Bác sĩ TTYT Thanh Thủy cấp cứu bệnh nhân ngừng tim. Video: TTYT huyện Thanh Thủy cung cấp
Theo lời kể từ gia đình, ở nhà bệnh nhân bất ngờ có cơn đau tức vùng ngực, tình trạng đau tức ngày càng tăng, cảm giác đè nặng ngực, nên được đưa ngay đến TTYT huyện Thanh Thủy, Phú Thọ thăm khám tim mạch.
Hội chẩn trực tuyến 2 bệnh viện cứu người bệnh 2 lần ngừng tuần hoàn
Khi đến TTYT người bệnh được các bác sĩ Khoa Cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc thăm khám trong tình trạng: Tỉnh, đau tức cảm giác đè nặng ngực. Các bác sĩ đưa ra chẩn đoán ban đầu: Đau ngực chưa rõ nguyên nhân. Theo dõi nhồi máu cơ tim. Ngay lập tức người bệnh được chỉ định cấp cứu các cận lâm sàng cần thiết để kiểm tra.
Trong quá trình kiểm tra, bác sĩ đang thực hiện siêu âm tại phòng siêu âm cấp cứu bất ngờ phát hiện người bệnh ngừng tim đột ngột. Ngay lập tức các bác sĩ thực hiện ép tim ngoài lồng ngực, kiểm soát đường thở và nhanh chóng chuyển người bệnh Kề khoa Cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc. Tại khoa người bệnh được các y bác sĩ tiếp tục cấp cứu ngừng tuần hoàn, sốc điện phá rung, dùng thuốc cắt cơn rung thất, vận mạch cho người bệnh cho đến khi tim đập trở lại.
Sau đó, các bác sĩ TTYT huyện Thanh Thủy hội chẩn trực tuyến với BVĐK tỉnh Phú Thọ quyết định tiếp tục duy trì vận mạch, đảm bảo hô hấp và chuyển lên bệnh viện tỉnh điều trị tiếp.
Ngay sau khi hội chẩn, BVĐK tỉnh Phú Thọ đã thành lập kíp cấp cứu, hồi sức sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân. Người bệnh đến Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc trong tình trạng rất nguy kịch: hôn mê sâu, chỉ số sinh tồn 7 điểm, huyết áp phụ thuộc thuốc vận mạch liều cao. 20 phút sau, bệnh nhân lại xuất hiện rung thất, ngừng tuần hoàn, các bác sĩ tiếp tục tích cực cấp cứu ngừng tuần hoàn lần 2, hội chẩn chuyên khoa can thiệp tim mạch.
Bệnh nhân được chẩn đoán sau cấp cứu ngừng tuần hoàn, nhồi máu cơ tim cấp chỉ định chụp động mạch vành cấp cứu.
Kết quả cho thấy người bệnh bị nhồi máu cơ tim, cần can thiệp đặt 1 stent. Tuy nhiên, sau khi đặt stent mạch vành, tình trạng người bệnh vẫn còn tiên lượng nặng nên tiếp tục điều trị tại Khoa Cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc bằng các biện pháp: thở máy, thăm dò huyết động Picco, hạ thân nhiệt chỉ huy và lọc máu liên tục...
Sau 2 ngày điều trị tích cực, sức khỏe người bệnh tiến triển tốt, ý thức tỉnh táo dần, đủ điều kiện cắt thuốc vận mạch, dừng hạ thân nhiệt chỉ huy, rút ống nội khí quản. Hiện, người bệnh tỉnh táo hoàn toàn, tiếp xúc tốt, tự thở tốt, dự kiến có thể ra viện trong vài ngày tới.
Cảnh giác với ngừng tuần hoàn
TS.BS.Hà Thị Bích Vân, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, BVĐK tỉnh Phú Thọ, thông tin, ngừng tuần hoàn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi nguyên nhân, ngay cả ở những người chưa bao giờ phát hiện ra bệnh tim mạch trước đây.
Khi ngừng tuần hoàn có thể gây ra tử vong hoặc tổn thương não vĩnh viễn trong vài phút. Với trường hợp người bệnh có ngừng tuần hoàn 2 lần thì nguy cơ để lại di chứng rất cao. Tuy nhiên, nếu được nhận biết sớm và tích cực cấp cứu nhanh, đúng cách thì vẫn có thể giữ được tính mạng và tránh được các di chứng đặc biệt là di chứng thần kinh.
Vì thế ngay khi phát hiện người thân có dấu hiệu: đột ngột mất ý thức, ngừng thở hoặc thở ngáp, không có dấu hiệu mạch đập hãy đưa ngay đến ngay cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời, đồng thời người dân cần đi khám sức khỏe định kì, quản lí các bệnh mạn tính tại các cơ sở y tế chuyên khoa tránh các diễn biến nặng, nguy hiểm của bệnh.
Đây là một trong số rất nhiều ca bệnh cần được cấp cứu khẩn cấp đã được - Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, BVĐK tỉnh Phú Thọ cấp cứu thành công nhờ có sự phối hợp chặt chẽ và liên tục với các Trung tâm Y tế các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh.