Hà Nội

Việc nuôi trẻ ở chùa Bồ Đề: Những hành vi trái luật gắn mác 'từ thiện'

30-07-2014 17:00 | Thời sự
google news

Trong tất cả các phát ngôn của mình liên quan đến việc nuôi trẻ mồ côi, tàn tật không phép, ni sư Thích Đàm Lan luôn khẳng định: “Không có chuyện nhà chùa “gom” trẻ từ nhiều nguồn khác nhau về chùa”. Tuy nhiên, qua điều tra, phóng viên Báo Phụ Nữ đã thu thập được những văn bản có bút tích, con dấu

Trong tất cả các phát ngôn của mình liên quan đến việc nuôi trẻ mồ côi, tàn tật không phép, ni sư Thích Đàm Lan luôn khẳng định: “Không có chuyện nhà chùa “gom” trẻ từ nhiều nguồn khác nhau về chùa”. Tuy nhiên, qua điều tra, phóng viên Báo Phụ Nữ đã thu thập được những văn bản có bút tích, con dấu của sư trụ trì tại “biên bản giao nhận con nuôi” giữa nhà chùa và Bệnh viện Phụ sản tỉnh Nam Định.

Bỏ mặc trẻ trong bệnh viện

Các giấy tờ thể hiện sự bàn giao bé T.A., sinh ngày 24/4/2013, bị mẹ bỏ rơi tại Bệnh viện (BV) Phụ sản Nam Định với nhà chùa bao gồm giấy chứng sinh, biên bản xác nhận trẻ em bị bỏ rơi, bản xét nghiệm nhanh HIV (dương tính), bé nặng trên 4kg tại thời điểm bàn giao (19/6/2013). Sau khi bé T.A. đến chùa Bồ Đề, trong một lần bị ốm rất nặng, bé được đưa vào điều trị tại BV Nhi Trung ương, rồi chùa Bồ Đề... “quên” cử người chăm sóc bé.

Chị Đỗ Thị Thúy Hậu - Điều dưỡng trưởng khoa Truyền nhiễm - BV Nhi Trung ương kể: “Tôi rất bức xúc về sự thờ ơ của những người mẹ nuôi ở chùa Bồ Đề. Đây không phải lần đầu tiên họ “quên” cắt cử người chăm sóc các cháu nhỏ bệnh tật, ốm đau ở BV chúng tôi. Có những trường hợp chúng tôi không thu được viện phí, không quyết toán được, ảnh hưởng đến công việc chung của BV.

Trường hợp của bé T.A., mặc dù trong thời gian bé điều trị ở đây, chúng tôi đã nhiều lần liên lạc với chị Nguyễn Thị Thanh Trang (quản lý khu nuôi trẻ của nhà chùa), người đưa bé nhập viện, nhưng chị này cứ thoái thác việc đến làm thủ tục thanh toán viện phí cho bé. Khi bé khỏe lại, họ đã lén đưa bé ra khỏi BV mà không làm thủ tục xuất viện. Từ đó đến nay, lần nào tôi gọi điện, chị Trang cũng lấy lý do là sư thầy Đàm Lan đi nước ngoài, chưa về nên chưa giải quyết được khoản nợ gần năm triệu đồng viện phí của bé T.A. Rất nhiều trường hợp chúng tôi phải nhờ Phòng Công tác xã hội của BV kêu gọi tình nguyện viên giúp đỡ chăm sóc các bé. Gần đây nhất, khoa tôi có một bé ở chùa Bồ Đề ra viện, tiền viện phí cũng là do một tình nguyện viên thấy nhà chùa không quan tâm, nên tự bỏ tiền ra để đóng viện phí cho cháu. Thật khó chấp nhận sự vô trách nhiệm của chùa Bồ Đề trong việc chăm sóc sức khỏe cho các bé mồ côi”.

Biên bản bàn giao bé T.A. làm con nuôi giữa BV Phụ sản Nam Định và ni sư Đàm Lan

Giao - nhận con nuôi trái quy định

Trở lại việc bàn giao con nuôi giữa BV Phụ sản tỉnh Nam Định và ni sư Thích Đàm Lan. Khoản 3 - điều 3 Luật Nuôi con nuôi quy định: “Con nuôi là người được nhận làm con nuôi sau khi việc nuôi con nuôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký. Biên bản giao nhận con nuôi chỉ áp dụng sau khi UBND cấp xã nơi đăng ký và cấp giấy chứng nhận nuôi con nuôi cho cha mẹ nuôi. Việc bàn giao diễn ra giữa cha, mẹ đẻ hoặc người giám hộ hoặc đại diện cơ sở nuôi dưỡng cho cha mẹ nuôi”.

Điều 22 quy định việc đăng ký con nuôi rất cụ thể tại khoản 1: “Khi xét thấy người nhận con nuôi và người được giới thiệu làm con nuôi có đủ điều kiện theo quy định của luật này thì ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức đăng ký nuôi con nuôi, trao giấy chứng nhận nuôi con nuôi cho cha mẹ nuôi, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ hoặc đại diện cơ sở nuôi dưỡng, tổ chức giao nhận con nuôi và ghi vào sổ hộ tịch trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày có ý kiến đồng ý của những người giám hộ hoặc chính trẻ em đó”. Căn cứ các điều khoản trên, việc bàn giao bé T.A. không đáp ứng được các thủ tục cần thiết như giấy chứng nhận nuôi con nuôi của UBND P.Trần Đăng Ninh, TP. Nam Định, nơi BV Phụ sản Nam Định trú đóng.

