Hà Nội

VIDEO: Cứ 4 người khoẻ mạnh sẽ có 1 người bị đột quỵ

02-11-2022 07:34 | Y học 360

Đây được xem là con số hết sức báo động bởi trước đây, Hội Đột quỵ thế giới cảnh báo cứ 6 người sẽ có một đột quỵ, song hiện nay tần suất mắc đã tăng lên trên toàn cầu, đặc biệt các nước đang phát triển.

Một vấn đề đáng quan tâm là trên bình diện chung hiện nay, tử vong do nguyên nhân bệnh tim mạch chiếm hàng thứ nhất. Tuy nhiên, ở khoảng 40% quốc gia, nguyên nhân tử vong do đột quỵ đã vượt lên hàng thứ nhất, cao hơn cả tim mạch, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc.

Trên toàn thế giới, hàng năm có khoảng 14 triệu bệnh nhân đột quỵ mới mắc và 6 triệu người tử vong do bệnh này. Đột quỵ đã giết chết nhiều phụ nữ hơn cả bệnh ung thư vú, giết chết nhiều nam giới hơn cả bệnh ung thư tiền liệt tuyến. Đặc biệt, bệnh để lại hơn 80 triệu bệnh nhân sống trong tình trạng tàn phế, với nhiều gánh nặng.

"May mắn, đột quỵ hoàn toàn có thể phòng ngừa được", PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam,Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 nói. Qua thống kê hơn 5.000 người bị đột quỵ điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115, bệnh nhân tăng huyết áp chiếm tỷ lệ khoảng 90%, rối loạn chuyển hóa lipid (tăng LDL cholesterol) khoảng 80%. Hút thuốc lá ở nam giới 60%, tiểu đường khoảng 20%, đã từng bị đột quỵ trước đó khoảng 20%, rung nhĩ 10%.

Trên thực tế, chỉ khoảng 10% không tìm được nguyên nhân, còn lại hầu hết bệnh nhân đột quỵ đều mang ít nhất một hoặc thậm chí nhiều yếu tố nguy cơ. Một người béo phì, hút thuốc lá, cao huyết áp, đôi khi kèm tiểu đường, nếu không kiểm soát hiệu quả các vấn đề thì biến cố đột quỵ xảy ra gần như chắc chắn.

Để tránh đột quỵ, mỗi người cần kiểm tra xem có một hoặc nhiều bệnh lý trên. Nếu có, cần đặt ra các mục tiêu để kiểm soát các trị số huyết áp, LDL cholesterol, đường huyết, không hút thuốc lá, sử dụng thuốc kháng đông nếu phát hiện rung nhĩ. Với những bệnh nhân đã từng bị đột quỵ, cần kiểm soát các yếu tố trên với mục tiêu cao hơn. Nếu kiểm soát tốt tất cả yếu tố nguy cơ trên bằng cách đưa các trị số về mức bình thường hoặc thấp dưới bình thường, khả năng bị đột quỵ sẽ rất thấp, và ngược lại.

Điều nguy hiểm là nhiều người bệnh không biết mình mang yếu tố nguy cơ, đến khi bị đột quỵ, đo huyết áp, thử đường huyết mới phát hiện. Đặc biệt, bệnh nhân biết bệnh nhưng chủ quan, không điều trị hoặc bỏ dở.

"Phòng ngừa đột quỵ là lâu dài và suốt đời nhưng ở Việt Nam, việc tuân thủ điều trị rất hạn chế, đáng báo động", bác sĩ Thắng chia sẻ. Những thủ phạm chính gây đột quỵ như tăng huyết áp, đái tháo đường có biểu hiện bệnh rất mơ hồ, đa số bệnh nhân cảm thấy khỏe mạnh nên lơ là điều trị. Gần như bệnh nhân nào cũng uống thuốc một vài tháng hoặc nhiều lắm một vài năm là dừng thuốc, đôi khi mua theo toa cũ hoặc tự chọn lựa thuốc mà bản thân cảm thấy quan trọng để mua uống chứ không tiếp tục đi bác sĩ.

Cần nhận biết các dấu hiệu của đột quỵ để cấp cứu càng sớm càng tốt trong những giờ đầu. Bệnh nhân đột quỵ có thể xuất hiện đột ngột triệu chứng tê hoặc yếu vùng mặt, tay hoặc chân. Đặc biệt là khi triệu chứng xảy ra một bên cơ thể, méo miệng, đột ngột không nói được hoặc khó nói, nhìn mờ, đau đầu, chóng mặt, mất thăng bằng...

KD (t.h)
Ý kiến của bạn