Hà Nội

Vị thuốc từ cây cau

SKĐS - Cây cau có tên khoa học là areca catechu L, họ cau arecaceae. Để ăn trầu dùng cả quả cau đã gọt vỏ xanh ở ngoài.

Cây cau cho các vị thuốc: hạt cau (binh lang), phần bọc dày ngoài hạt (đại phúc bì), rễ cau, rêu cau, buồng cau, bẹ cau. Trong đó, hạt cau được dùng nhiều hơn cả.

Hạt cau có chất tanin (chất chát), hạt non 70%, hạt chín 15-20%, alcaloid: arecolin, arecailin gây chảy nước bọt nhiều, tăng tiết dịch vị, dịch ruột, co đồng tử (dùng trong bệnh glaucom), giảm nhịp tim, tăng nhu động ruột. Liều thấp kích thích thần kinh, liều cao ức chế. Chất arecolin độc nhưng không hại cho người ăn trầu, vì đã có vôi và nước bọt kiềm hóa arecolin chuyển thành arecalin không độc.

Hạt cau (binh lang, tân lang nhân, đại phúc tử) vị cay đắng chát, tính ấm. Vào 2 kinh đại tràng và vị. Công dụng giáng khí, phá trệ, sát trùng, thông thủy.  Trị giun sán, ăn uống tích trệ gây đau bụng, cước khí do sơn lam chướng khí và dịch lệ, đi lị, phù thũng. Liều dùng 6-12g.

Hạt cau có 2 loại: kê tâm tân lang (hạt cau giống tim gà) là loại tốt giáng khí mạnh và thoa thân tân lang (hạt cau hình thoi) công năng kém hơn.

Cây cau.

Cây cau.

Một số cách dùng hạt cau làm thuốc:

Chữa sốt rét cơn:

Bài 1: hạt cau 12g tán mịn, thường sơn 12g. Sắc uống.

Bài 2: Triệt ngược thất bảo ẩm (sách Dị giản phương): hạt cau 12g, thường sơn sao rượu 12g, thảo quả lùi 12g, thanh bì 12g, hậu phác 12g, trần bì 6g, cam thảo 6g. Sắc uống hoặc tăng liều lên 4-5 lần rồi tán bột mịn, luyện hồ làm viên uống. Mỗi lần 12g, ngày 2 lần.

Bài 3: hạt cau 2g, thường sơn 6g, thảo quả 1g, cát căn 4g. Các vị sắc với 600ml nước còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.

Tẩy ký sinh trùng đường ruột.

Tẩy sán dây:

Bài 1: hạt cau 30g, hạt bí ngô 30g. Sắc uống.

Tẩy giun móc: hạt cau 20g, vỏ lụa trắng rễ xoan 30g sắc đặc thêm đường chế thành 60ml. Uống trước khi đi ngủ, khi bụng đói. Dùng liền 2 ngày.

Tẩy giun đũa, giun kim: 21 hạt cau sao tán nhỏ. Chia uống 2-3 lần trong ngày, với nước sắc vỏ quả cau làm thang. Uống lúc đói.

Theo kinh nghiệm, để tẩy giun sán nên dùng hạt cau sống, còn để tiêu tích mới phải nấu chín.

Tẩy trùng roi: cau 100g, cắt lát mỏng hoặc giã nát cho vào 500ml nước ngâm trên 12 giờ. Đun cạn còn 200ml chia 3 lần uống trong buổi sáng sớm còn đói bụng.

Trị trẻ chốc đầu: cau lượng vừa đủ, đem xay nhỏ phơi trong bóng râm cho khô, trộn dầu vừng để bôi.

Viêm túi mật cấp tính, đơn thuần: hạt cau 10g tán bột, hạt cây cải củ 10g, trần bì 10g cắt nhỏ. Các vị cho vào nồi, đổ nước vào đun sôi 1 lúc là được. Ngày uống 2 lần sau bữa ăn. Có thể pha ít đường để dễ uống.

Kiện tỳ, khai vị. Chữa ăn không tiêu, đầy trướng, ợ chua: hạt cau 200g, đinh hương 10g, đậu khấu 10g, trần bì 20g, sa nhân 10g, muối 10g. Các vị thuốc trừ hạt cau nấu thành cao lỏng. Lấy hạt cau ra thái lát nhỏ uống 5-10g sau bữa cơm chiều bằng nước đã sắc.

Hạt cau làm thuốc.

Hạt cau làm thuốc.

Các bộ phận khác của cây cau dùng làm thuốc:

Vỏ quả cau già (đại phúc bì) làm dập nát thành sợi (đại phúc nhung, đại phúc mao), vị cay ôn, vào 2 kinh tỳ vị. Công dụng hành thủy, hạ khí chữa phù nề, đầy trướng (do lam sơn chướng khí). Người không có khí trệ, hư nhược không được dùng. Mỗi lần 6-12g. Khi sắc thuốc phải bỏ đại phúc bì vào túi vải buộc chặt lại để tránh uống phải lông vướng họng.

Chữa viêm thận phù nề: Vỏ cau già 15g, mã thầy 50g. Sắc uống.

Rễ cau làm thuốc cường dương: Rễ cau trắng ở dưới đất 40-60g sao vàng sắc uống. Không nên dùng nhiều sẽ bị tán khí có hại...

Meo cau chữa hắc lào: Meo cau 1 nắm, thuốc lào 1 nhúm tán bột trộn dầu vừng vừa đủ, trộn đều, cho vào lọ dùng dần, bôi ngày 2-3 lần.

Tua cau chữa hen suyễn: Tua cau cũ đốt tồn tính, tán mịn. Mỗi lần dùng 4-8g trộn với cơm, cháo. Dùng 3-4 lần sẽ thấy hiệu nghiệm.

Buồng cau khô (đã hái quả) 20g sắc uống chữa hành kinh băng huyết, hoặc sau khi đẻ băng huyết.

Chữa sỏi thận: rễ cau non, rễ cây dâu, rễ dừa, mỗi thứ 1 nắm sao vàng hạ thổ; cỏ mần chầu 1 nắm, mía lau 5 lóng, lá cây kim thất 1 nắm, đường phèn 1 nhúm (tổng cộng 7 vị) nấu nước uống.

Bẹ cau thái nhỏ sao vàng sắc uống. Chữa phù thũng.

Sách Thánh tễ tổng lục có nhiều cách dùng các bộ phận cây cau làm thực phẩm nấu cháo cau đơn thuần hoặc phối hợp tim, lòng lợn, tôm đồng để chữa rất nhiều bệnh.

Kiêng kỵ: không dùng đối với  người có khí hư hạ hãm, hoặc không có trùng tích và không có khí trệ.


BS. Phó Đức Thuần
Ý kiến của bạn