Hà Nội

Vị thuốc từ loài ong đen sống trong tre nứa chữa bệnh gì?

06-11-2024 17:00 | Vị thuốc quanh ta
google news

SKĐS - Ong đen thường sống trong ống tre, nứa... Mặc dù ít phổ biến hơn ong mật nhưng được coi là vị thuốc quý, có tác dụng chữa trị nhiều bệnh lý nguy hiểm.

Ong đen mặc dù không phổ biến như ong mật, nhưng đã cho thấy tiềm năng lớn trong y học nhờ các thành phần dược lý có trong nọc của chúng. Các hợp chất như melittin, apamin trong nọc ong đen mở ra những triển vọng điều trị các bệnh viêm nhiễm, ung thư và bệnh thần kinh.

Tuy nhiên, việc ứng dụng trong thực tế cần được thực hiện hết sức cẩn trọng và có sự giám sát của y tế, tránh các phản ứng nguy hiểm và đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

1. Đặc điểm của ong đen

Ong đen có tên khoa học là Xylocopa dissimilis (Lep), thuộc họ Ong (Apidae), còn gọi là ô phong, hùng phong, tượng phong, trúc phong (trúc là cây tre, cây nứa, phong là con ong, vì con ong này sống trong ống tre, cây nứa nên có tên trúc phong). Ong đen còn được gọi là ong mướp, vì thường thấy đến hút mật ở hoa mướp.

Vị thuốc từ loài ong đen sống trong tre nứa chữa bệnh gì?- Ảnh 1.

Ong đen là một vị thuốc quý.

Ong đen sống khắp nơi ở đồng bằng cũng như miền núi. Ở nước ta còn ít chú ý khai thác, nhưng ở miền Nam Trung Quốc, người ta thường bắt ong này vào mùa thu đông (mùa ong sống trong ống tre nứa). Sau khi biết ong ở đâu, nút kín ống tre hay ống nứa lại, hơ nóng cho ong chết, chẻ ra để lấy dùng. Ong đen dễ mốc mọt, nên phải sấy cho khô, không nên phơi nắng dễ hỏng và dễ mốc mọt hơn.

Các nghiên cứu hiện đại cho thấy nọc độc của ong đen chứa các hợp chất như melittin và apamin. Melittin là một peptide mạnh, được chứng minh có khả năng chống viêm, ức chế sự phát triển của tế bào ung thư. Apamin - một peptide khác trong nọc ong, có khả năng bảo vệ tế bào thần kinh, ngăn ngừa thoái hóa tế bào, đặc biệt là trong các bệnh thần kinh như Parkinson.

Một số nghiên cứu khác về nọc ong nói chung (bao gồm các loài ong khác ong đen), các peptide trong nọc ong như apamin, melittin, ngoài ra còn có tertiapin... Những peptide này có nhiều nghiên cứu trên in vitro, in vivo, thử nghiệm trên nhiều mô hình dược lý khác nhau như kháng khuẩn, kháng ung thư, kháng viêm.

Điều này cho thấy tiềm năng lớn trong việc nghiên cứu phát triển các phương pháp điều trị ung thư từ nọc ong, bao gồm cả ong đen.

2. Sử dụng ong đen thế nào?

- Dùng cả con

Ong đen là một vị thuốc được dùng từ lâu đời trong nhân dân. Theo tài liệu cổ, ong đen có vị ngọt chua, tính hàn, không độc, vào hai kinh vị và đại trường.

Cuốn "Bản thảo cương mục" của Lý Thời Trân ghi chép ong đen vào kinh phế, tỳ, chữa ho lâu ngày không khỏi, tắc nghẽn tiểu tiện, có tác dụng thanh nhiệt, tiêu đờm, lợi tiểu.

Tác dụng của ong đen là thanh nhiệt, tả hỏa khử phong dùng trong những trường hợp sâu răng, miệng lở loét, đau cổ họng, trẻ con kinh phong. Ngày dùng 2 đến 4 con tán nhỏ uống, hoặc sắc uống 3 - 5 con. Theo tài liệu cổ những người hư hàn không nên dùng.

Lưu ý: Ngoài con ong đen trên, người ta còn dùng con ong đen Xylocopa phalothorax, nhỏ hơn, nhưng không dùng con có đốm trắng ở đầu.

Ong đen ngâm rượu

Ong đen còn được dùng để ngâm rượu thuốc. Trước khi ngâm ong vào rượu, có thể dùng nhiều phương pháp khác như làm đông ong đen trong tủ lạnh hoặc cho vào nước sôi để gây bất động rồi đặt vào rượu sau.

Thời gian ngâm thường trong vòng một tháng để rượu đủ ngấm và dùng uống. Liều dùng khoảng 15ml rượu ong đen mỗi ngày để điều trị chứng đau thấp khớp.

Mời bạn xem tiếp video:

55 vết đốt của ong vò vẽ khiến bé gái suy đa tạng, suy hô hấp | SKĐS


BS. Âu Văn Khê, DS. Ngô Việt Phúc Đông
Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3
Ý kiến của bạn