Thứ Hai, 30/12/2024 12:32 (GTM+7)

Hà Nội 13oC / 16-21oC

Vị tiến sĩ trẻ và “duyên nợ” với phẫu thuật thần kinh

05-05-2017 06:44 | Xã hội
google news

SKĐS - Vừa là một bác sĩ trẻ, một cán bộ Ðoàn năng động, TS. Nguyễn Vũ luôn lăn xả hết mình trong công việc nối tiếp công việc, giữ ngọn lửa đam mê nghề y luôn cháy bỏng trong anh.

Bén duyên với chuyên ngành phẫu thuật thần kinh chính từ những đêm trực bệnh viện khi còn là sinh viên Y2, TS.BS. Nguyễn Vũ, Phó trưởng khoa Ngoại thần kinh, Cột sống và Chấn thương chỉnh hình (BV Ðại học Y Hà Nội) luôn coi người bệnh chính là động lực để anh phấn đấu không ngừng. Vừa là một bác sĩ trẻ, một cán bộ Ðoàn năng động, TS. Nguyễn Vũ luôn lăn xả hết mình trong công việc nối tiếp công việc, giữ ngọn lửa đam mê nghề y luôn cháy bỏng trong anh.

Trăn trở với những khối u “made in Vietnam”

Đó là câu chuyện nghề đầu tiên mà vị tiến sĩ trẻ Nguyễn Vũ chia sẻ với chúng tôi khi hàng ngày anh phải chứng kiến và điều trị cho rất nhiều ca bệnh u não, u thần kinh, trong đó có những khối u khổng lồ di căn khắp nơi trong cơ thể. TS. Vũ kể, trước những ca bệnh như vậy lại khiến anh nhớ đến câu nói “cười ra nước mắt” rằng đây là những khối u “made in Vietnam” mà các bạn đồng nghiệp nước ngoài đã từng ví von trong một hội nghị y khoa thế giới mà anh tham dự. Một trong những nguyên nhân có những khối u khổng lồ “made in Vietnam” này là do người dân vẫn chưa có thói quen đi khám sức khỏe định kỳ, chỉ đến khi bệnh nặng đến viện thì đã quá muộn. Đây cũng là điều khiến TS. Vũ trăn trở, thôi thúc anh luôn học hỏi, cập nhật những tiến bộ y học mới của thế giới để trị những ca bệnh khó.

TS.BS Nguyễn Vũ.

Nếu như trước đây lĩnh vực phẫu thuật thần kinh, cột sống vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam thì trong vài năm gần đây, chuyên ngành này đã phát triển như vũ bão và có những bước tiến vượt bậc. Hiện nay, các bác sĩ Việt Nam đã làm chủ được rất nhiều kỹ thuật can thiệp khó như thay thân đốt sống vùng cùng cụt, phẫu thuật thay đĩa đệm cột sống cổ - thắt lưng, phẫu thuật cột sống không lo liệt, vi phẫu thuật u não nền sọ, phẫu thuật thần kinh chức năng... với trang thiết bị hiện đại. Điều này đã cứu giúp rất nhiều ca bệnh nguy kịch, phức tạp trở lại cuộc sống bình thường.

Có thể kể đến điển hình là hai ca mổ cột sống không lo liệt đầu tiên được các bác sĩ Khoa Ngoại thần kinh, Cột sống và Chấn thương chỉnh hình thực hiện vào cuối năm 2016. Bệnh nhân (BN) và gia đình rất yên tâm khi được phẫu thuật cột sống có máy cảnh báo hệ thống chức năng thần kinh (Nerve Monitoring System) trong phẫu thuật cột sống. Đây là hệ thống rất tiên tiến giúp loại bỏ nguy cơ tổn thương thần kinh, được áp dụng ở các nước phát triển trên thế giới và lần đầu tiên triển khai tại BV Đại học Y Hà Nội. TS. Nguyễn Vũ - người trực tiếp mổ cho BN Nguyễn Thị M. (82 tuổi, Hà Nội) cho biết, BN có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường đã điều trị nhiều năm, đau cột sống thắt lưng lan hai chân nhiều năm nay, đau tăng lên, bên phải nhiều hơn bên trái. BN đi bộ chỉ được tối đa 10-20m, đi vẹo người theo tư thế chống đau. Khám thấy chèn ép rễ thần kinh L5 hai bên, hình ảnh trên phim chụp cộng hưởng từ cho kết quả hẹp ống sống L4L5, mất vững cột sống. Đo mật độ xương có loãng xương với T-Score -3,1.

