Huyết áp thấp là gì?
Huyết áp là thước đo lực của máu tác động lên thành động mạch khi máu chảy qua chúng. Khi huyết áp đo được thể hiện bằng hai con số được gọi là huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương.
Huyết áp tâm thu là áp lực khi tim đập và ép máu vào động mạch. Ở giai đoạn này, áp lực trong động mạch là cao nhất. Huyết áp tâm trương là áp lực khi tim nằm giữa những nhịp đập và máu chảy ngược về tim thông qua tĩnh mạch. Ở giai đoạn này, áp lực trong động mạch ở mức thấp nhất. Huyết áp thấp thường được xác định là khi chỉ số đo thấp hơn 90mmHg / 60mmHg.
Huyết áp thấp còn được gọi là chứng giảm huyết áp, một số người có mức huyết áp thấp hơn bình thường, nói chung không gây ảnh hưởng đến cuộc sống. Tuy nhiên, chứng bệnh này có thể gây ra một số tình trạng nguy hiểm cho tim, khiến người bệnh bị ngất, choáng và còn dẫn tới một số bệnh liên quan đến hệ thần kinh, tuyến nội tiết.
Nhận biết các triệu chứng
Huyết áp thấp chỉ được coi là một vấn đề sức khỏe nếu có các triệu chứng và điều quan trọng là nhận biết các triệu chứng. Huyết áp thấp có thể gây ra những tình trạng sau đây: Chóng mặt; Ngất xỉu; Thiếu khả năng tập trung; Nhìn mờ; Buồn nôn; Mệt mỏi.
Một số người có thể có triệu chứng huyết áp thấp chỉ khi thay đổi tư thế từ ngồi, nằm sang đứng, được gọi là hạ huyết áp thế đứng. Thông thường, điều này không nguy hiểm trừ khi thay đổi vị trí khiến huyết áp của một người giảm nhanh chóng, có thể dẫn đến ngất xỉu.
Huyết áp giảm đột ngột có thể nguy hiểm đến tính mạng. Chẳng hạn, sự thay đổi chỉ 20mmHg - giảm từ 110mmHg tâm thu xuống 90mmHg tâm thu - có thể gây chóng mặt và ngất xỉu khi não không nhận được lượng máu cung cấp đầy đủ. Và những vết thương do chảy máu không kiểm soát được, những tình trạng có sự mất nước nhanh và nghiêm trọng như tiêu chảy, nôn; tình trạng nhiễm trùng nặng hoặc phản ứng dị ứng, có thể đe dọa đến tính mạng.
Nguyên nhân
Có một số nguyên nhân tiềm ẩn gây ra huyết áp thấp. Các nguyên nhân phổ biến nhất bao gồm: Thiếu dinh dưỡng; Mất nước; Nằm lâu, ngồi lâu, chuyển tư thế đột ngột sang đứng; Mang thai; Do tác dụng không mong muốn của thuốc (thuốc lợi tiểu, thuốc gây tê hay gây mê, nitrat, thuốc ngăn ngừa canxi, một số loại thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc chữa tăng huyết áp); Nhiễm trùng nặng; Phản ứng dị ứng; Suy tĩnh mạch do tư thế đứng (ở những người làm việc thường xuyên ở tư thế đứng); Vấn đề về tim.
Những điều nên làm
Có rất nhiều cách tự nhiên và thay đổi lối sống để tăng huyết áp, bao gồm cả những thay đổi lối sống sau đây.
Ăn nhiều muối: Những người bị huyết áp thấp nên cân nhắc tăng lượng natri vừa phải để giúp tăng huyết áp. Tuy nhiên, vì lượng natri dư thừa có thể dẫn đến suy tim, đặc biệt là ở người lớn tuổi, nên phải kiểm tra với bác sĩ trước khi tăng lượng muối trong chế độ ăn uống.
Tránh đồ uống có cồn: Rượu có thể hạ huyết áp hơn nữa, vì vậy những người bị huyết áp thấp nên tránh uống rượu.
Thảo luận về thuốc với bác sĩ: Huyết áp thấp có thể là tác dụng phụ của nhiều loại thuốc mà người bệnh đang dùng cho các bệnh lý khác. Nếu các triệu chứng huyết áp thấp bắt đầu sau khi dùng thuốc, nên trao đổi và xin tư vấn bác sĩ để có thể được điều chỉnh thuốc.
Bắt chéo chân khi ngồi: Bắt chéo chân trong khi ngồi đã được chứng minh là làm tăng huyết áp. Với những người có triệu chứng huyết áp thấp, tư thế ngồi bắt chéo chân có thể giúp tăng huyết áp tạm thời.
Uống nước: Uống nhiều nước có thể giúp tăng thể tích máu, cũng tránh mất nước - làm giảm 2 trong những nguyên nhân tiềm ẩn gây ra huyết áp thấp.
Ăn nhiều bữa nhỏ: Ăn các bữa ăn nhỏ hơn, thường xuyên hơn trong ngày có thể giúp huyết áp không bị giảm thấp.
Mang tất nén: Tất nén giúp giảm lượng máu bị dồn ở chân và bàn chân, hỗ trợ máu luân chuyển và lưu thông tốt hơn. Tất nén cũng được sử dụng để giúp giảm áp lực và đau liên quan đến chứng giãn tĩnh mạch.
Những điều nên tránh
Không nâng vật nặng;
Không đứng một chỗ trong một thời gian dài;
Không nằm gối cao;
Tránh tiếp xúc lâu với nước nóng như tắm nước nóng, ngâm chân nước nóng, xông hơi;
Tránh thay đổi vị trí đột ngột: Ngồi dậy hoặc đứng lên nhanh chóng có thể gây ra cảm giác bồng bềnh, chóng mặt hoặc ngất xỉu ở những người bị huyết áp thấp.
Lời khuyên của bác sĩ
Huyết áp thấp chỉ là một vấn đề và cần đến gặp bác sĩ nếu có các triệu chứng như đã nói ở trên. Nên nhớ, bất kỳ triệu chứng nào của huyết áp thấp cũng có thể chỉ ra một tình trạng sức khỏe tiềm ẩn. Một người bị huyết áp thấp nên tìm hiểu và nhận biết được các triệu chứng có thể xảy ra và loại thuốc nào có thể làm giảm huyết áp khi dùng thuốc. Đặc biệt lưu ý các dấu hiệu của hạ huyết áp nặng và đột ngột vì có thể gây nguy hiểm cho tính mạng và cần được cấp cứu ngay.