Vị thuốc có tên chó

SKĐS - Nhân dịp Xuân Mậu Tuất, chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc một số vị thuốc mang tên loài chó, rất hữu ích trong việc phòng và chữa bệnh.

Cây chó đẻ:

Còn được gọi với nhiều tên khác như: chó đẻ răng cưa, diệp hạ châu, cam kiềm, rút đất, khao ham (Tày), tên khoa học Phyllanths urinaria L., tên đồng danh: P. amarus, P. cantoniensis Hornem., P. alatus Blume, thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae).

Sở dĩ có tên chó đẻ vì người ta quan sát thấy những con chó mẹ sau khi sinh thường đi tìm loại cây này ăn để chữa ứ huyết. Cây có tên là diệp hạ châu, vì có các hạt tròn nằm dưới lá. Ngoài ra còn có nhiều tên khác: trân châu thảo, diệp hạ châu đắng, diệp hòe thái, lão nha châu...

Vị thuốc có tên chó

Chó đẻ là loại cây sống hàng năm hoặc sống dai, cao 20 - 30cm. Thân nhẵn, màu đỏ, thường phân nhánh nhiều. Lá mọc so le, xếp hai dãy sít nhau có hình thuôn bầu dục hay trái xoan ngược, mặt trên màu xanh nhạt, mặt dưới hơi mốc. Hoa mọc ở nách lá, hoa đực ở ngọn cành, hoa cái đơn độc ở gốc cành. Quả nang hơi đỏ, hình cầu, có gai nhỏ, chứa 6 hạt hình tam giác, màu nâu nhạt.

Mùa hoa quả tháng 4 - 8.

Ở Việt Nam, chó đẻ mọc hoang khắp nơi, thường thấy ở các bãi cỏ, ruộng vườn, đất hoang. Người ta thường thu hái toàn cây quanh năm, tốt nhất vào mùa hè - thu, rửa sạch đất cát, cắt khúc ngắn, dùng tươi hoặc phơi trong chỗ râm mát để dùng dần.

Trong chó đẻ răng cưa có các thành phần flavonoid, alcaloid phyllanthin và các hợp chất hypophyllanthin, niranthin, phylteralin.

Theo Đông y, chó đẻ có vị đắng, tính mát, tác dụng lợi tiểu, tiêu độc, sát trùng, tán ứ, thông huyết, điều kinh, thạch can nhiệt, làm sáng mắt, hạ sốt.

Thường dùng chữa viêm hầu họng, ung nhọt, đinh râu, lở ngứa, chàm má, tưa lưỡi, viêm da thần kinh, sản hậu ứ huyết.

Ngày nay, người ta ứng dụng điều trị viêm thận phù thũng, viêm niệu đạo, viêm ruột, lỵ, viêm kết mạc, viêm gan.

Ngày dùng 8 - 16g khô, sắc uống, hoặc dùng cây tươi 20 - 40g rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước uống, bã dùng đắp lên chỗ đau.

Dùng ngoài, lấy cây tươi rửa thật  sạch với nước muối, giã nát, đắp lên vết thương chảy máu, mụn nhọt hoặc các đầu khớp bị sưng đau.

Chú ý phân biệt với một cây khác, cũng mang tên chó đẻ răng cưa, còn có tên cam kiềm, tên khoa học Phyllantus niruri L., thuộc họ Thầu dầu. Phân bố ở một số tỉnh thuộc châu thổ sông Hồng (Thái Bình, Hải Dương...).

Về hình dạng thực vật, cây này cũng giống như cây thân xanh nói trên, song cây chỉ cao khoảng 5 -10cm; thân, cành có màu tía đỏ, quả có màu đỏ.

Người ta thường dùng toàn cây, sắc đặc, lấy nước ngậm chữa đau răng lợi, hôi miệng, thông tiểu, thông sữa, còn dùng trị viêm gan vàng da.

Cây đuôi chó:

Còn gọi là đuôi chồn tóc, đuôi chồn quả đen, Hầu vĩ tóc, tên khoa học Uraria crinita (L) Desv.ex D., thuộc họ Đậu (Fabaceae).

Đuôi chó là loại cây nhỏ, cao khoảng 1,5m. Lá có 3-5 lá chét hình trái xoan dài. Hoa màu tím nhạt, xếp thành chùm ở ngọn, hình trụ, dạng bông. Quả hình đậu, đen bóng có 3 - 5 đốt.

Cây ra hoa vào khoảng tháng 7 - 9.

Cây đuôi chó mọc hoang khắp nơi, thường gặp trong các thảm cỏ cây bụi khô, rừng tre.

Người ta thu hái toàn cây để làm thuốc, tốt nhất vào mùa hè- thu, rửa thật sạch đất cát, dùng tươi hay phơi khô để dùng dần. Lá tươi cũng có thể ăn như một loại rau.

Theo Đông y, vị thuốc đuôi chó có vị ngọt dịu, tính mát, tác dụng sát trùng, cầm máu, tiêu viêm. Thường dùng chữa cảm lạnh, ho, ho ra máu, đi tiểu ra máu, đầy hơi, tiêu chảy, trẻ em biếng ăn và suy dinh dưỡng.

