Hà Nội

[Video] 5 biểu hiện trên da ở bệnh nhân COVID-19 cần lưu ý

19-08-2020 14:35 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - BS. Hoàng Văn Tâm - Phó Trưởng khoa Điều trị nội trú ban ngày, BV Da liễu Trung ương cho biết, COVID-19 không chỉ gây các triệu chứng về hô hấp mà còn ở các vị trí khác, và biểu hiện trên da là một trong số đó với 5 biểu hiện chính như sau:

BS. Hoàng Văn Tâm tư vấn cách phòng bệnh COVID-19 cho bệnh nhân mắc bệnh lý về da.

Đỏ da, phù nề ở đầu ngón tay, ngón chân

Biểu hiện đỏ da, phù nề ở đầu ngón tay, ngón chân xuất hiện cùng với vài mụn nước hoặc mụn mủ. Tỷ lệ gặp khoảng 19%. Các tổn thương thường không đối xứng.

Phát ban mụn nước khác

Tỷ lệ thường gặp khoảng 9%. Tổn thương mụn nước nhỏ, đơn hình thái, khác với hình ảnh mụn nước đa hình thái của thủy đậu.

Vị trí thường gặp của mụn nước ở trên thân mình, đôi khi xuất hiện ở tay chân. Hoặc đôi khi không phải là mụn nước đơn thuần mà là mụn nước xuất huyết.

Mày đay

Tỷ lệ thường gặp là 19%, thường ở thân mình hay ở lòng bàn tay.

Các biểu hiện dát sẩn khác

Các biểu hiện dát sẩn khác chiếm tỷ lệ 47%. Ví dụ như một số dát sẩn có ở quanh nang lông và có vảy, một vài dát sẩn giống vảy phấn hồng, có thể gặp xuất huyết từng chấm hoặc trên diện rộng.

Một số ca có sẩn thâm nhiễm ở mu tay, mu chân, có thể giống hình ảnh giả mụn nước, hồng ban nổi cao dai dẳng hoặc hồng ban đa dạng.

Livedo hoặc hoại tử

Livedo hoặc hoại tử chiếm tỷ lệ 6%. Hình ảnh hay gặp là mạng lưới livedo, đôi khi hoại tử, điều này thể hiện sự tắc mạch máu nhỏ.

Hình ảnh giả cước, sưng đỏ đầu ngón tay, chân.

Dát sẩn quanh nang lông (trái) và tổn thương sẩn thâm nhiễm đầu cực giống mụn nước (phải).

Hình ảnh giống hồng ban đa dạng (trái) và mạng lưới livedo (phải).

Các biểu hiện khác

Ngoài ra, BS. Hoàng Văn Tâm cho biết, còn có một số biểu hiện trên da khác nhưng ít gặp hơn như: ban ở trong niêm mạc; xuất huyết ở nếp gấp; tổn thương tăng sắc tố giống bệnh Addison, hoặc mắc zona.

Trường hợp bệnh nhân 524 (86 tuổi) mắc COVID-19 tại tỉnh Quảng Nam là ví dụ điển hình. Ban đầu, bà được chẩn đoán zona thần kinh bội nhiễm nên chuyển vào Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng điều trị. Sau đó, bệnh nhân được chuyển viện do các biểu hiện tăng nặng như sốt rồi rơi vào hôn mê.

Sau hơn nửa tháng điều trị, bệnh nhân đã tử vong do mắc COVID-19 trên nền bệnh lý nặng là suy tim và suy thận mạn tính.

Đặc biệt, BS. Tâm cũng lưu ý, theo một nghiên cứu trên thế giới, có 12,5%, tương đương với 9/72 bệnh nhân COVID-19 được theo dõi xuất hiện tổn thương da trước khi xuất hiện triệu chứng hô hấp hay được chẩn đoán COVID-19. Các tổn thương này sẽ tự hết sau khoảng 10 ngày.

BS. Hoàng Văn Tâm chia sẻ với phóng viên.

Do đó, chuyên gia da liễu khuyến cáo, nếu bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng ở trên mà có yếu tố dịch tễ thì cần chú ý tới nguy cơ mắc COVID-19. Bệnh nhân cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn theo dõi, hoặc xét nghiệm trong trường hợp cần thiết.

"COVID-19 là bệnh lý có biểu hiện nhiều cơ quan, không chỉ ở phổi. Da là cơ quan khá thường gặp với 5 biểu hiện chính như đã phân tích ở trên. Do đó, nếu bệnh nhân nghi ngờ COVID-19 có tổn thương da, làm xét nghiệm RT-PCR dịch hầu họng cho kết quả âm tính thì việc lấy bệnh phẩm xét nghiệm ở da cần được cân nhắc" - BS. Tâm nói.

Cách phòng bệnh COVID-19 cho người mắc bệnh lý về da

Theo BS. Tâm, những bệnh nhân mắc bệnh lý nền về da - đặc biệt những bệnh nhân mắc bệnh lý da tự miễn như lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì, viêm bì cơ,... cần chú ý tuân thủ chặt chẽ khuyến cáo phòng dịch của Bộ Y tế và của bệnh viện nơi bệnh nhân đến khám chữa bệnh.

Hoặc với những bệnh nhân không thuộc nhóm bệnh lý tự miễn nhưng đang sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch như corticoid hoặc các thuốc sinh học... thì cũng cần phải nâng cao cảnh giác để tránh mắc COVID-19 vì đây là nhóm đối tượng nguy cơ cao, dễ mắc bệnh.

"Các biện pháp phòng dịch chung như vệ sinh cá nhân tốt, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khi chúng ta tiếp xúc với bề mặt bàn, ghế, thang máy, tay nắm cửa... đó là những vị trí có thể bị dính virus SARS-CoV-2.

Người dân cần đeo khẩu trang và chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết, tránh tụ tập đông người. Thường xuyên rèn luyện nâng cao sức khỏe, sức đề kháng cho cơ thể để phòng tránh dịch bệnh..." - Phó Trưởng khoa Điều trị nội trú ban ngày, BV Da liễu Trung ương tư vấn.


Dương Hải
Ý kiến của bạn