường THPT, 1 trung tâm GDTX.
Tỉnh Hải Dương: Sau khi xuất hiện ca dương tính trên địa bàn xã Ninh Hải (huyện Ninh Giang), đại diện phòng GD&ĐT huyện Ninh Giang cho biết, để phục vụ công tác truy vết, từ 29/10, hơn 20.000 học sinh ở cấp tiểu học, THCS trên địa bàn toàn huyện tạm dừng đến trường chuyển sang học trực tuyến.
Trong khi đó, tại Nghệ An, hơn 100 học sinh, giáo viên ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) phải cách ly tập trung sau khi phát hiện 3 học sinh mắc COVID-19 chưa rõ nguồn lây. Ngày 29/10, Phòng GD&ĐT huyện Quỳnh Lưu đã thông báo cho các trường học ở 5 xã liên quan đến các ca F0 ở xã Quỳnh Bảng dừng học trực tiếp, chuyển sang học trực tuyến.
Tỉnh Quảng Nam, BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh thông tin, từ 24/10 đến 29/10, trên địa bàn huyện Nam Trà My ghi nhận 230 ca mắc COVID-19, trong đó phần lớn là học sinh, giáo viên. Theo ngành y tế, tình hình dịch COVID-19 tại Nam Trà My đang diễn biến phức tạp, dự báo các trường hợp F1 trong cộng đồng có thể lên tới 5.000 trường hợp. Hiện các trường học trên địa bàn tạm thời nghỉ học kể từ ngày 29/10 cho đến khi có văn bản mới.
Tỉnh Đắk Lắk, trong ngày 29/10, qua test nhanh, huyện Ea Kar ghi nhận 7 trường hợp F0 tại xã Cư Yang. BCĐ huyện đã chỉ đạo truy vết 124 F1 (gồm 96 học sinh, 10 giáo viên trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân và 18 trường hợp là người thân trong gia đình).
Trước đó, Hà Giang, Nam Định, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Quảng Bình xuất hiện ổ dịch mới cũng đã cho học sinh một số địa bàn trong tỉnh nghỉ học.
Thời gian kiểm tra giữa kỳ của học sinh có thể điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với thực tế
Với việc kiểm tra, đánh giá định kỳ theo hình thức trực tuyến, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học - Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ đã ban hành Thông tư 09 quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, quy định rõ về kiểm tra, đánh giá trong dạy học trực tuyến.
Theo ông Thành, Bộ GD&ĐT cho phép người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông quyết định lựa chọn hình thức kiểm tra, đánh giá định kỳ theo quy định của Bộ GD&ĐT, bảo đảm việc kiểm tra, đánh giá, chính xác, công bằng, khách quan, trung thực. Đồng thời, nhấn mạnh việc tránh gây áp lực cho học sinh, chưa tổ chức kiểm tra định kỳ ngay khi chưa có thời gian củng cố kiến thức. Thời gian kiểm tra giữa kỳ có thể điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với điều kiện thực tế.
Bộ GD&ĐT lưu ý, các cơ sở giáo dục luôn sẵn sàng phương án chủ động, linh hoạt chuyển trạng thái từ trực tiếp sang trực tuyến nếu có bất thường xảy ra.
Xem thêm video được quan tâm:
Những điểm mới Hướng dẫn thực hiện xét nghiệm để Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19