Bé 5 tháng tuổi thoát chết vì sốc phản vệ khi uống sữa bột
Dược sĩ Lê Huy Dương - Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Hợp Lực, Thanh Hóa cho biết:
Ngày 11/4 vừa qua, vợ anh đi công tác, để lại sữa mẹ cho con gái nhưng lượng không đủ nên bà pha thêm sữa bột cho cháu uống lúc 10h sáng. Đến 10h30, anh nhận được điện thoại của bà, báo bé bị nổi đỏ như dị ứng, không nôn, không khó thở.
Nghĩ con bị dị ứng, anh nhắc bà cho bé uống 1/3 viên clopheniramin 4mg, sau đó các nốt lặn đi, da còn hơi đỏ. Sau uống sữa bột, bé gái bắt đầu nổi mẩn đỏ, hơn 1 tiếng sau nôn ra sữa, tím tái chân và tay, được xác định sốc phản vệ do uống sữa, sau đó bị ban đỏ khắp người, rồi nôn ra sữa, lau xong phát hiện các đầu chi bị tím lại. 5 phút sau, vùng tím lan tới bắp chân và khắp bàn tay kèm thở rít.
Bé được đưa đến BV Nhi Thanh Hóa và được chuyển thẳng lên Phòng Cấp cứu. Lúc này, phổi bé bình thường, nhịp tim hơi nhanh nhưng da đã hồng trở lại, bé vẫn chơi và cười. Nhưng sau đó, tình trạng bé xấu đi nhanh chóng, huyết áp tụt, môi nhợt nhạt. 22h30, bé được chuyển ra BV Nhi TW, lúc này, máy thở ngừng hoạt động, nhân viên phải bóp bóng liên tục, người khác ôm 3 bơm tiêm điện, bé được cấp cứu và phải lọc máu liên tục, thở máy.
Thật may mắn, đến ngày 18/4, bé được xuất viện trong niềm hạnh phúc vỡ oà của gia đình.
Dễ nhầm lẫn dị ứng sữa với các bệnh thông thường
Dị ứng đạm sữa bò là phản ứng của hệ thống miễn dịch của cơ thể trẻ với thành phần đạm trong sữa bò và sản phẩm có nguồn gốc từ sữa bò. Dị ứng với đạm sữa bò có tỷ lệ mắc phải cao nhất trong các loại dị ứng thức ăn mà trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ thường hay gặp, xuất hiện khoảng 2 - 7,5% trẻ trong độ tuổi này. Dị ứng đạm sữa bò thường xảy ra từ vài phút đến vài giờ sau khi sử dụng sữa hoặc các chế phẩm từ sữa và tình trạng này hầu hết sẽ chấm dứt trước khi trẻ lên 3 tuổi.
Tại Khoa Miễn dịch - Dị ứng Bệnh viện Nhi TW tiếp nhận nhiều trường hợp dị ứng đạm sữa bò với rất nhiều biểu hiện bệnh đa dạng ở nhiều cơ quan khác nhau. Các triệu chứng này có thể xuất hiện ngay sau khi trẻ uống sữa (trong vòng 2 giờ) gọi là phản ứng dị ứng nhanh hoặc xuất hiện muộn hơn (trên 48 giờ) gọi là phản ứng dị ứng chậm. Ngoài dấu hiệu nổi mẩn sau khi dùng sữa bò thì những trẻ thuộc nhóm này còn có thể xuất hiện khò khè, nôn ói. Trẻ dị ứng muộn thường có một số biểu hiện như đi tiêu phân lỏng, có thể ra máu, tiêu chảy, căng cứng bụng rất dễ nhầm lẫn với biểu hiện các bệnh lý đường tiêu hóa.
Nguyên nhân gây dị ứng đạm sữa bò ở trẻ
Dị ứng đạm sữa bò ở trẻ xảy ra khi hệ thống miễn dịch trong cơ thể trẻ cho rằng các thành phần protein trong sữa bò là có hại, từ đó cơ thể sẽ tự động sản xuất ra các kháng thể miễn dịch IgE có tác dụng trung hòa các protein này (chất gây dị ứng). Có 2 loại protein chính trong sữa có thể gây ra phản ứng dị ứng:
+ Casein: được tìm thấy trong phần rắn (sữa đông) của sữa đông vón lại.
+ Whey: được tìm thấy trong phần lỏng còn lại của sữa sau khi sữa đông vón lại.