Ngày dùng 30 - 50g khô sắc uống.

Trong cây đuôi chó có chứa hàm lượng lớn chất flavonoid, có tác dụng như một chất chống oxy hóa mạnh, được dùng bào chế thành thuốc chống viêm, giảm đau, kháng khuẩn.

Rễ của cây có tác dụng điều trị tiêu chảy.

Qua nghiên cứu, cây đuôi chó có thể giúp cơ thể tăng cường hấp thụ canxi, đồng thời tăng cường sản sinh dịch khớp, tái tạo xương và sụn khớp, phục hồi khớp bị thoái hóa.

Ở Malaysia và Ấn Độ, rễ sắc nước uống dùng trị ỉa chảy. Cũng được sử dụng để trục giun và dùng cho trẻ em bị đầy hơi và phụ nữ sau khi sinh.

Ở Indonesia, người ta dùng toàn cây chữa lỵ, ỉa chảy, lá lách sưng to, đau gan, rò, mụn mủ, bướu.

Ở Ấn Độ, lá giã ra dùng ngoài đắp vào người khi bị sưng lách, sưng gan; hoa được dùng làm chế phẩm trị mụn xuất hiện sau bệnh đậu mùa.

Dùng ngoài, lấy cây tươi rửa thật sạch, giã nát, đắp chữa mụn nhọt.

Lưu ý: phụ nữ có thai kiêng dùng.

Cỏ đuôi chó:

Còn gọi là cẩu vĩ thảo, khuyển vĩ thảo, quang minh thảo, tên khoa học Setaria viridis (L.) Beauv., thuộc họ Lúa (Poaceae).

Cỏ đuôi chó là cây thảo hàng năm. Thân cao khoảng 10 - 50cm. Lá phẳng, hình dải, có mũi nhọn dài, có lông rải rác ở mặt trên, với mép dày, chùy dạng bông, hình trụ, dày đặc hoa, màu lục hay đỏ. Bộ phận làm thuốc là thân và hạt, thu hái tốt nhất vào mùa hè - thu. Cỏ đuôi chó thường mọc ở các bãi cỏ, ruộng hoang khắp nơi trong nước.

Vị thuốc có tên chó

Theo Đông y, cỏ đuôi chó có vị đạm (nhạt), tính lương (mát), tác dụng thanh nhiệt, lợi niệu, giải độc tiêu thũng. Thường dùng chữa trúng nắng, can nhiệt gây đỏ mắt, thũng độc, tiểu tiện khó, tiểu ít, tiểu nóng.

Ngày dùng 12 - 16g, dạng thuốc sắc uống. Dùng ngoài rửa thật sạch, sắc lấy nước rửa mắt đỏ đau. Người ta còn dùng thân cỏ đuôi chó làm thức ăn gia súc. Hạt cũng được dùng để nấu cháo, nấu chè.

Rong đuôi chó:

Rong đuôi chó còn gọi là đuôi chồn, tên khoa học Ceratophyllum demersumL., thuộc họ Rong đuôi chó (Ceratophyllaceae).

Cây thảo sống dai, không có rễ, mọc chìm lơ lửng trong nước; cành dài, nhỏ. Lá mọc đối, 2 cái ở mỗi mắt, phiến lá lưỡng phân 3 - 4 lần làm thành các đoạn nhỏ hình sợi hơi cứng, mép có răng. Hoa đơn độc ở nách lá, cùng gốc; lá đài nhiều, cánh hoa trắng; nhị nhiều (đến 30), xếp thành nhiều vòng; không có chỉ nhị. Quả bế hình trứng có mũi nhọn và 2 sừng dài đến 1cm.

Ra hoa vào mùa xuân - hè.

Rong đuôi chó là loài phân bố toàn thế giới. Ở Việt Nam, cây mọc phổ biến trong các ao hồ từ vùng thấp đến vùng cao 1.500m; cũng thường được thả trong các bể cá.

Người ta dùng toàn cây (Herba Ceratophylli Demersi) để làm thuốc.

Các đoạn lá rong có chứa chất myrophyllin.

Theo Đông y, rong đuôi chó có vị nhạt, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tán ứ, cầm máu.

Ở Trung Quốc, cây được dùng trị nội thương xuất huyết, viêm tuyến mang tai, viêm khí quản mạn tính. Ngày dùng 4-8g.

Ở Ấn Độ, cây được dùng chữa thiểu năng mật và dùng trị bò cạp đốt.

Cây chân chó:

Còn gọi là cẩu cước thảo, cây hoa khế, cáp mộc hình sao, tên khoa học Crai biodendron stellatum (Pierre) W.W Sm., thuộc họ Đỗ quyên (Ericaceae).

Cây gỗ nhỏ thường xanh, cao 4 - 6m, nhánh non không lông. Lá có phiến bầu dục, không lông, mặt dưới có tuyến nhỏ và gân phụ làm thành mạng mịn rõ, có lông mịn, hoa màu trắng, hình chuông. Quả nang có 5 cạnh tròn, 5 ô. Hạt có cánh.