Theo TS. Vũ, trước khi áp dụng phẫu thuật cột sống có máy cảnh báo hệ thống chức năng thần kinh thì các bác sĩ vẫn mổ theo phương pháp truyền thống, khi đó đòi hỏi phẫu thuật viên phải có kinh nghiệm để không làm tổn thương thần kinh của BN trong cuộc mổ, tuy nhiên cũng không thể nào tránh hết được. Tỷ lệ thành công đối với các ca mổ cột sống trước đây là khoảng 80-90%. Biến chứng thần kinh sau mổ cột sống không nhiều nhưng lại rất tệ, gây liệt ít nhất là một nhóm cơ, rễ thần kinh, nặng hơn là liệt cả 2 chi, thậm chí cả 4 chi, do đó BN thường có tâm lý lo ngại khi có chỉ định mổ. Với kỹ thuật mới này thì hầu như không còn phải lo lắng về vấn đề này nữa. Hệ thống cảnh báo va chạm thần kinh này được chỉ định cho tất cả các trường hợp mổ bệnh lý cột sống: u tủy, chấn thương cột sống, gù vẹo cột sống, thoát vị đĩa đệm, hẹp ống sống, thoái hóa... Với hệ thống này, thậm chí các bác sĩ có thể kiểm tra hiệu quả ngay sau khi mổ, ngay trong phòng mổ dựa vào sóng thần kinh, cả khi BN chưa tỉnh.

TS. Nguyễn Vũ thăm khám cho bệnh nhân.TS. Nguyễn Vũ thăm khám cho bệnh nhân.

Trước đó, tháng 3/2016, lần đầu tiên các bác sĩ Khoa Ngoại thần kinh, Cột sống và Chấn thương chỉnh hình cũng đã tiến hành phẫu thuật thành công thay hai thân đốt sống ở BN u tế bào khổng lồ, gây tiêu hai đốt sống ngực và thắt lưng gây chèn ép thần kinh mạch máu lớn của BN. Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, đây là bệnh lý hiếm gặp và rất khó khăn trong phẫu thuật vì phải can thiệp phẫu thuật nhiều đường, vị trí mổ khó khăn và đặc biệt là chiều dài của cột sống phải thay là 2 thân đốt và 3 đĩa đệm liền kề. TS. Nguyễn Vũ khi ấy là người trực tiếp tiến hành phẫu thuật cho ca bệnh này cho biết, BN đến viện trong tình trạng khối u đã rất lớn chèn ép mạnh tủy sống và các rễ thần kinh làm cho BN đau liên tục và không thể đi lại được. Ngoài ra, do dùng thuốc không rõ nguồn gốc nên BN còn bị suy tế bào gan với men gan tăng cao, loãng xương và hội chứng giả Cusing do sử dụng thuốc corticoid trước đó quá nhiều. Hơn nữa, việc thay hai thân đốt sống là tương đối khó khăn do phải lấy bỏ 2 thân đốt sống và 3 đĩa đệm liền kề. Đặc biệt, ở vùng mổ do phía trên vướng và chân cơ hoàng và gan còn phía dưới vướng vào thận và tĩnh mạch chủ dưới nên không thể có định lối bên mà phải can thiệp phẫu thuật đường lưng để cố định cột sống bằng nẹp vít và giải ép thần kinh còn đường bên khi can thiệp.