Khi cơ thể tiếp xúc với đạm sữa bò ở những lần tiếp theo, kháng thể IgE nhận ra chúng và báo cho hệ thống miễn dịch giải phóng histamin và các hóa chất trung gian gây dị ứng khác. Đây chính là nguyên nhân gây ra một loạt dấu hiệu và triệu chứng dị ứng ở trẻ như chảy nước mũi, ngứa mắt, khô họng, phát ban, nổi mề đay, buồn nôn, tiêu chảy, khó thở và sốc phản vệ...
Trẻ dị ứng đạm sữa bò rất có khả năng mắc một số bệnh lý dị ứng khác như: Dị ứng với thực phẩm khác (trứng, đậu nành, đậu phộng, thịt bò, lạc...), viêm da cơ địa, hen và viêm mũi dị ứng. Bên cạnh đó, dị ứng đạm sữa bò có tính chất di truyền, những trẻ có bố hoặc mẹ có tiền sử mắc các bệnh dị ứng như dị ứng thức ăn, dị ứng thuốc, mày đay, hen, viêm mũi dị ứng... thì thường có nguy cơ mắc dị ứng đạm sữa bò cao hơn những trẻ khác.
Chăm sóc trẻ dị ứng đạm sữa bò
Khi trẻ được chẩn đoán là dị ứng đạm sữa bò thì trẻ cần phải kiêng sữa bò và các chế phẩm từ sữa bò. Kiểm soát những thực phẩm mà mẹ và bé ăn hoặc uống. Sữa cũng có thể “ẩn” trong rất nhiều sản phẩm khác, vì vậy, mẹ nên kiểm tra nhãn các sản phẩm này xem có thành phần của sữa hay không. Những trẻ có hiện tượng dị ứng đạm sữa bò cũng được khuyến cáo tránh sử dụng các loại sữa động vật khác. Ví dụ như đạm sữa dê cũng có thành phần tương tự như đạm sữa bò, vì thế cũng có khả năng gây dị ứng với những trẻ có dị ứng đạm sữa bò.
Những trẻ này sẽ được các bác sĩ khuyến cáo tiếp tục duy trì nuôi con bằng sữa mẹ kết hợp với chế độ ăn dặm hợp lý. Nếu trẻ không thể tiếp tục bú mẹ, trẻ có thể được kê sử dụng sữa có đạm thủy phân hoàn toàn. Đây là loại sữa chứa các protein sữa đã được phân cắt thành các phần nhỏ hơn, dễ tiêu hóa và ít gây dị ứng hơn. Ngoài ra, các loại sữa công thức amino acid không chứa bất kì một chuỗi protein nào có thể được sử dụng nếu trẻ khó sử dụng sữa thủy phân hoặc có các triệu chứng nghiêm trọng.
Một điểm đáng lưu ý là dị ứng đạm sữa bò chỉ là một tình trạng tạm thời và hầu hết sẽ khỏi khi trẻ từ 1 - 4 tuổi. Khi trẻ được 1 tuổi (hoặc có thể thay đổi tùy vào chẩn đoán của bác sĩ chuyên khoa), bác sĩ sẽ yêu cầu cho trẻ thử dùng lại các sản phẩm dinh dưỡng thông thường có chứa sữa bò. Điều này phải được thực hiện kỹ lưỡng dưới sự theo dõi của bác sĩ để có thể thực hiện thêm các xét nghiệm về dị ứng cho trẻ. Nếu không có phản ứng nào xảy ra, rất nhiều trẻ bị dị ứng đạm sữa bò khi còn nhỏ có thể bắt đầu lại chế độ ăn bình thường, bao gồm sữa và những chế phẩm từ sữa.
Phòng tránh dị ứng đạm sữa bò ở trẻ
Nuôi con bằng sữa mẹ là lựa chọn tốt nhất cho trẻ, đồng thời sữa mẹ cũng bảo vệ trẻ tốt nhất khỏi nguy cơ bị dị ứng thức ăn. Sữa mẹ có thành phần đạm từ người mẹ mà bé có thể dung nạp tốt nhất. Ngoài ra, sữa mẹ còn có những thành phần giúp bảo vệ cho hệ tiêu hóa còn non nớt của trẻ trước các chất lạ như đạm có nguồn gốc từ thực phẩm. Nếu như bạn không lựa chọn hoặc không có khả năng nuôi con bằng sữa mẹ và con bạn cũng thuộc nhóm có cơ địa dị ứng, bạn nên sử dụng một loại sữa có công thức đạm thủy phân toàn phần để hạn chế tối đa khả năng gây dị ứng cho trẻ.
Bổ sung canxi đúng cách phòng chống còi xương, loãng xương