Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, tên khai sinh là Nguyễn Hữu Vũ, bí danh Nguyễn Văn Đồng, sinh ngày 1/3/1923 tại xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch (nay là thị xã Ba Đồn), tỉnh Quảng Bình. Trong hồi ký “Trọn một con đường”, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên ghi lại “Tuổi thơ tôi lớn lên cùng sông Gianh, dòng sông đi vào lịch sử dân tộc bao đời và chứa đựng trong mình biết bao sự tích, huyền thoại; sông chứng kiến nỗi đau đất nước bị cắt chia, Trịnh - Nguyễn phân tranh kéo dài hàng trăm năm. Sông Gianh là một phần quê hương, một phần máu thịt đời tôi”.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên sinh ra trong một gia đình nông dân, cha mất sớm khi ông mới lên 10 tuổi, 1 mình người mẹ tần tảo nuôi dạy 7 đứa con. Trong Hồi ký Trọn một con đường của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên có đoạn: "Tôi luôn thấy ở người mẹ kính yêu của mình kết tinh gần như hết thảy các đức tính, phẩm chất tuyệt vời của người phụ nữ Việt Nam. Đoan trang, hồn hậu, tinh tế, thánh thiện... Suốt cuộc đời làm lụng, hy sinh vì công danh thành đạt của chồng, sự trưởng thành, khôn lớn của các con. Mẹ luôn là niềm tin, là điểm tựa như bàn thạch của mỗi chúng tôi".
Lớn lên khi nước nhà bị xâm lăng, chứng kiến cảnh người dân bị kẻ thù áp bức, giày xéo, Đồng Sỹ Nguyên không khỏi thương xót những phận người thấp bé. Căm phẫn tội ác của quân thù, ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1938, một năm sau đó ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã trải qua nhiều cương vị quan trọng. Đặc biệt, trên cương vị Tư lệnh Bộ Tư lệnh Trường Sơn (1967-1976). Bộ đội Trường Sơn có lịch sử xây dựng và chiến đấu kéo dài suốt 16 năm (1959-1975) thì Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã có gần 10 năm làm Tư lệnh Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng, ông đã cùng các cán bộ cao cấp khác của Quân đội đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng đường mòn Hồ Chí Minh, đưa con đường vận tải chiến lược này thành một trong những mấu chốt thành bại của cuộc chiến tranh.
Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu, Phó Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam khẳng định, Trung tướng - Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên để lại nhiều dấu ấn sâu đậm nhất đối với Bộ Tư lệnh Trường Sơn, tạo nên bước ngoặt về tư tưởng và hành động đối với Bộ đội Trường Sơn. Quan điểm của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là lính Trường Sơn không có quyền nói là không thể làm được mà chỉ có quyền nói là làm thế nào để làm được.
Hàng vạn chiến sĩ bộ đội, thanh niên xung phong đã xây dựng hệ thống đường "chọc thủng Trường Sơn" với 5 trục dọc và 21 trục ngang, tổng cộng dài trên 20.000km, tạo nên mạch máu giao thông dọc ngang từ phía nam khu 4, vươn qua đất bạn Lào, Campuchia, vào tận các chiến trường miền Đông Nam bộ. Đó là con đường của ý chí quyết tâm sắt đá vì sự nghiệp giải phóng miền Nam.
Dấu ấn của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên còn thể hiện ở tầm nhìn chiến lược và phương pháp tổ chức hoạt động vận tải trên đường Trường Sơn. Để kịp thời chi viện cho chiến trường, phương châm "địch đánh, ta sửa ta đi" không còn phù hợp, ông chủ trương tổ chức "đánh địch mà đi, mở đường mà tiến", biến Trường Sơn thành chiến trường đánh Mỹ với nhiều binh chủng hợp thành như: Công binh, phòng không...
Trên cương vị Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên luôn đau đáu về nơi an nghỉ của đồng đội mình. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang ở thời điểm khốc liệt nhất, tháng 3/1973, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã thực hiện công tác đưa thi hài các liệt sĩ Trường Sơn về với đất mẹ, an nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn ngày nay.
Cuộc đời của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã sống trọn nghĩa, vẹn tình với đồng chí, đồng đội và với cả núi rừng Trường Sơn.
Một số hình ảnh khác về Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và phu nhân Nguyễn Thị Ngọc Lan.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên chụp ảnh cùng Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đại tướng Chu Huy Mân và một số đồng chí Thủ trưởng Bộ Quốc phòng.
Năm 2002, Chủ tịch nước Trần Đức Lương mừng thọ Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tròn 80 tuổi.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cùng đoàn của Chính phủ Việt Nam hội đàm với đoàn Chính phủ Lào năm 1987.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên chụp hình cùng người thân.