Cây chân chó thường gặp ở vùng núi cao tỉnh Lâm Đồng, Kon Tum. Người ta thu hái rễ cây và vỏ cây để làm thuốc.

Rễ cây chân chó được dùng chữa phong thấp, viêm đau khớp xương. Ngày dùng 12 - 16g, sắc uống hoặc ngâm rượu uống.

Vỏ cây chân chó sắc đặc dùng để rửa các vết thương.

Cây cẩu tích:

Còn gọi là cẩu tồn mao, kim mao cẩu tích, cây cu ly, cây lông khỉ, tên khoa học Cibotium barometj (L).J.Sm., thuộc họ Cẩu tích (Dicksoniaceae).

Cây cẩu tích là một loại dương xỉ thụ trạng, thân rễ to, ngắn, hơi nạc, phủ lông tơ dày màu vàng nâu. Lá kép 3 lần lông chim, dài tới 2m, mặt dưới có nhiều túi bào tử màu nâu nhạt. Mùa có bào tử tháng 10-1.

Cẩu tích mọc hoang khắp nơi ở miền núi, nơi đất ẩm, gần bờ suối. Người ta thu hái thân rễ quanh năm, tốt nhất vào mùa hè-thu. Đem về cắt bỏ rễ con và cuống lá, cạo hết lông vàng (để riêng dùng làm thuốc cầm máu). Sau đó rửa sạch, thái lát hay cắt từng đoạn dài 4 - 10cm, phơi hoặc sấy khô. Có khi đồ chín mềm rồi mới đem phơi khô, khi dùng thường tẩm dược liệu với rượu, để ủ một đêm rồi đem sao vàng.

Theo Đông y, cẩu tích có vị đắng ngọt, tính ấm, vào hai tinh can, thận, tác dụng bổ can thận, mạnh gân cốt, trừ phong thấp. Thường dùng chữa phong hàn thấp gây đau lưng, nhức mỏi tay chân, đau thần kinh hông, khí hư, người cao tuổi đi tiểu són, tiểu không cầm được, tiểu nhiều lần, tiểu dắt.

Ngày dùng 10 - 20g khô, dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu uống. Thường kết hợp với ngưu tất, đồ trọng, ý dĩ, mộc qua, cốt toái bổ, đương quy, tang chi... để chữa phong thấp, can thận yếu. Lông vàng dùng đắp lên các vết thương chảy máu để cầm máu.

Những người thận hư mà có nhiệt (nội nhiệt), tiểu tiện bí, nước tiểu màu vàng đỏ, thì không nên dùng cẩu tích.

Cây gan chó:

Còn gọi là rau gan chó (cẩu can thái), cây gan heo, lục dũng thái, thanh xà thái, cây lá diễn, tên khoa học Dicliptera chinensis (L.) Nees, thuộc họ Ô rô (Acanthaceae).

Gan chó là cây thảo sống hàng năm hay vài ba năm, cao 30 - 80cm, thân và cành non có 4 cạnh, có lông tơ, các mấu phình to tựa như đầu gối. Lá mọc đối, màu xanh lục, phiến lá hình trứng thuôn, đầu và gốc đều nhọn, có lông thưa. Hoa màu trắng hồng, mọc thành xim ở nách lá và ở đầu cành. Các lá bắc hình trái xoan. Quả nang ngắn, có lông tơ ở phía đầu. Hạt dẹt. Mùa ra hoa từ mùa đông đến mùa hè.

Cây gan chó mọc hoang ở chỗ ẩm ướt và cũng được trồng để lấy lá nấu canh và lấy toàn cây làm thuốc. Người ta thu hái quanh năm, dùng tươi hoặc phơi khô. Loại cây này gặp nhiều ở các nước Đông Nam Á.

Theo Đông y, cây gan chó (lá diễn) có vị ngọt nhạt, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, lợi tiểu, hương huyết, sinh tân dịch.

Thường dùng chữa cảm mạo phong nhiệt, sốt cao, viêm phế quản, viêm gan cấp, viêm kết mạc, viêm ruột, lỵ nhiệt, phong thấp, viêm khớp, đi tiểu ít, đi tiểu ra đường trấp. Ngày dùng 30 - 60g cây khô hoặc 60 - 120g cây tươi, dạng thuốc sắc uống.

Dùng ngoài, lấy lá tươi rửa thật sạch, giã nát, xoa trị lở sưng, rôm sảy, mụn nhọt, bỏng rạ.

Chữa cảm mạo phong nhiệt, thường dùng bài thuốc: cây gan chó 40 - 50g, rau má 40g, bạc hà 20g, kinh giới 20g, sắc với 750ml nước, còn lại 200ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn. Người ta còn dùng lá cây gan chó để nấu canh với thịt heo nạc, ăn rất thơm ngon, lại có tác dụng nhuận gan, giải nhiệt độc có hiệu quả.


Lương y Đinh Công Bảy
Ý kiến của bạn