Vì yêu đời, yêu nghề nên tôi chọn màu áo trắng...

27-02-2015 09:13 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Thực tế, ngoài kiến thức uyên bác của người thầy thuốc, ở nước ta nhiều bác sĩ còn định danh trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật.

Thực tế, ngoài kiến thức uyên bác của người thầy thuốc, ở nước ta nhiều bác sĩ còn định danh trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật.

BS. Ðỗ Hồng Ngọc - Người chữa bệnh bằng văn chương

Thật là thú vị khi được trò chuyện với một người tinh tế, dí dỏm và yêu trẻ thơ... càng thú vị hơn khi người ấy lại là một nhà khoa học. Không những giúp cho người bệnh bớt bệnh mà còn giúp họ bớt khổ là cái tâm của vị “từ mẫu”, thầy thuốc ưu tú Đỗ Hồng Ngọc. Có lẽ không nhiều người Việt Nam có nhiều danh xưng như ông: một Đỗ Hồng Ngọc bác sĩ, nhà thơ; một Đỗ Hồng Ngọc viết văn, làm báo và một Đỗ Hồng Ngọc viết về Phật học...

Không chỉ giỏi chữa bệnh, viết sách, làm thơ, vẽ tranh, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc còn được biết đến như một nhà tâm lý tài tình, hóm hỉnh... Những cuốn sách của ông gần như là những tạp bút ý vị, giàu tính triết lý mà dí dỏm, đầy tính nhân văn. Thông thường mỗi nhà văn, nhà thơ có một đối tượng “fan” hâm mộ nhất định nhưng bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc lại chinh phục được mọi giới, mọi lứa tuổi từ các em tuổi mực tím mộng mơ, đến các bà bầu ục ịch và cũng chẳng tha các vị sồn sồn hay quí vị lão niên bởi ông chính là tác giả của những tác phẩm đem lại cho mọi người tiếng cười, cảm giác dễ chịu cùng những lời khuyên đời thường, dung dị và khoa học.

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc sinh năm 1940 tại Phan Thiết, Bình Thuận. Ông tốt nghiệp Tiến sĩ Y khoa Quốc gia, Y khoa Đại học đường Sài Gòn năm 1969. Tưởng chừng như khó có mối liên hệ nào giữa thầy thuốc và nhà văn nhưng bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã cho ra lò hàng loạt những cuốn sách ghi lại những cảm xúc chân thành của một người thầy thuốc luôn muốn sẻ chia những điều lợi ích cho đời, cho người.  Ông đã xuất bản hơn 30 tác phẩm với nhiều chủ đề như viết cho tuổi mới lớn, viết cho các bà mẹ, tùy bút, tạp văn, thơ... Nhiều tác phẩm của ông được công chúng yêu thích như: Già ơi chào bạn, Gió heo may đã về, Thư gửi người bận rộn. Với học sinh, sinh viên, ông có những tác phẩm như: Viết cho tuổi mới lớn, Bỗng nhiên mà họ lớn, Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò, Ăn vóc học hay... Với các bà mẹ trẻ, ông có: Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng; Săn sóc con em ở nơi xa thầy thuốc; Nuôi con; Thầy thuốc và bệnh nhân... Trang web cá nhân mang tên Trang nhà của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã trở thành nơi tâm giao của rất nhiều các ông bố bà mẹ, các bạn học sinh - sinh viên vốn xem bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc là người thầy luôn đến đúng lúc để giải đáp thắc mắc của tuổi mới lớn.

Những trang viết đủ sức lay gợi cho người đọc nhìn thấy chữ “thư nhàn” thay vì sống bận rộn, chữ “thiền” thay vì mải miết lao vào kiếm tiền không biết bao giờ mới đủ, chữ “yêu thương” thay vì sự lạnh lùng vô cảm. Ông tâm sự: “Viết chân thành, từ những trải nghiệm riêng tư thì lạ thay lại gặp gỡ những tấm lòng”.

Ngoài chuyện viết lách, một đam mê khác của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đó là thiền định. Ông đã có nhiều buổi trò chuyện về thiền trước công chúng, có khi là ở chùa với các nhà sư, ở tòa báo với nhiều đối tượng khác nhau, ở một quán cà phê với một nhóm trí thức, ở một đại học với các thầy cô và sinh viên... Lúc nào ông cũng chia sẻ những trải nghiệm thực tế từ góc độ của một người thầy thuốc, một người làm “khoa học thực nghiệm”, không đề cập các vấn đề tâm linh, siêu hình, dễ rơi vào dị đoan mê tín.

