Việc cần làm để phòng ngừa bệnh lao

30-07-2020 11:53 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Bệnh lao là một trong những bệnh truyền nhiễm, ảnh hưởng tới những người có hệ miễn dịch kém như trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, phụ nữ mới sinh, những người sinh sống trong điều kiện vệ sinh kém, bệnh nhân tiểu đường kiểm soát kém, bệnh nhân ung thư, người có HIV. Bệnh nhân nếu cùng mắc lao phổi và COVID-19 sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy, mọi người cần có ý thức phòng ngừa bệnh lao đồng thời phòng chống COVID-19.

Có khoảng nửa triệu người mắc bệnh lao mỗi năm ở Đông Nam Á. Mặc dù đây là một bệnh truyền nhiễm nhưng có thể dự phòng bệnh bằng những chiến lược phòng ngừa nghiêm ngặt. Dưới đây là những việc cần làm để giảm nguy cơ lây bệnh.

Tránh tiếp xúc gần với người bệnh

Tránh tiếp xúc gần với những người bị bệnh lao. Nếu bạn không thể tránh, hãy đeo khẩu trang và dùng găng tay bảo vệ. Rửa tay với chất sát khuẩn thường xuyên. Tránh những nơi đông đúc, ngột ngạt và thiếu vệ sinh.

Tiêm vắc-xin phòng lao cho trẻ sơ sinh là biện pháp phòng bệnh tốt nhất. Ảnh: TM

Tiêm vắc-xin phòng lao cho trẻ sơ sinh là biện pháp phòng bệnh tốt nhất. Ảnh: TM

Tăng cường khả năng miễn dịch bằng chế độ ăn uống khoa học

Tăng cường khả năng miễn dịch bằng cách duy trì chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa. Ăn ít nhất 4-5 khẩu phần rau xanh và hoa quả mỗi ngày. Các chất chống oxy hóa giúp chống lại các gốc tự do sản sinh trong tế bào do bệnh tật/căng thẳng và giúp tái tạo tế bào. Ăn bổ sung lượng protein trong chế độ ăn hàng ngày. Protein giúp hình thành các khối tế bào và tái tạo tế bào. Duy trì bữa ăn lành mạnh giàu dinh dưỡng, đủ chất, kết hợp tốt tất cả các thành phần của thực phẩm. Carbohydrat, protein, vitamin và chất béo đều có vai trò trong việc duy trì hệ miễn dịch của cơ thể.

Tạo thói quen tập thể dục thường xuyên

Hãy tập luyện hàng ngày. Bạn có thể đi bộ thường xuyên ít nhất 45 phút mỗi ngày. Tập luyện sẽ cải thiện tuần hoàn máu và cải thiện hệ miễn dịch. Hãy dành vài phút để ngồi thiền mỗi ngày. Cách này giúp bạn giảm căng thẳng hàng ngày và tăng cường hệ miễn dịch.

Tránh xa căng thẳng

Bạn có thể không nhận thức được rằng stress làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh trong đó có bệnh lao. Do vậy, bạn nên tránh xa mọi căng thẳng.

Ngủ đủ giấc hàng ngày

Mất ngủ không phải là chuyện hiếm gặp trong cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, việc ngủ đủ giấc rất quan trọng để duy trì sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tật. Hãy tránh xa những thực phẩm cản trở giấc ngủ, đồng thời cố gắng ăn những thực phẩm giúp phục hồi chu kì thức ngủ.

Tiêm chủng để phòng bệnh

Cách tốt nhất để phòng bệnh lao là bạn nên đưa con đi tiêm vắc-xin Bacillus Calmette-Guerin (BCG) để phòng bệnh. Từ năm 1981, Bộ Y tế đã đưa vắc-xin phòng lao vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, hiện áp dụng cho trẻ vừa mới sinh có đủ điều kiện sức khỏe. Với những trẻ sinh ra có đủ sức khỏe, phát triển ổn định, không nằm trong chế độ chăm sóc đặc biệt thì thường được tiêm phòng lao càng sớm càng tốt. Với những trẻ sinh non, những trẻ có vấn đề về sức khỏe cần theo dõi, chăm sóc đặc biệt thì đợi đến khi trẻ có thể trạng tốt, cần tiến hành tiêm phòng lao sớm nhất có thể.

Việc chậm trễ tiêm vắc-xin phòng bệnh lao cho trẻ sơ sinh có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao, thậm chí trẻ có thể nhiễm lao ngay những ngày đầu sau sinh do lúc này hệ miễn dịch của trẻ còn yếu ớt nên không có đủ khả năng tự bảo vệ cơ thể trước mọi tác nhân xâm nhập.

Trẻ em trên 1 tuổi và người lớn có nguy cơ mắc bệnh lao cũng có thể tiêm chủng trong một số trường hợp đặc biệt hoặc theo chỉ định của bác sĩ.


BS. XUÂN ĐỒNG
Ý kiến của bạn