Đứng trước ca bệnh đầy thách thức này, TS. Vũ đã quyết định vén các tạng và mạch máu lớn cũng như đảm bảo không va chạm vào các rễ thần kinh và tủy sống để lấy toàn bộ u và sử dụng loại thân đốt sống nhân tạo đặc biệt bằng titan có thể tăng kích thước. Đây là loại vật liệu mới giúp có thể thay được nhiều thân đốt sống. Ca phẫu thuật với sự hỗ trợ của các chuyên khoa ngoại tiết niệu - tiêu hóa, gây mê hồi sức, sau hơn 5 giờ phẫu thuật, BN đã được thay hai thân đốt sống với chiều dài gần 8cm, lấy u và cố định cột sống vững chắc. Đáng mừng, chỉ sau mổ 2 ngày BN đã hết đau, cử động hai chân bình thường và tự lăn trở trên giường, 5 ngày là có thể cho BN tập đi lại được bình thường.

Những đêm trực bệnh viện và “duyên nợ” với phẫu thuật thần kinh

Sinh ra trong một gia đình có bố là giáo viên, mẹ là công nhân quốc phòng, cả gia đình kỳ vọng cậu con trai duy nhất sẽ nối nghiệp cha có một công ăn việc làm ổn định trong môi trường giáo dục. Nhưng cuộc đời dường như đã sắp đặt cho anh một lối rẽ khác - đam mê và sống trọn với nghề y. Trong dòng ký ức tuổi thơ, TS. Nguyễn Vũ kể, bố anh bị đau dạ dày, mỗi lần chứng kiến những cơn đau hành hạ cơ thể người cha thân yêu khiến anh không khỏi xót xa. Có lần ông đau đến chết đi sống lại, nhìn bố vật vã càng khiến anh có thêm động lực mạnh mẽ lớn lên sẽ trở thành một bác sĩ để chữa khỏi bệnh dạ dày cho bố. Ước mơ làm bác sĩ nhen nhóm trong lòng cậu học trò nhỏ từ lúc đó những tưởng chỉ là suy nghĩ nhất thời của con trẻ. Đến lúc chọn nghề, chọn trường thi đại học, bố mẹ vẫn hướng anh vào nghề giáo viên. Chiều lòng cha mẹ, anh đăng ký thi cả trường y và trường sư phạm, nhưng “trốn thi” sư phạm bằng cách nộp bài thi trắng. Sau đó, anh đỗ vào Trường đại học Y Hà Nội với số điểm khá cao. Đây cũng là dấu mốc đầu tiên, đánh dấu con đường gắn bó, đam mê với nghề y của anh.

TS. Vũ luôn coi người bệnh chính là động lực để anh phấn đấu không ngừng.

TS. Vũ nhớ lại: Hồi ấy có chương trình sinh viên nghèo đi trực bệnh viện làm công việc của y tá, vừa là để học nghề vừa có chút tiền ít ỏi để trang trải học hành. Anh là một trong số hơn chục sinh viên Y2 được phân công trực tại Khoa Phẫu thuật thần kinh, BV Việt Đức. Những ngày tháng trực bệnh viện, gần gũi với người bệnh, tận mắt chứng kiến cơn đau hành hạ những cơ thể gầy guộc, yếu ớt, thậm chí có nhiều người đã chết trước khi có cơ hội được phẫu thuật, anh tự nhủ phải làm gì đây để BN của mình bớt đau đớn? Mong muốn trở thành một bác sĩ về thần kinh mỗi ngày một lớn dần lên trong chàng sinh viên y khoa lúc đó, vừa học vừa thực tế bệnh viện càng thôi thúc anh đi sâu tìm tòi nghiên cứu về lĩnh vực phẫu thuật thần kinh vẫn còn khá mới mẻ lúc bấy giờ.