Kết thúc buổi trò chuyện cuối năm với phóng viên, ông kết lại một câu như lời nhắn nhủ cho các thế hệ đi sau: “Người thầy thuốc giỏi (lương y) cũng như người mẹ hiền (từ mẫu) vậy. Người thầy thuốc mà không giỏi thì không thể là mẹ hiền được. Mẹ hiền chắc không ai muốn con mình ốm đau để được... chăm sóc mà trái lại luôn mong cho con sởn sơ, mau ăn chóng lớn. Người thầy thuốc giỏi cũng vậy, chắc cũng luôn mơ ước như Hải Thượng Lãn Ông, mong sao cho mọi người ai nấy đều khỏe mạnh, được an vui để mình được... thất nghiệp, suốt ngày làm thơ ngâm vịnh, du sơn ngoạn thủy”.

BS. Dương Ðình Hùng - Nhà điêu khắc vẻ đẹp

Trải nghiệm đầu tiên khi đối diện với bác sĩ Dương Đình Hùng là một ấn tượng mạnh về sự gần gũi, cởi mở đến thân tình, một phong thái thanh nhàn, phơi phới và đầy lạc quan.

Xuất thân là bác sĩ chuyên khoa mắt, ông lại tìm đến với phẫu thuật thẩm mỹ và nổi danh ở công việc này. Bác sĩ Dương Đình Hùng được các bà, các cô biết đến nhiều hơn như một nhà điêu khắc tạo hình vẻ đẹp phụ nữ. Đã một thời, bác sĩ Dương Đình Hùng vô tình là cộng tác viên gián tiếp của các tờ báo có chủ đề làm đẹp cho phụ nữ, bởi các phóng viên thường thích quấy rầy vị bác sĩ rất nghệ sĩ tính nhưng kiến thức uyên thâm.

Dương Đình Hùng là một người đa tài, ngoài công việc chính của một vị bác sĩ ông còn viết báo, vẽ tranh, viết truyện ngắn, truyện dài và cả nhiếp ảnh, ở lĩnh vực nào cũng gây được ấn tượng đẹp, một số bài thơ của ông đã được phổ nhạc. Ông đã xuất bản khoảng 10 tác phẩm văn học bao gồm cả thơ và truyện cùng hơn 20 triển lãm tranh trong và ngoài nước. Với cái nhìn của một họa sĩ và tâm hồn của một nhà thơ, Dương Đình Hùng đã biến những bãi cát, hòn đá, mây, mưa, biển, đồi... thành những tác phẩm nghệ thuật đầy chất lãng mạn với một giá trị thẩm mỹ cao, nói một cách khác, ông đã thả cái hồn hội họa và thơ vào nghệ thuật nhiếp ảnh.

Qua tiểu thuyết Gia phả dòng họ Đinh, người ta cảm nhận thấm thía được nỗi đau của đồng bào mình sau chiến tranh. Nhân vật Đinh Phát như muốn nói thay tác giả nỗi niềm bức xúc trước thực tế, của những khát vọng muốn làm một điều gì đó cho tha nhân. Mỗi nhân vật đều phảng phất nét lãng mạn, đằm thắm của những tâm hồn đôn hậu, yêu người và tin tưởng vào cuộc đời.

BS. Hùng nhắc nhiều đến câu chuyện chất độc da cam và những hậu họa mà Việt Nam gánh chịu trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ. Nặng lòng với đề tài này nên nhiều tác phẩm, không chỉ riêng văn chương mà còn qua tranh ảnh, hội họa đã được ông khắc họa chân thật đến ngỡ ngàng về nỗi đau da cam. Năm 1996, ông đã sang Canada tổ chức một cuộc triển lãm, trình làng các tác phẩm điêu khắc tạo nên chỉ từ những phế liệu tầm lượm khi cuộc chiến đi qua. Triển lãm mang tên Hồi ức chiến tranh Việt Nam 1965 - 1975. Chất liệu làm nên những bức tranh triển lãm ấy được chắt lọc từ trong cuộc chiến, như các mảnh bom đạn tại thung lũng Khe Sanh, mảnh cánh quạt trực thăng với đầy vết đạn ở vịnh Cam Ranh và có cả chiếc thẻ bài của một người lính Mỹ... Và trước khi đến Canada, các tác phẩm nặng lòng ấy đã được trưng bày ở Hội Cựu chiến binh Mỹ tại Hawaii.

