Trữ ma căn có tác dụng trị động thai và an thai.
Trữ ma căn: vị thuốc là rễ đã phơi hoặc sấy khô của cây gai. Cây sống lâu năm, thuộc loại nửa bụi, có thể cao tới 1,5-2m, mọc khắp nơi trong nước lấy sợi và lấy lá làm bánh. Trữ ma căn vị đắng, tính hơi hàn quy kinh phế, tỳ, can. Tác dụng thanh giải nhiệt độc, tán ứ, thông lâm, an thai dùng trong các trường hợp đơn độc, sang lở, đái buốt, đái dắt, phụ nữ có thai đau bụng, ra huyết, xích bạch đới, viêm cổ tử cung. Liều dùng 10-20g.
Tô ngạnh: là cành đã phơi hay sấy khô của cây Tử tô, có tên khoa học là Perilla frutescens (L) Britt, là loại rau thơm phổ biến. Tô ngạnh vị cay, tính ôn, vào hai kinh phế và tỳ. Tác dụng thuận khí, an thai dùng trong trường hợp khí nghịch lên gây đau bụng, động thai. Liều dùng 6-12g.
Sa nhân: Vị thuốc là hạt của cây sa nhân. Cây thảo sống lâu năm, cao chừng 1,5m, phổ biến ở phía bắc và bắc Trung bộ. Quả được thu hái vào tháng 8 dương lịch. Thuốc có vị cay, tính ấm quy vào kinh tỳ, thận, vị. Tác dụng lý khí hóa thấp, trừ thấp, giảm đau. Làm an thai trong trường hợp thai động không yên, ra máu. Liều dùng 2-4g.
Bạch truật: Vị thuốc là rễ cây bạch truật. Cây mọc lâu năm cao khoảng 70-80cm. Rễ phát triển thành củ to và mầm. Thuốc có vị ngọt, đắng, quy kinh tỳ, vị. Tác dụng kiện tỳ vị, tiêu thực, lợi thủy, ráo thấp, cố biểu, liễm hãn, an thai, chỉ huyết. Trường hợp động thai, ra huyết có thể dùng bạch truật. Liều dùng 6-12g.
Tục đoạn: dùng rễ của cây tục đoạn. Vị thuốc còn có tên tiếp cốt thảo. Cây có ở một số tỉnh vùng núi phía bắc, nhất là ở Sa Pa (Lao Cai). Tục đoạn có vị đắng, tính hơi hàn, quy hai kinh can, thận. Tác dụng bổ can thận, mạnh gân cốt, thông điều huyết mạch, chỉ thống, trị phong thấp, chấn thương, xương khớp sưng đau, an thai, chỉ huyết. Dùng tốt trong các trường hợp động thai, đau bụng, ra huyết. Liều dùng 6-12g
Tang ký sinh: là toàn thân của cây tầm gửi cây dâu. Thuốc có vị đắng tính bình vào hai kinh can, thận. Tác dụng trừ phong thấp, kiện cân, cường cốt, hạ huyết áp, dưỡng huyết, an thai. Dùng cho thai phụ huyết hư dẫn đến động thai, ra huyết. Liều dùng 8-12g.
Ngải diệp: là lá của cây ngải cứu. Loại cây thảo, dùng làm rau ăn. Thành phần hóa học chủ yếu là tinh dầu. Ngải diệp vị đắng, cay, tính ấm, qui kinh can, vị. Tác dụng điều hòa khí huyết, ôn kinh, tán hàn, giải cảm, giảm đau, an thần, kiện vị, an thai. Liều dùng 6-12g.
Đỗ trọng: vị thuốc là vỏ phơi hay sấy khô của cây đỗ trọng. Là loại cây gỗ cao 10-20m, được di thực về Việt Nam nhưng chưa nhiều. trên thị trường chủ yếu là nhập từ Trung Quốc. Đỗ trọng vị cay, tính ấm, qui kinh Can, thận. Tác dụng bổ can thận, mạnh cân cốt, bình can, hạ áp, dưỡng huyết, an thai. Dùng trong trường hợp thai động, ra huyết. Liều dùng 8-16g.
A giao: là cao da lừa nấu với nước giếng huyện Đông A, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. A giao vị ngọt, tính bình vào ba kinh Phế, Can, Thận. Tác dụng tư âm, dưỡng huyết, nhuận phế, chỉ huyết, an thai. Dùng cho phụ nữ rong huyết, có thai ra huyết, đau bụng hoặc sau sẩy thai vẫn rong huyết. Liều dùng 6-12g
Ban long: còn gọi là lộc giác giao, là chế phẩm cao được bào chế từ gạc hươu nai. Thành phần hoạt chất chủ yếu gồm gelatine, các acide amin, calci phosphat, calcicarbonat, các chất nội tiết kích thích sinh trưởng. Ban long vị ngọt, tính ấm quy kinh can, tỳ, thận là thuốc ôn bổ hạ nguyên, bồi bổ dương đạo, sinh tinh tủy, mạnh gân cốt, bổ huyết, chỉ huyết, điều hòa chức năng nội tiết, thuốc có tác dụng an thai, cầm máu. Ngày dùng 10g, ăn với cháo nóng, hoặc ngâm rượu uống.