Chia sẻ tại Hội nghị Toàn cầu về thực thi Luật Quốc tế về tiếp thị sản phẩm thay thế sữa mẹ do UNICEF và WHO đồng tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ hồi cuối tháng 6/2023, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, đã đến lúc mỗi quốc gia cần có hành lang pháp đủ mạnh để bảo vệ sức khỏe trẻ em trước các sản phẩm sữa thay thế này.
Chia sẻ trên Quochoi.vn, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho biết, trẻ em là hạnh phúc của gia đình, là tương lai của đất nước, chính vì thế, chăm sóc cho trẻ em luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, dưới áp lực quá nhiều từ cuộc sống, việc nuôi con trẻ không đúng cách nhiều khi đã trở thành một rào cản không chỉ cho sự trưởng thành của trẻ em, mà còn sự tiếp nối của văn hóa, sự phát triển của tương lai đất nước. Trong các yếu tố đó, giai đoạn đầu đời, nuôi con bằng sữa mẹ là một bước không thể bỏ qua.
Chúng ta biết rằng, sữa mẹ là một nguồn dinh dưỡng thiên nhiên tuyệt vời mà mẹ thiên nhiên ban tặng cho con người. Việc nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cơ bản của trẻ sơ sinh mà còn mang lại nhiều lợi ích to lớn cho cả mẹ và bé. Việt Nam sẽ tổn thất 2 tỷ đô la (0,54% GDP) mỗi năm về sức khỏe bà mẹ, trẻ em và kinh tế khi lao động nữ không được nghỉ thai sản và duy trì bú mẹ.
Tuy nhiên, hiện nay việc quảng cáo những sản phẩm thay thế sữa mẹ đã gây ra những tác động tiêu cực và ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe của trẻ em. Đã đến lúc chúng ta phải chấm dứt điều này. PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, cần có sự hạn chế quảng cáo những sản phẩm thay thế sữa mẹ thông qua nỗ lực của các cơ quan lập pháp ở Việt Nam.
Chia sẻ thêm, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, nuôi con bằng sữa mẹ là quá trình tự nhiên và tốt nhất để cung cấp dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh. Sữa mẹ chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết như protein, chất béo, carbohydrate và vitamin, đồng thời cung cấp kháng thể và các yếu tố miễn dịch giúp trẻ phòng chống bệnh tật. Thêm vào đó, sữa mẹ có thể tiêu hóa dễ dàng hơn so với sữa công thức và giúp giảm nguy cơ bị tiêu chảy và nhiễm trùng đường ruột. Quan trọng là việc tiếp xúc với mẹ trong quá trình cho con bú cũng giúp xây dựng mối quan hệ gắn kết và tạo ra một môi trường an lành cho sự phát triển tâm sinh lý của trẻ.
Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ước tính mỗi năm trên thế giới có khoảng 1,3 triệu trẻ em tử vong do không được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Trong khi đó, ở Việt Nam trong 5 trẻ sinh ra thì chỉ có 3 trẻ được bú mẹ trong 1 giờ đầu sau sinh và 1 trẻ còn duy trì được bú tiếp đến 24 tháng tuổi. Tỷ lệ trẻ được bú mẹ hoàn toàn đến 6 tháng tuổi đã tăng lên từ 19% (năm 2010) lên 45% (năm 2020) nhờ Luật Quảng cáo 2012 của chúng ta đã cấm quảng cáo sản phẩm thay thế sữa mẹ cho trẻ dưới 24 tháng tuổi và Luật Lao động đã tăng thời gian nghỉ thai sản từ 4 lên 6 tháng. Đồng thời, từ năm 2017, Việt Nam chúng ta cũng đã triển khai thiết lập và vận hành thí điểm tại 5 Ngân hàng sữa mẹ.
Mặc dù vậy, các chiến dịch quảng cáo sản phẩm thay thế sữa mẹ ở nước ta ngày càng trở nên phổ biến và hấp dẫn đối với người tiêu dùng. Quảng cáo này thường đưa ra những lời tuyên truyền sai lệch, nhấn mạnh những lợi ích không thực sự của sản phẩm thay thế sữa mẹ và tạo áp lực lên các bà mẹ. Đặc biệt là khi Việt Nam là một trong những quốc gia dễ dàng tìm kiếm thông tin về sản phẩm thay thế sữa mẹ ở trên mạng nhất trên thế giới.