Hà Nội

Vị thuốc nơi đại dương

SKĐS - Muống biển là một vị thuốc chữa được nhiều bệnh. Theo Đông y, muống biển có vị cay, đắng, tính hàn, vào 2 kinh can và tỳ. Có tác dụng trừ phong thấp, tiêu ung, tán kết, đau nhức, mụn nhọt sưng đau, trĩ lậu...

Rau muống biển

Rau muống biển còn có tên là muống biển, mã an đằng, nhị diệp hồng thự... Tên khoa học là Ipomoea pescarpae (L.) thuộc họ khoai lang. Về mặt hình thái có sự tương đồng với rau muống thông thường, nên có tên gọi là rau muống biển.

Thân cây mọc bò lan trên mặt đất, như thân rau muống, nhưng không rỗng mà đặc, phân chia nhiều nhánh. Lá mọc so le, hình móng ngựa, lá non có 2 mảnh cụp vào nhau. Lá và dây đều có nhựa.

Vị thuốc nơi đại dương

Muống biển là một vị thuốc chữa được nhiều bệnh. Theo Đông y, muống biển có vị cay, đắng, tính hàn, vào 2 kinh can và tỳ. Có tác dụng trừ phong thấp, tiêu ung, tán kết, đau nhức, mụn nhọt sưng đau, trĩ lậu... Theo dân gian, muống biển dùng làm thuốc uống chữa cảm mạo, sốt, sốt rét, tê thấp, chân tay nhức mỏi, thông tiểu tiện, chữa thủy thũng, đau bụng... Dùng ngoài lấy lá tươi giã nát đắp lên các vết loét, mụn nhọt đang mưng mủ và cũng dùng trị rắn cắn. Tại Ấn Độ, lá được dùng đắp ngoài trị tê thấp và đau bụng, dịch lá dùng trị bệnh phù. Ở Trung Quốc, người ta dùng toàn cây chữa phong thấp đau nhức khớp xương, đau ngang thắt lưng, mụn nhọt và viêm mủ da, trĩ xuất huyết.

Trong thực tiễn rau muống biển đặc biệt có hiệu quả khi điều trị cho các bệnh nhân gặp vấn đề dị ứng do sứa biển. Khi gặp tình trạng dị ứng do sứa biển, có thể hái rau muống biển (cả thân, lá) đun sôi với nước sạch, dùng nước để tắm thì tình trạng dị ứng sẽ thuyên giảm nhanh chóng. Nếu không có điều kiện để đun nước tắm, có thể giã nhuyễn rau muống biến, hòa với nước sạch, lọc lấy nước bôi lên cơ thể cũng có hiệu quả.

Rau muống biển được dùng trong các bài thuốc trị đau nhức xương khớp, mụn nhọt… Một số bệnh nhân ở tình trạng thừa cân, dùng rau muống biển tươi nấu nước uống cũng rất có hiệu quả.

Sa sâm

Sa sâm hay còn được gọi là sa sâm nam, sa sâm biển. Có tên khoa học là Launaea pinnatifida thuộc họ Cúc (Asteraceae). Là một loài cây thân thảo sống lâu năm cao trung bình từ 15 - 30 cm, rễ mềm, mọc thẳng đứng, có màu vàng nhạt. Lá sa sâm mọc thành hình hoa thị ở gốc, dài từ 3-8cm, rộng 5 -15 mm, thon hẹp dần ở gốc; thùy tận cùng hình tam giác lớn, các thùy bên có hình tam giác, tù. Cụm hoa đầu màu vàng, mọc ở gốc hoặc ở các đốt, có cuống ngắn. Cây phân bố tại nhiều quốc gia có bờ biển ở nhiều nơi trên thế giới.

Vị thuốc nơi đại dương

Về mặt dược liệu, toàn bộ cây đều có thể dùng làm thuốc. Sa sâm có vị hơi đắng, ngọt và tính mát đi vào các tỳ  vị và phế. Được dùng trong các phương thuốc lợi sữa, nhuận tràng, lợi tiểu. Tại Ấn Độ, người ta dùng sa sâm biển thay cho bồ công anh làm thuốc lợi sữa. Lá dùng làm thuốc trị tạng bạch huyết, rễ cây phơi khô, sao vàng làm thuốc uống giải khát, giúp lợi tiêu hóa. Toàn cây nghiền ra đắp trị vết cắn của sứa; dung dịch của cây đắp trị đau thấp khớp. Người bị mụn nhiều có thể nấu nước để uống, liều lượng từ 10 -12g khô hoặc 20 - 50g cây tươi.

Sài hồ biển

Sài hồ biển hay còn được biết đến với nhiều tên goi khác nhau như cúc tần biển, nam sài hồ, hải sài…Cây có tên khoa học là Pluchea pteropoda Hemsl, thuộc họ cúc (Asteraceae). Là cây thân thảo, có chiều cao khoảng 30 - 40 cm, sống lâu năm có thể cao đến 70 cm. Lá mọc cách, hình thìa, phía cuống hẹp lại, mép có răng cưa, lá dày, vỏ có mùi thơm, mặt trên xanh hơn mặt dưới, dài 3-5cm, rộng 1.5 - 2.5cm.

Vị thuốc nơi đại dương

Cây sài hồ Việt Nam mọc hoang  tại các vùng ven bờ biển nước ta như Kê Gà, Mũi Né, Long Hải…

Về thành phần hóa học, trong rễ cây sài hồ Việt Nam có chứa tinh dầu. Về dược lý, sài hồ nam có vị mặn hơi đắng, tính mát; có tác dụng phát tán phong nhiệt, giải uất.  Rễ thường được dùng chữa ngoại cảm phát sốt nóng hơi rét, nhức đầu, khát nước, tức ngực, khó chịu. Lá có hương thơm, dùng để xông, chữa đau mỏi lưng.

Muối biển

Thành phần chính của muối ăn là natri clorua cùng một số khoáng chất khác như magie, kali, canxi, funfat, sắt… Theo Đông y, muối có vị mặn, tính hàn không độc, đi vào 3 kinh là thận, tâm và vị. Có tác dụng thanh tâm, lương huyết, nhuận táo. Muối ăn là chất dẫn các thuốc vào kinh lạc. Dùng trong trường hợp nhiệt kết trong ruột và dạ dày, táo bón, đau răng, đau mắt đỏ , gây nôn mửa, chữa ngứa vùng hạ bộ.

Vị thuốc nơi đại dương

Trong thực tế sử dụng, muối ăn thường được dùng tẩm sao cùng các vị thuốc đi vào thận như đỗ trọng, đậu đen. Muối có công hiệu trong việc trị ho, viêm họng; các trường hợp viêm họng mạn có thể sử dụng muối hạt lâu năm để ngậm cũng có hiệu quả tốt. Muối biển đun trên lửa lớn trong nồi kín, cho nổ đều, đến khi hết nổ thì trộn với bột than gáo dừa theo tỷ lệ nhất định; dùng đánh răng mỗi sáng và tối giúp bảo vệ sức khỏe răng miệng. Muối ăn còn có tác dụng đối với trường hợp hôi miệng, nha chu, sâu răng…

Về kiêng cữ, người bệnh cao huyết áp nên thận trọng khi sử dụng các sản phẩm cũng như thành phần có chứa muối. Cần chú ý tỷ lệ dùng bao nhiêu muối, để thích hợp với tình trạng sức khỏe của mỗi người.


Lương Y NGUYỄN ĐỨC NGHĨA
Ý kiến của bạn