Qua đó, tổ chức bộ máy y tế cơ sở trên địa bàn cả nước đang từng bước được kiện toàn. Lĩnh vực y tế dự phòng được quan tâm hơn. Chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên, chỉ tiêu giường bệnh được đảm bảo. Ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh khá tốt. Chủ trương thay đổi cơ chế quản lý, giao quyền tự chủ cho bệnh viện được thực hiện khá sớm, rộng khắp toàn quốc...
Tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng nhờ thực hiện tự chủ bệnh viện
Về thực hiện Nghị quyết 18, theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện đã hoàn thành 21/23 Đề án, văn bản pháp quy tại Kế hoạch hành động; ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành hàng trăm văn bản để thực hiện các nội dung của Nghị quyết, trong đó có một số Luật, văn bản hết sức quan trọng, ảnh hưởng sâu, rộng đến việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân như: Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Bảo hiểm y tế; Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật An toàn thực phẩm; Luật Dược; các cơ chế, chính sách về tài chính, tự chủ, xã hội hóa về y tế.
Bộ Y tế cũng cho biết, thực hiện cơ chế tự chủ cùng với việc điều chỉnh giá dịch vụ theo lộ trình và đưa tiền lương vào giá dịch vụ đã góp phần tăng mức độ tự chủ về tài chính, giảm ngân sách nhà nước cấp trực tiếp cho các bệnh viện.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay, 100% đơn vị sự nghiệp y tế công lập trong cả nước đã được phân loại, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính. Trong đó, 5 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, 235 đơn vị đã tự đảm bảo chi thường xuyên, khoảng 1.200 đơn vị tự chủ một phần chi thường xuyên. Có 26/45 bệnh viện trực thuộc Bộ đã tự chủ chi thường xuyên (58% cơ sở khám chữa bệnh).
Chất lượng khám chữa bệnh ngày càng được nâng cao. Ảnh: TM
Các bệnh viện thuộc Bộ Y tế quản lý đã giảm chi khoảng 562 tỷ đồng mỗi năm so với năm 2015. Số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước cũng giảm mạnh, vì chỉ riêng 26 bệnh viện tự chủ chi thường xuyên thuộc Bộ đã có hơn 30.800 người, với số tiền chi khoảng 2.900 tỷ đồng mỗi năm.
Ở cấp địa phương, qua báo cáo của 55 tỉnh, thành thì ngân sách cấp cho bệnh viện năm 2018 đã giảm gần 8.900 tỷ đồng so với năm 2015 - năm trước khi tính tiền lương vào giá dịch vụ...
Tuy nhiên, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế trong hệ thống văn bản pháp luật như: chưa đồng bộ; một số cơ chế, chính sách về xã hội hóa y tế đã có nhưng việc ban hành các quy định, hướng dẫn cụ thể còn vướng mắc về thẩm quyền ban hành như cơ chế vay vốn, huy động vốn, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư trong và ngoài cơ sở y tế, cơ chế hoạt động, tham gia quản lý đối với các cơ sở liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư...
Cần sớm giải quyết căn cơ tình trạng “giao tự chủ nhưng không cho tự chủ”
Cũng theo Bộ Y tế, việc tổ chức sắp xếp lại các cơ sở y tế công lập do các Bộ quản lý còn chậm; việc sắp xếp các cơ sở y tế trong các tập đoàn, tổng công ty khi cổ phần hóa còn khó khăn. Một số địa phương giao Trung tâm y tế huyện cho UBND cấp huyện quản lý gây khó khăn cho việc chỉ đạo ngành dọc có tính đặc thù của ngành y tế. Một số địa phương có phương án đề xuất giải thể trạm y tế xã, phường gần cơ sở y tế tuyến trên sẽ tạo khó khăn cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân trên địa bàn.
Từ thực tế hoạt động trong ngành y tế, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) khẳng định, xã hội hóa và tự chủ là 2 yếu tố rất quan trọng đóng góp cho sự phát triển của ngành y tế trong thời gian qua. Theo ông Trí, nhiều nơi thực hiện thành công chủ trương xã hội hóa, nhìn chung kết quả khá tốt. Dù vậy, cũng có nhiều nơi thực hiện chưa tốt, có nơi lại làm quá, vượt rào. Nhiều đại biểu cũng nêu thực tế bức xúc về tình trạng “giao tự chủ nhưng không cho tự chủ” và đề nghị cần sớm giải quyết căn cơ vấn đề này.
Chung quan điểm “đột phá”, cởi mở, ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn (Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội) nhấn mạnh, thay đổi cơ chế tài chính rất cần thiết, là động lực quan trọng để thay đổi ngành y tế. Tự chủ tài chính cũng là công cụ cởi trói cho các bệnh viện. Nhưng vì thiếu hành lang pháp lý rõ ràng, Sở Y tế nào cũng rất dè chừng, không dám làm vì sợ sai.
Làm rõ thêm với các ý kiến nêu ra, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, vừa qua, Bộ đã ban hành các thông tư phân cấp, phân quyền cho các bệnh viện. Đối với các văn bản hướng dẫn về tự chủ bệnh viện, thông tư quy định về giá dịch vụ y tế theo yêu cầu, thông tư về hoạt động liên doanh, liên kết... đang được tích cực xây dựng nhưng Bộ Y tế bị vướng về thẩm quyền khi việc này liên quan đến vấn đề quản lý, sử dụng tài sản công, hiện được giao cho HĐND các địa phương quyết định...