Cử tri và nhân dân nhiều lần kiến nghị việc cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng
Chiều 30/11, sau khi bế mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, VPQH đã tổ chức họp báo công bố kết quả Kỳ họp.
Tại buổi họp, báo chí đã đặt câu hỏi liên quan đến việc đưa quy định cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025 trong Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8.
Thông tin về vấn đề này, Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang cho biết, cử tri và nhân dân nhiều lần kiến nghị việc cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Ông Nguyễn Trường Giang khẳng định, ĐBQH đều thống nhất thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mọi người, nhất là trẻ em.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh, việc cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng thuộc thẩm quyền của Quốc hội và đây là vấn đề phải xử lý cấp bách, do đó Quốc hội đã xử lý ngay vấn đề thuộc thẩm quyền, đưa vào Nghị quyết của Kỳ họp thứ 8 chứ không chờ sửa Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Khi nào cho phép bán thuốc kê đơn online?
Liên quan đến câu hỏi của phóng viên đối với quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược về quy định bán thuốc theo phương thức TMĐT.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai thông tin, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Luật có quy định liên quan đến việc bán lẻ thuốc online. Qua thảo luận thì các ĐBQH có 3 luồng ý kiến: cấm hẳn; bán cả thuốc kê đơn và không kê đơn; chỉ bán thuốc không kê đơn.
Dựa trên các ý kiến ĐBQH, Quốc hội thông qua Luật và tinh thần trong Luật là cho bán online thuốc không kê đơn (trừ trường hợp xảy ra dịch và công bố dịch nhóm A).
Thông tin về việc khi nào cho phép bán thuốc kê đơn thông qua phương thức TMĐT, ông Nguyễn Hoàng Mai khẳng định, sẽ phụ thuộc vào kinh nghiệm quản lý và điều kiện bảo đảm. Bởi, thuốc là hàng hóa quản lý đặc biệt liên quan đến sức khỏe người dân.
"Hiện nay chúng ta có bệnh án điện tử, đơn thuốc điện tử… tuy nhiên quy mô vẫn còn rất nhỏ, chưa có sự thống nhất trên toàn quốc; chưa có một cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế hoàn thiện, cũng như việc kê đơn điện tử, liên thông kết quả kê đơn điện tử… vẫn còn rất khó khăn. Khi nào đảm bảo được điều kiện để kiểm soát, quản lý tốt thì lúc đó Chính phủ sẽ trình chỉnh sửa", ông Nguyễn Hoàng Mai nói.