Việc làm cho lao động nữ sau đại dịch COVID-19 được giải quyết thế nào?

07-11-2023 18:12 | Thời sự
google news

SKĐS - Liên quan đến việc triển khai giải pháp hỗ trợ sinh kế cho lao động nữ sau COVID-19, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, thời gian vừa qua, tỷ lệ lao động nữ tại các khu công nghiệp, các lĩnh vực thâm dụng lao động bị ảnh hưởng rất lớn.

Tại phiên chất vấn chiều nay, đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đã nêu câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung. 

Theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, đại biểu có chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH về những giải pháp hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm cho lao động nữ sau đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, báo cáo thực hiện Nghị quyết giám sát của Chính phủ chưa đề cập đến nội dung này.

Trong bối cảnh chiến lược quốc gia về bình đẳng giới vẫn còn nhiều khoảng trống, nhiều mục tiêu trong chiến lược còn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết nội dung chất vấn trên đã được giải quyết như thế nào?

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, thời gian vừa qua, tỷ lệ lao động nữ tại các khu công nghiệp, các lĩnh vực thâm dụng lao động bị ảnh hưởng rất lớn, nhất là ngành giày da, dệt may.

Việc làm cho lao động nữ sau đại dịch COVID-19 được giải quyết thế nào? - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn.

"Sau phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng đề án và đã trình bước đầu với Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ trong chương trình đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất các ưu tiên trong nghiên cứu khoa học, vay vốn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã làm việc với Trung ương Hội phụ nữ Việt Nam, giao Trung ương Hội phụ nữ Việt Nam xây dựng đề án hỗ trợ đối tượng là lao động nữ lập nghiệp. Đồng thời, giao Ngân hàng Chính sách xã hội bố trí nguồn vốn riêng hỗ trợ phụ nữ trong khởi nghiệp và lập nghiệp".

Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Đinh Văn Thê - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai đề nghị Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH làm rõ hạn chế, nguyên nhân trong việc đưa lao động người dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài.

Đại biểu Đinh Văn Thê cho biết, theo số liệu báo cáo của Chính phủ, có 5% số lao động là người dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài trong tổng số 142.799 lao động cả nước hiện nay. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH làm rõ tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong việc đưa lao động người dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài?

Việc làm cho lao động nữ sau đại dịch COVID-19 được giải quyết thế nào? - Ảnh 2.

Đại biểu Đinh Văn Thê - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai.

Để nâng cao tỷ lệ người dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài nhằm tìm kiếm, khai thác ngành nghề, thị trường lao động nước ngoài phù hợp với điều kiện của người dân tộc thiểu số, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết cần có những giải pháp cụ thể nào trong thời gian tới? Đặc biệt là công tác tuyên truyền đào tạo, chính sách hỗ trợ để khuyến khích người dân tộc thiểu số có cơ hội tham gia làm việc, lao động ở nước ngoài.

Trả lời chất vấn của đại biểu Đinh Văn Thê, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, đây là chủ trương rất lớn trong tổng thể đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài. 

"Hiện chúng ta đã có những chương trình dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số, cụ thể trong Chương trình mục tiêu quốc gia cũng đã dành một chương trình cho đồng bào dân tộc thiểu số đi lao động nước ngoài, được miễn phí các chế độ chính sách bao gồm: học nghề, học ngoại ngữ.

Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH cũng có một kênh riêng để thường xuyên theo dõi, hỗ trợ đối tượng này, nhưng kết quả đưa thanh niên là người dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài chưa nhiều.  Nguyên nhân chủ yếu do công tác tuyên truyền, vận động và phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số nên nhiều trường hợp đi nước ngoài rồi nhưng buồn, nhớ nhà nên phải quay về. Thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục quan tâm tìm giải pháp cho vấn đề này".

Nên có quỹ hỗ trợ người lao động khó khăn, ngăn rút bảo hiểm xã hội một lầnNên có quỹ hỗ trợ người lao động khó khăn, ngăn rút bảo hiểm xã hội một lần

SKĐS - Chuyên gia cho rằng phương án cho người lao động rút bảo hiểm một lần tối đa 50% đảm bảo an sinh lâu dài và nên có quỹ hỗ trợ người lao động khó khăn.



Đỗ Vi
Ý kiến của bạn