Đến năm 2004, anh tốt nghiệp bác sĩ đa khoa rồi tiếp tục thi đỗ và theo học bác sĩ nội trú 3 năm chuyên ngành ngoại khoa. Sau đó anh tiếp tục nghiên cứu sinh chuyên ngành ngoại thần kinh sọ não. Càng đi sâu nghiên cứu và chữa bệnh, TS. Nguyễn Vũ dường như cảm thấy có một sức hút lạ kỳ của nghề y khiến anh không thể không dấn thân.

Một bác sĩ trẻ - thủ lĩnh Ðoàn năng động

Tuy tuổi đời, tuổi nghề còn khá trẻ nhưng TS. Nguyễn Vũ đã có dịp đi thực tế tại nhiều cơ sở y khoa trên thế giới, anh nhận thấy rằng y học Việt Nam không thua kém, thậm chí còn đi hỗ trợ các nước trong khu vực. Anh may mắn được học tập và làm việc trong môi trường y khoa chuyên nghiệp càng có thêm điều kiện trau dồi, tôi luyện thành một bác sĩ vững tay nghề. Cho đến nay, TS. Nguyễn Vũ đã có 30 công trình khoa học được công bố trong nước và quốc tế.

Chia sẻ về y đức trong quan niệm của bác sĩ trẻ, TS. Vũ cho rằng: “Y đức không phải chỉ thể hiện ở thái độ “gọi dạ, bảo vâng” của bác sĩ với người bệnh mà đó còn là việc đảm bảo chuyên môn, hạn chế tối đa rủi ro của bệnh tật, hạn chế tối đa chi phí không cần thiết mà BN khỏi được bệnh. Đó còn là việc BN và bác sĩ hiểu nhau cùng nhìn về một mục tiêu là chữa khỏi bệnh; là BN chia sẻ với áp lực công việc của bác sĩ; là môi trường bệnh viện thân thiện, hạn chế các thủ tục rườm rà để người bệnh tiếp cận việc khám chữa bệnh nhanh nhất, gần nhất...”.

Vừa là bác sĩ trẻ, vừa là một thủ lĩnh Đoàn năng động. TS. Vũ thường xuyên đến với người dân vùng xa, coi đó là khoảng thời gian trải nghiệm giúp anh gần gũi với bà con, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, tư vấn nâng cao kiến thức phòng chống bệnh tật.

Ngoài làm công việc chuyên môn, TS. Nguyễn Vũ còn là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ, BV Đại học Y Hà Nội, Phó Bí thư Đoàn trường Đại học Y Hà Nội. Quỹ thời gian của anh luôn quay cuồng trong công việc, sống và cống hiến đã trở thành kim chỉ nam. Với vị bác sĩ trẻ này, những đợt khám tình nguyện, hoạt động cộng đồng chính là khoảng thời gian trải nghiệm giúp anh gần gũi với bà con, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, tư vấn nâng cao kiến thức phòng chống bệnh tật. Trong năm 2016, Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ BV Đại học Y Hà Nội do anh làm thủ lĩnh đã triển khai được 15 đợt tình nguyện, trong đó có 12 đợt khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí. Tổng cộng đã có trên 6.000 lượt người trên nhiều địa bàn cả nước được thụ hưởng dịch vụ chăm sóc y tế miễn phí ngay tại địa phương. Ngoài ra, vị thầy thuốc trẻ này còn cùng các đồng nghiệp của mình tổ chức lớp dạy sơ cấp cứu cho trẻ em lang thang đường phố ở Hà Nội...

“Tuy có những lúc vui buồn, áp lực công việc đè nặng trên hai vai nhưng các bác sĩ như tôi sẽ “sống chết” với nghề, hàng ngày vẫn đam mê với công việc của mình. Có những khi đứng bên bàn mổ ròng rã 12 tiếng đồng hồ nhưng chính sự ghi nhận, sự hài lòng của người bệnh là động lực thúc đẩy tôi nỗ lực hơn nữa vì người bệnh của mình...” - TS. Nguyễn Vũ tâm sự.


Dương Hải
Ý kiến của bạn