1. Adenovirus gây bệnh gì?
Theo các chuyên gia của Bệnh viện Nhi Trung ương, Adenovirus chia làm 7 nhóm từ A-G, trong đó có hơn 50 tuýp gây bệnh ở người và có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan trong cơ thể.
Adenovirus lây truyền qua đường giọt bắn, đường hô hấp giữa người với người. Bệnh có thể lây qua niêm mạc khi bơi lội hoặc nguồn nước dùng trong sinh hoạt bị ô nhiễm, hoặc lây truyền khi người lành sử dụng chung những vật dụng cá nhân với người bệnh. Thời gian ủ bệnh khoảng từ 8-12 ngày.
Các tổn thương thường gặp nhất do mắc Adenovirus là viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ), các bệnh lý ở đường tiêu hóa (tiêu chảy, nôn, buồn nôn…), viêm bàng quang, viêm não màng não…
Bệnh do Adenovirus gây ra xuất hiện quanh năm nhưng đặc biệt phát triển mạnh vào thời điểm giao mùa. Virus có thể gây bệnh ở mọi đối tượng và mọi lứa tuổi (trẻ em hay gặp ở độ tuổi từ 6 tháng - 5 tuổi). Trong đó, các đối tượng như trẻ em, người lớn tuổi, người bị bệnh mạn tính… thường có nguy cơ cao nhiễm virus này do có sức đề kháng kém.
Virus Adeno có khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng, tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, chúng ta cũng không nên quá lo lắng vì đây là loại virus gây bệnh phổ biến, đã xuất hiện từ nhiều năm trước chứ không phải là loại virus mới.
Adenovirus cùng các virus khác như virus hợp bào, cúm là các virus lưu hành quanh năm, tùy theo điều kiện mà lây bệnh cho người ít hay nhiều.
2. Cha mẹ nên làm gì khi trẻ có biểu hiện sốt, nôn, tiêu chảy…?
Theo ThS. BS Trương Văn Quý - Trưởng Khoa Nội Nhi tổng hợp, Bệnh viện E, không phải trường hợp nào có biểu hiện viêm đường hô hấp hay có vấn đề về tiêu hóa như sốt, nôn, tiêu chảy… đều là do Adenovirus. Và điều trị bệnh do Adenovirus cũng chủ yếu là điều trị hỗ trợ triệu chứng như các bệnh về hô hấp thông thường khác. Đa số bệnh nhân điều trị khỏi bệnh. Trường hợp tử vong rất ít xảy ra.
Trên thực tế, hầu hết những trường hợp tử vong do Adenovirus xảy ra trên bệnh nhân có cơ địa đặc biệt như mắc bệnh nền, suy dinh dưỡng, còi xương, tim bẩm sinh, suy giảm miễn dịch, bệnh phổi mạn tính…
Vì vậy, cha mẹ không nên lo lắng quá, nếu thấy trẻ có biểu hiện sốt, tiêu chảy, nôn… cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa Nhi để bác sĩ khám và hướng dẫn điều trị đúng cách, kịp thời.
Tại cơ sở y tế, các bác sĩ sẽ khám lâm sàng cẩn thận, tùy từng trường hợp cụ thể sẽ có chỉ định xét nghiệm, điều trị phù hợp.
Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh do virus Adeno gây ra. Đối với những trường hợp nhiễm virus thể nhẹ, người bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị.
Trong trường hợp trẻ sốt cao trên 38,5 độ sẽ được hướng dẫn hạ sốt, bù nước và điện giải, bổ sung dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng và theo dõi biến chứng bội nhiễm, viêm phổi để có biện pháp điều trị hỗ trợ kịp thời.
Việc sử dụng thuốc kháng sinh hay thuốc kháng virus chỉ được chỉ định trong các trường hợp đặc biệt, bệnh nặng, suy giảm miễn dịch và phải do bác sĩ cân nhắc chỉ định.
Về chăm sóc trẻ bệnh, cha mẹ cần chú ý giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ tốt, nhỏ mũi, súc miệng bằng nước muối sinh lý để giảm đau họng.
Về chăm sóc dinh dưỡng, trẻ có thể khó chịu, quấy khóc, khó ăn uống. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ bằng cách cho trẻ ăn các thức ăn lỏng, mềm, có mùi vị dễ chịu, dễ nuốt, dễ tiêu như cháo thịt, cháo sườn nhừ, cháo gà, súp gà…
Nếu trẻ buồn nôn hoặc nôn cần chia nhỏ bữa ăn, cho trẻ ăn ít một để hạn chế nôn trớ và hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.
- Vệ sinh tay, vệ sinh bề mặt, vệ sinh cá nhân, vệ sinh mũi họng cho trẻ thường xuyên;
- Đảm bảo môi trường thông thoáng, không có khói bụi, khói thuốc lá;
- Đeo khẩu trang khi trẻ ra ngoài, tránh tiếp xúc với trẻ bị ốm;
- Cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng;
- Tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch;
- Nếu trẻ có biểu hiện bất thường về hô hấp, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Xem thêm video đang được quan tâm
Tổng Giám đốc WHO khuyến nghị 6 chính sách phòng ngừa COVID-19