Về bản chất, biên bản bàn giao bé T.A. chỉ là việc tự thỏa thuận giữa BV và ni sư Đàm Lan. Lẽ ra, nếu BV phát hiện có trẻ bị bỏ rơi, phải đề nghị phường sở tại xác nhận tình trạng bỏ rơi, sau đó phải tiến hành đưa bé vào cơ sở bảo trợ xã hội do nhà nước quản lý để nuôi dưỡng. Từ đó, cơ sở này mới tiến hành làm thủ tục đăng ký với Sở Tư pháp để tìm gia đình thay thế cho bé. Luật Nuôi con nuôi và Nghị định 19/2011/NĐ-CP, ngày 21/3/2011 quy định rất chi tiết, chặt chẽ. Trong trường hợp của T.A., dường như phía BV và chùa Bồ Đề đã bỏ qua vai trò quản lý nhà nước của P.Trần Đăng Ninh. Luật quy định rất rõ “nếu trẻ bị bỏ rơi chưa chuyển vào cơ sở nuôi dưỡng thì UBND cấp xã (phường, thị trấn) nơi trẻ bị bỏ rơi có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi cho trẻ”. Thêm vào đó, bé T.A. đã được phía BV xác định “test dương tính với HIV” thì càng phải được chuyển vào cơ sở nuôi dưỡng có chế độ chăm sóc y tế đặc biệt. Vì lý do gì mà BV lại đem bé giao cho một nơi không hề có tư cách gì trong lĩnh vực bảo trợ xã hội?

Khuất tất trong báo cáo số liệu

Sự vòng vo, luẩn quẩn, tiền hậu bất nhất của ni sư Đàm Lan trong việc khai báo số lượng cho, nhận con nuôi cũng là một vấn đề nổi cộm. Đơn cử, theo báo cáo của UBND Q.Long Biên tại thời điểm tháng 5/2013, trẻ được nuôi tại chùa Bồ Đề là 121 trẻ, số lượng trẻ sơ sinh là 25. Tổng số đối tượng bảo trợ ở tại chùa từ ngày 6/5/2013 là 200 người - kể cả người già.

Tuy nhiên, bốn ngày sau đó, con số này đã giảm xuống còn 192 người, nhà chùa không giải thích được lý do vắng mặt của tám đối tượng. Mới đây nhất, tại biên bản cuộc họp ngày 17/7/2014, với các ban, ngành chức năng địa phương, ni sư Đàm Lan tự khai báo số lượng hiện tại đang ở chùa là 106 trẻ, trong đó có 18 trẻ sơ sinh. Như vậy, con số khai báo trẻ sơ sinh so với hơn một năm trước (25 trẻ), lại hụt mất bảy bé mà không hiểu vì sao.

Sau bài viết Việc nuôi trẻ ở chùa Bồ Đề, Hà Nội: Nỗi đau người mẹ thất lạc con đăng ngày 28/7, một người đàn ông đã liên hệ với chúng tôi, chia sẻ câu chuyện về hành trình tìm kiếm một bé sơ sinh bị mất tích từ chùa Bồ Đề từng được vợ chồng anh cưu mang và chăm sóc. Trong cuộc tìm kiếm đầy lo âu ấy, gia đình anh đã phải đối diện với sự nhẫn tâm và lạnh lùng ở nơi người ta vẫn tin tưởng là cánh cửa của từ bi và tình thương yêu…

  • Nơi những bà mẹ ruột không dám nhận con

    Nhiều nhân chứng đã làm việc lâu năm trong chùa, cùng những người bán hàng đối diện cổng chùa Bồ Đề (nơi được cho là phát hiện nhiều trẻ em bị bỏ rơi) đều đồng loạt khẳng định: “Chưa bao giờ gặp trường hợp trẻ em sơ sinh bị bỏ rơi tại cổng chùa mà đều do những người quản lý bế xuống khu nuôi, giao cho các mẹ nuôi. Có nhiều trường hợp các cô nuôi trẻ sinh con và nuôi chéo nhau, ai mới đến không biết, cứ nghĩ đó là trẻ bỏ rơi. Các mẹ đều phải tuyệt đối giữ bí mật, không được nói đó là con đẻ của mình”. Cũng theo thông tin các nhân chứng cung cấp “nhiều trẻ em trong chùa được mang về từ nhiều nguồn khác nhau”.

    Chị Lê Hồng Nhung, (chuyên viên Bộ Công thương) từng có thời gian làm công tác thiện nguyện ở chùa Bồ Đề cho biết: “Tôi đỡ đầu bé Bảo Anh, quá yêu bé nên nhận bé làm con nuôi. Trong quá trình chăm bé ở chùa, tôi rất ngạc nhiên khi các mẹ ở đây cứ sinh con mình ra, rồi lại giao cho người khác nuôi để tránh bị phát hiện. Họ làm vậy để làm gì? Những khuất tất này cần được điều tra làm rõ. Tôi sợ cách làm việc, chăm sóc trẻ con của những người ở đây. Một lần bé Bảo Anh bị ốm, sốt rất cao, tôi xin ni sư Đàm Lan cho đi BV cấp cứu, nhưng xin mãi ni sư vẫn không cho tôi đưa đi. Tôi phải đặt 100 USD lên ban thờ thì ni sư mới vui vẻ chấp nhận. Sau này tôi tự tìm được mẹ đẻ của Bảo Anh, chị ấy đón con về và làm thủ tục cho tôi làm con nuôi. Lúc đó, ni sư Đàm Lan lại rêu rao trên một chương trình truyền hình là bé Bảo Anh bị nhiễm HIV, nhà chùa nuôi làm phúc, trong khi thực tế tôi đã đón Bảo Anh về nhà rồi. Tôi định kiện và bắt bà ấy xin lỗi con tôi. Tôi rất mong cơ quan chức năng dẹp bỏ nơi từ thiện trá hình này”.

 

 


Ý kiến của bạn