Ngày nay, tuy đã nghỉ hưu nhưng bác sĩ Dương Đình Hùng vẫn trực tiếp quản lý thẩm mỹ viện của mình. Ông sống một cuộc sống ung dung tự tại, nếu không đi du lịch thì sáng sáng cà phê sảng khoái với bạn bè, về nhà thì sáng tác các thể loại nghệ thuật yêu thích. Có một số sách truyện ông đem tặng thư viện sách nói dành cho người khiếm thị như một việc làm có ích cho những số phận kém may mắn.

PGS.TS.BS. Lê Hành: Hát hay mổ đều là nghệ thuật

Lê Hành là một bác sĩ tai-mũi-họng và phẫu thuật thẩm mỹ tài hoa. Ông được biết đến không chỉ là một vị bác sĩ mát tay, ân cần và vui tính mà còn là một giọng ca trầm ấm, ngọt ngào vang bóng một thời với các bài hát trữ tình về quê hương, cách mạng. Bài ca Tình đất đỏ miền đông định danh... ca sĩ Lê Hành, cho đến bây giờ nhiều giọng ca trẻ vẫn chưa phá được kỷ lục yêu thích từ khán thính giả trên sóng truyền hình và phát thanh. Từng tham gia hoạt động ca hát chuyên nghiệp trong thập niên 80, ông đã đạt được 5 Huy chương Vàng đơn ca khu vực và toàn quốc.  BS. Lê Hành may mắn được lớn lên trong một gia đình ai cũng biết đàn hát với giọng Huế ngọt ngào ấm áp tình người. Cái nôi âm nhạc bé nhỏ ấy đã sớm nuôi dưỡng tâm hồn nghệ thuật trong con người vị bác sĩ tương lai. Ông tâm sự: “Hát hay mổ đều là nghệ thuật! Con người ca sĩ và bác sĩ hòa quyện giúp cho tôi sống với cuộc đời hiệu quả hơn, thi vị hơn. Xã hội đòi hỏi con người có những hoạt động khác nhau tùy từng thời điểm. Khi còn trẻ thì con người ca sĩ trong tôi có nhiều vận hội hơn để tung hoành. Ở tuổi trung niên, trách nhiệm xã hội buộc con người bác sĩ phải dốc toàn lực. Lúc đó con người ca sĩ thu lại... Tôi chưa từng “từ bỏ cuộc chơi”, Lê Hành ca sĩ vẫn đến với mọi người, mọi nơi khi cần! Thật hạnh phúc khi được hát và được mọi người thích thú nghe mình”.

Một điều ít người biết, bác sĩ Lê Hành mang trong mình dòng máu của các võ quan triều đình (các cụ tổ của ông đều là võ quan của triều đình Huế). Ngoài vốn võ gia truyền, trong thời học sinh ở Huế ông còn học thêm Judo và Karate với các võ sư nổi tiếng. Vào Sài Gòn, thụ giáo thêm về khí công võ đạo với võ sư Trần Tiến, ông đã cùng với vài anh em đồng đạo lập câu lạc bộ khí công nghiên cứu và truyền thụ những phương pháp dưỡng sinh luyện khí của các trường phái Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc. Ông quan niệm, học võ chính thống là học đạo làm người, học sống trung thực, khiêm cung, vị tha, là học cách điều khiển và phát huy khả năng tiềm tàng của cơ thể và quan trọng nhất, biết tự hoàn thiện. Những thành quả đạt được trong tu luyện võ đạo làm cứng cáp hơn con người trong bão tố của cuộc đời.

Dù đã nghỉ hưu, bác sĩ Lê Hành vẫn miệt mài làm việc và tham gia các phong trào xã hội: Hội viên sáng lập Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh, tham gia các phong trào ca hát trong nước. Cộng tác viên của các đài truyền hình và truyền thanh.

Có một ca khúc tự sự rất duyên do bác sĩ tự sáng tác: “Vì yêu người, yêu đời nên tôi chọn màu áo trắng. Vì yêu người, yêu đời nên tôi hát tôi ca”... (Thêm một chút hương cho tình yêu).

Cây yêu chim nên cây trao quả ngọt,

Hoa yêu bướm hoa tặng dòng mật thơm

Suối yêu sông nên trăm suối đổ về

Mây yêu đất mây cho nước hiền hòa

Vì yêu người yêu đời nên tôi chọn màu áo trắng

Vì yêu người yêu đời nên tôi hát tôi ca.         

Tú Lan

 

 

 


Ý kiến của bạn