ThS.BSCKII Nguyễn Nguyên Huyền cho biết, với người dân bình thường, muốn phòng chống bệnh COVID-19 cần thực hiện theo các khuyến cáo của Bộ Y tế như: hạn chế ra nơi đông người; đeo khẩu trang đúng cách; tuân thủ vệ sinh tay, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy... Nếu có triệu chứng ho hắt hơi, sổ mũi thì liên hệ đến cơ sở y tế gần nhất.
Đối với người bệnh viêm gan cũng tuân thủ theo các nội dung trên, tuy nhiên cần có những lưu ý sau:
Bệnh nhân viêm gan - đặc biệt là viêm gan virus B có 3 trường hợp:
Trường hợp 1: Bạn là người bệnh khỏe mạnh và chưa cần uống thuốc kháng virus; bạn được bác sĩ khuyến cáo 6 tháng nên đi khám 1 lần nên việc không ra ngoài sẽ làm bạn khó khăn nếu trùng vào đợt dịch bệnh này. Do vậy, bạn có thể liên hệ với bác sĩ của bạn và lùi lại lịch khám bệnh 1-2 tháng sau khi dịch COVID-19 bị đẩy lùi.
Nếu bạn hoàn toàn khỏe mạnh và không có biểu hiện chán ăn, mệt mỏi, vàng mắt vàng da, nước đi tiểu vàng thì bạn nên chịu khó ở nhà thực hiện các biện pháp vệ sinh cơ thể như: súc họng hàng ngày, vệ sinh tay và vệ sinh cá nhân; đồng thời tập thể dục hàng ngày; tránh đồ uống có cồn, hút thuốc lá.
ThS.BSCKII Nguyễn Nguyên Huyền - Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Trường hợp 2: Bạn là người bệnh viêm gan đang là người uống thuốc kháng virus theo định kỳ của bác sĩ, tháng nào bạn cũng cần lấy thuốc kháng virus.
Trường hợp uống thuốc kháng virus ngoài bảo hiểm y tế: Bạn có thể lùi lịch khám của mình khám 1 đến 2 tháng sau khi bạn đã hỏi ý kiến của bác sĩ.
Trường hợp uống thuốc kháng virus theo bảo hiểm y tế: Bạn có thể đến các cơ sở y tế gần nhà, bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh; bệnh viện sẽ bố trí các luồng khám khác nhau phân luồng bệnh nhân cách ly riêng và bệnh nhân khám bình thường riêng. Vì vậy bạn sẽ được đảm bảo sự an toàn khi đến bệnh viện khám.
Trường hợp 3: Người bệnh xơ gan là những đối tượng bị bệnh khá nặng nên một khi bị lây nhiễm COVID-19 thì bệnh sẽ dễ trở nặng hơn các bệnh nhân khác.
Do đó, bạn nên chịu khó ở nhà theo dõi sức khỏe và thường xuyên liên lạc với bác sĩ của mình. Trong trường hợp có triệu chứng nặng như: phù chân, nôn máu và các vấn đề khác thì cần liên lạc ngay với bác sĩ; đồng thời đến cơ sở y tế gần nhất để được chăm sóc giảm nhẹ đối với các trường hợp xơ gan đặc biệt là xơ gan mất bù.
1. Không đi ra ngoài khi không thật sự cần thiết. Không tập trung quá 2 người tại nơi công cộng.
2. Luôn đeo khẩu trang khi đi ra ngoài kể cả khi làm việc; luôn đứng cách xa người khác 2 m.
3. Luôn rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy hoặc bằng dung dịch sát khuẩn, nhất là sau khi sờ tay vào bất cứ vật dụng nào và sau khi gặp, nói chuyện với người khác và khi về nhà.
4. Không bắt tay khi gặp người khác, không đưa tay lên mắt, mũi miệng.
5. Thường xuyên súc miệng bằng nước muối hoặc nước súc miệng; giữ ấm vùng ngực cổ, uống nước ấm. Thay quần áo khi về nhà và quần áo thay ra cần được ngâm với xà phòng.
6. Ăn uống đủ chất, ăn chín, uống chín, tập luyện thể thao phù hợp, sinh hoạt lành mạnh. Thường xuyên vệ sinh, giữ thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc.
7. Nếu phải cách ly thì phải ở nhà, hạn chế gặp người trong nhà, thực hiện theo các hướng dẫn cách ly của cơ quan y tế.
8. Không nên đến cơ sở y tế nếu không phải cấp cứu. Hãy hỏi cán bộ y tế bằng điện thoại hoặc qua mạng trước khi muốn đi khám bệnh.
9. Khai báo y tế qua ứng dụng (https://ncovi.vn) cho mình và cho người thân trong nhà; theo dõi sức khỏe hàng ngày và báo ngay cho cơ quan y tế hoặc trên ứng dụng NCOVI.
10. Không mời khách đến nhà và cũng không nên đến nhà người khác. Cuộc sống sẽ còn nhiều dịp để gặp nhau.