Việc làm; chống lãng phí làm “nóng” nghị trường

19-06-2013 22:30 | Xã hội

Thông tin thị trường còn yếu, việc làm còn gặp nhiều khó khăn, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, tình trạng lãng phí còn phổ biến… là những vấn đề nổi cộm được các đại biểu nêu lên tại phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Việc làm và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).

Thông tin thị trường còn yếu, việc làm còn gặp nhiều khó khăn, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, tình trạng lãng phí còn phổ biến… là những vấn đề nổi cộm được các đại biểu nêu lên tại phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Việc làm và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi). Đây cũng là những luật và dự án luật được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm.

Việc làm; chống lãng phí làm “nóng” nghị trường 1Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An Nguyễn Trung Thu phát biểu ý kiến.

Đảm bảo lao động thất nghiệp được tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Mở đầu phiên thảo luận về dự án Luật Việc làm, đại biểu Nguyễn Trung Thu (Long An) cho biết, mỗi năm, cả nước có khoảng 80.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, chúng ta không nắm được có bao nhiêu lao động kết thúc hợp đồng lao động trở về nước, bao nhiêu lao động không trở về nước sau khi kết thúc hợp đồng. Vì vậy, đại biểu Thu đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu, bổ sung những quy định về quản lý lao động đi làm việc ở nước ngoài sau khi kết thúc hợp đồng lao động để thống nhất trong quản lý số lao động này trước khi đi làm việc ở nước ngoài và trong khi đang làm việc ở nước ngoài cũng như sau khi trở về nước. Đại biểu Nguyễn Thúy Hoàn (Thái Bình) lại đề cập đến thông tin thị trường lao động, theo như quy định trong Chương III của dự luật, thông tin thị trường lao động cũng đã bao gồm các thông tin cả về định tính lẫn định lượng về trạng thái, quy mô và cơ cấu của phần cung lao động, phần cầu lao động, giá cả sức lao động và thể chế sức lao động. Tuy nhiên, ở Việt Nam đang chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì việc cải thiện thông tin thị trường lao động là tất yếu để thị trường lao động phát triển lành mạnh, cung - cầu lao động gặp nhau thì cần phải luật hóa thông tin thị trường lao động. Đại biểu Nguyễn Thúy Hoàn đề nghị cần phải sắp xếp lại các điều của chương này theo hướng: Một điều quy định về nội dung thông tin thị trường lao động, một điều quy định về phương pháp thu thập các thông tin thị trường, một điều quy định về quản lý thông tin. Trong quản lý thông tin quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, các cơ quan, các tổ chức doanh nghiệp, cá nhân liên quan. Về phương pháp thu thập thông tin, công bố thông tin, bảo mật thông tin và lưu trữ thông tin thị trường lao động để đảm bảo tính thống nhất, tính nghiêm minh trong quản lý thị trường lao động.

Trong hai ngày 18-19/6, Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2013 của Quốc hội. Biểu quyết thông qua Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi). Thông qua Luật Giáo dục quốc phòng - an ninh; Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng; Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Thông qua Luật Phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai. Thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng.

Cũng liên quan đến thông tin thị trường lao động, đại biểu Phạm Thị Trung (Kon Tum) đề nghị cần tiếp tục làm rõ hơn về hình thức phổ biến thông tin thị trường lao động và các tổ chức tham gia phổ biến thông tin thị trường lao động vì hoạt động tổ chức điều tra thị trường lao động chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong muốn. Theo một chương trình điều tra thì có đến 75% sinh viên được điều tra cho biết khi đã vào học mới nhận thấy mình không phù hợp với ngành, nghề đã chọn và cũng có khoảng 50% sinh viên không biết học để làm gì và nơi nào sẽ tuyển dụng mình khi tốt nghiệp. Vì vậy, chương về thông tin thị trường lao động cần xác định rõ các hình thức phổ biến thông tin thị trường lao động.

Ở khía cạnh khác, đại biểu Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) đề cập đến đối tượng là người lao động, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ 3 đến dưới 12 tháng. Tại Điều 41 quy định đóng đủ từ 12 - 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, vậy người lao động theo mùa vụ và người lao động có công việc nhất định từ 3 đến dưới 12 tháng với quy định thời gian hưởng như trên thì liệu rằng đối tượng lao động này có điều kiện để tham gia bảo hiểm thất nghiệp không? Người sử dụng lao động có chịu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho những đối tượng này hay không? Vì thế, đại biểu Anh đề nghị Ban Soạn thảo xem lại điều này trong luật.

Cần quy định cụ thể phạm vi, đối tượng chống lãng phí

Trước đó, thảo luận Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cho rằng, các dự án bất động sản, các nhà máy, bến cảng, các trường đại học, cao đẳng, đặc biệt các trường ngoài công lập và nhiều lĩnh vực khác đang phát triển theo phong trào và quy mô không gắn với chất lượng, không cân đối cung cầu xã hội, cung cầu nguồn nhân lực, gây lãng phí rất lớn. Nếu không sớm rà soát, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân đảm trách từng mắt xích công việc gắn với trách nhiệm khi để xảy ra hậu quả gây lãng phí sẽ phải chịu trách nhiệm, phải đền bù thỏa đáng thì những quy định về các hành vi gây lãng phí trong dự thảo luật vừa thiếu, vừa không khả thi, khó đi vào cuộc sống. Có chung ý kiến với đại biểu  Ngô Thị Minh, đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) nêu: Lãng phí xảy ra trong toàn xã hội, trên mọi lĩnh vực và dưới mọi hình thức, mọi người đều cần phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Để phòng chống có hiệu quả đối với tình trạng gây lãng phí, đại biểu Châu đề nghị Nhà nước cần điều chỉnh và có thể điều chỉnh được ở phạm vi nào? đối tượng nào? những khách thể nào thường bị xâm hại mà Nhà nước phải tập trung bảo vệ trước để từ đó xác định phạm vi và đối tượng điều chỉnh phù hợp thì mới nâng cao được hiệu lực và tính khả thi của luật. Vẫn liên quan đến phạm vi điều chỉnh, đại biểu Thân Đức Nam - TP. Đà Nẵng cho rằng, phạm vi điều chỉnh của luật áp dụng quá rộng, bao gồm: khu vực nhà nước, khu vực tư nhân áp dụng cho tất cả các nguồn tài nguyên, tư nhân, lao động, vốn. Chính phạm vi áp dụng quá rộng nên đã hạn chế tác dụng thực tế.

Ở khía cạnh khác, theo đại biểu Phạm Văn Hổ (Phú Yên), lãng phí lớn nhất là thời gian, khó định lượng được nhưng hậu quả thì rất lớn vì để thời gian trôi qua không ai có thể lấy lại được. Trong những năm qua, việc lãng phí về thời gian, kinh phí trong tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm ở các cấp, các ngành là rất lớn nhưng chậm khắc phục. Do vậy, đại biểu Phạm Văn Hổ đề nghị nên xem xét giữ lại Điều 19 luật hiện hành quy định: việc tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm mà không nên ghép chung quy định tại Điều 21 của luật sửa đổi lần này.

TS - CT


Ý kiến của bạn