Cùng PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội và BSCKII. Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương (hiện đang chi viện tại Huế) tìm hiểu cách thức mà COVID-19 tấn công cơ thể - đặc biệt đối với những bệnh nhân nặng.
Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: Những bệnh liên quan đến hô hấp, tuần hoàn, tiết niệu là bệnh có thể dẫn đến tình trạng tử vong bất cứ lúc nào. Đặc biệt là những trường hợp bệnh nhân bị suy tim, suy thận mạn.
Chính vì vậy, trên nền các cơ quan bị suy chức năng, tình trạng mất cân bằng sẽ xảy ra, chức năng thân suy giảm sẽ có thể dẫn đến chức năng tim không ổn định và có thể dẫn đến rối loạn đông máu.
"Với bệnh nhân mắc COVID-19, đặc biệt là trong những ngày thứ 7, 8 và 15, đây là ngày mà virus SARS-CoV-2 tấn công mạnh nhất vào các cơ quan. Gần 50% tử vong do COVID-19 đều liên quan đến chảy máu trong phế nang, chảy máu ở đường tiêu hóa, chảy máu ở đường tiết niệu" - PGS. Hiếu nhấn mạnh.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu.
BSCKII. Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, COVID-19 tấn công vào cơ thể con người thông qua thụ thể trên tế bào có tên gọi là ACE2. Do đó, tất cả các tế bào nào mang điểm tiếp nhận ACE2 đều có nguy cơ bị virus tấn công. Các tế bào mang ACE2 có nhiều ở trong đường hô hấp, trong thận, trong não, tim, gan. Đây chính là điểm đích để virus tấn công.
Một trong những vị trí mà tế bào mang ACE2 nhiều là các vi mạch, các mạch máu, các tế bào thành của mạch máu. Nếu virus tấn công vào các vị trí này, sẽ dẫn đến các phản ứng, và nguy hiểm nhất là đông máu trong các vi mạch đó.
Nếu như đông máu trong vi mạch phổi sẽ dẫn đến tình trạng suy hô hấp nghiêm trọng, nếu như đông máu ở các cơ quan phủ tạng khác thì các tạng này sẽ bị mất tưới máu dẫn tới mất chức năng do không được nuôi dưỡng gây suy đa phủ tạng.
BSCKII. Nguyễn Trung Cấp.
Cũng theo BS. Cấp, bản thân virus SARS-CoV-2 tấn công gây các tổn thương, gây suy đa phủ tạng thì người có hay không có bệnh nền cũng cần được theo dõi điều trị sát sao. Đặc biệt với người có bệnh nền, ví dụ ở người bị suy thận mạn, khi bị virus tấn công sẽ gây ra tình trạng bệnh tiến triển nặng hơn rất nhiều.
Bản thân virus SARS-CoV-2 đã gây ra một tỷ lệ tử vong nhất định, cộng với các bệnh lý nền mà bản thân nó cũng có nguy cơ dẫn đến tử vong. Hai yếu tố này phối hợp với nhau làm tăng tỷ lệ tử vong ở nhóm bệnh nhân có bệnh lý nền.
1. Hạn chế đến nơi công cộng, nơi tập trung đông người.
2. Đeo khẩu trang khi ra ngoài, giữ khoảng cách tiếp xúc tốt nhất 2m
3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
4. Không đưa tay lên mắt, mũi, miệng, thường xuyên súc họng bằng nước muối hoặc dung dịch sát khuẩn
5. Vệ sinh thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt tiếp xúc.
6. Thực hiện khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày, giữ liên hệ với cơ sở y tế gần nhất.
Liên hệ ngay với đường dây nóng Bộ Y tế: 1900.9095 để được tư vấn; cài đặt ứng dụng Bluezone để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19: http://www.bluezone.gov.vn