Tỷ lệ học sinh đỗ lớp 10 công lập Hà Nội cao hơn dự kiến
Trước thông tin gây xôn xao dư luận thời gian qua khi Hà Nội chỉ có 55,7% học sinh trúng tuyển vào lớp 10 công lập năm 2023, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chỉ đạo đơn vị liên quan rà soát, báo cáo đầy đủ, chính xác về công tác tuyển sinh này.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chỉ đạo đơn vị liên quan rà soát, báo cáo đầy đủ, chính xác công tác tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm học 2023-2024 của Hà Nội, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đã có báo cáo chi tiết.
Giám đốc Sở cho biết, 55,7% đó là con số dự kiến trước khi xây dựng kế hoạch tuyển sinh. Trên thực tế, năm học 2022-2023, toàn thành phố có 129.210 học sinh dự xét tốt nghiệp THCS. Thực hiện công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, số lượng học sinh tiếp tục vào THPT khoảng 102.000 em bao gồm cả trường công lập và tư thục (tăng 1.000 em so với năm học trước). Trong đó, số học sinh tuyển vào các trường THPT công lập là 77.480 học sinh.
Cụ thể, có 115 trường THPT công lập không chuyên tuyển khoảng 72.000 học sinh (chiếm 55,7%), 4 trường THPT chuyên và trường có lớp chuyên tuyển 2.480 em (chiếm 1,9%); 9 trường THPT công lập tự chủ tài chính tuyển 3.685 em (chiếm 2,85%); 4 trường THPT công lập hiệp quản tuyển 1.795 học sinh (chiếm 1,39%).
Căn cứ vào nguồn học sinh đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào các trường và đề xuất của các hiệu trưởng, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tiếp tục giảm điểm chuẩn bổ sung cho 30 trường nâng số lượng học sinh trúng tuyển lên 78.623 em, chiếm tỉ lệ 60,9% học sinh vào trường THPT công lập.
Trong đó, có 115 trường THPT công lập không chuyên tuyển khoảng 72.000 học sinh (chiếm 55,7%), 4 trường THPT chuyên và trường có lớp chuyên tuyển 2.480 em (chiếm 1,9%); 9 trường THPT công lập tự chủ tài chính tuyển 3.685 em (chiếm 2,85%); 4 trường THPT công lập hiệp quản tuyển 1.795 học sinh (chiếm 1,39%).
Năm học tiếp theo, 2024-2025, dự kiến có khoảng 134.942 em tốt nghiệp THCS, tăng hơn 5.700 em so với học học này.
Những giải pháp để tháo gỡ khó khăn
Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, sẽ có kiến nghị với Bộ GD&ĐT một số nội dung nhằm tháo gỡ khó khăn hiện tại.
Giải pháp 1: Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và thành lập mới, sửa chữa cải tạo các trường THPT công lập giai đoạn 2021-2025.
Giải pháp 2: Rà soát những ô đất đã quy hoạch xây dựng trường học các cấp và trong các khu đô thị, khu nhà trên địa bàn thành phố, đặc biệt tại những nơi thiếu trường, lớp học.
Giải pháp 3: Xây dựng Quy hoạch mạng lưới trường trên địa bàn thành phố đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó nêu rõ vị trí ô đất, diện tích, quy mô trường lớp.
Giải pháp 4: Tiếp tục ưu tiên dành quỹ đất sau khi di dời các cơ quan, xí nghiệp, nhà máy…
Giải pháp 5: Tiếp tục phân tuyến tuyển sinh cho 30 quận huyện, thị xã theo 12 khu vực nhằm điều hòa hợp lý, đảm bảo chỗ học cho học sinh.
Giải pháp 6: Tăng nguồn lực tài chính và đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường lớp theo hướng đồng bộ kiên cố hóa, hiện đại hóa và chuẩn hóa.
Ngoài ra, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT cho phép tăng 10% số lớp/ trường (từ 45 lớp/trường học sẽ tăng lên thành 50 lớp/ trường học, tăng 5 lớp). Cho phép địa phương thay diện tích đất/ học sinh bằng diện tích sử dụng/ học sinh.
Trước đó, Sở GD&ĐT Hà Nội đề xuất cải tạo và sửa chữa 123 trường học thuộc quản lý của Sở, từ nay đến 2025. Ngoài ra, thành phố dự kiến xây thêm 16 trường, gồm 7 trường liên cấp. Tổng mức đầu tư cho 139 dự án này là 8.873 tỷ đồng, từ ngân sách thành phố. 93 dự án đã được phê duyệt chủ trương.
Các trường mầm non, tiểu học và THCS được quản lý bởi cấp quận, huyện, số dự án cải tạo, cơi nới là 494, còn 20 đang làm thủ tục.
Ngày 10/7, Sở GD&ĐT Hà Nội đã họp, xét duyệt và quyết định giao chỉ tiêu lớp 10 năm học 2023- 2024 cho 6 trường THPT tư thục.
Theo đó, Sở GD&ĐT Hà Nội quyết định giao chỉ tiêu cho 6 trường THPT này tuyển 46 lớp với 2.070 học sinh. Đó là các trường THPT Lý Thánh Tông - 446 chỉ tiêu, Hoàng Long - 450 chỉ tiêu, Bắc Hà- Đống Đa - 225 chỉ tiêu, Mai Hắc Đế - 360 chỉ tiêu, Đông Kinh - 360 chỉ tiêu và Phạm Ngũ Lão - 225 chỉ tiêu.
Sở GD&ĐT Hà Nội lưu ý, Trường THPT Phạm Ngũ Lão cần cam kết không tổ chức ký túc xá trong khuôn viên trường học và nghiêm túc thực hiện chương trình giáo duc của Bộ GD&ĐT.
Sở GD&ĐT Hà Nội cũng ra quyết định về việc xác định chỉ tiêu THPT cho các trường trung cấp và cao đẳng trên địa bàn TP Hà Nội năm học 2023 - 2024 (đợt 2). Cụ thể, Sở ra quyết định giao 3 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh mới 18 lớp với 785 học viên. Đó là các trường: Cao đẳng Công thương Việt Nam, Trung cấp Y- dược cộng đồng Hà Nội và Cao đẳng Quốc tế Hà Nội.
Cùng với đó, Sở GD&ĐT Hà Nội bổ sung địa điểm đào tạo cho 2 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (Cao đẳng nghề Nguyễn Trãi và Trung cấp nghề Nấu ăn- Nghiệp vụ Du lịch và Thời trang Hà Nội. Trước đó, Trường Cao đẳng nghề Nguyễn Trãi đã được giao tuyển 8 lớp 10 với 350 học viên; Trường Trung cấp nghề Nấu ăn- Nghiệp vụ Du lịch và Thời trang Hà Nội được giao tuyển 4 lớp với 180 học viên.