Hà Nội

Vị thầy thuốc “ba không, ba nên”

30-08-2014 07:09 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Ấn tượng ban đầu của tôi về anh là một người thầy thuốc quân y dễ gần, hiền lành và dễ bị “bắt nạt”.

Tôi gặp Thiếu tướng, Phó Chính ủy Học viện Quân y, Thầy thuốc Nhân dân Vũ Hữu Dũng cách đây đã mười mấy năm, khi đó ông là Phó Viện trưởng Viện Quân y 5 Ninh Bình (Quân khu 3). Ấn tượng ban đầu của tôi về anh là một người thầy thuốc quân y dễ gần, hiền lành và dễ bị “bắt nạt”. Nhưng tôi đã lầm, đằng sau vẻ chậm rãi ấy là một tính cách quyết liệt, mạnh mẽ và kiên trì. Vị Phó Chính ủy Học viện Quân y bây giờ chính là cha đẻ của phong trào “Ba không, ba nên” tại Viện Quân y 5 Ninh Bình năm xưa, một phong trào mà có thể coi là một lời tuyên chiến với những con sâu làm rầu y đức.

Tiếng chim cu gáy

Như dòng sông ký ức chảy về, trong câu chuyện của vị Thiếu tướng bây giờ có chuyện đời và chuyện nghề. Càng nghe tôi càng thấy đánh giá ban đầu của mình thật sai lầm. Đúng như một câu châm ngôn, bạn không thể đánh giá một cuốn sách qua cái bìa của nó, càng không thể đánh giá một con người qua những gạch đầu dòng lý lịch khô khan và đơn giản.

Qua câu chuyện năm xưa bên ấm nước trà, xen lẫn tiếng chim cu gáy thi thoảng gù gù phía góc phòng, câu chuyện giữa chúng tôi ngày càng trở nên gần gũi. Ông đã kể cho tôi nghe về một tuổi thơ nhọc nhằn, thiếu thốn. Bố ông mất sớm, mẹ ông ở vậy tần tảo nuôi bốn người con khôn lớn, trưởng thành. Trong câu chuyện kể ấy luôn thấp thoáng hình ảnh người mẹ. Ông bảo mẹ ông là một phụ nữ nông thôn nhưng suy nghĩ của bà rất hiện đại. Vốn là một người chuyên sắc thuốc trong một cơ sở thuốc Đông y của tỉnh nhưng bà đã xin nghỉ vì... không biết chữ. Bà bảo, bà sợ nhất là mình dán nhầm tên của bệnh nhân này với bệnh nhân khác trên ấm thuốc sắc, người ta uống sai thuốc có làm sao thì ân hận cả đời. Bà cũng tâm sự với các con rằng nếu được ăn học, bà nhất định chọn nghề thầy thuốc và vì vậy bà luôn động viên, tạo điều kiện cho các con học hành. Có phải nhờ vậy mà ông quyết học giỏi không? Ông hóm hỉnh trả lời là một phần nguyên nhân thôi em, phần khác là vì... đói đấy. Trong những lần cuốc bộ 5, 7 cây số đi học, có lần ông ngã không dậy được vì đói, cũng không biết bao đêm mất ngủ cũng vì đói, không ngủ được thì ngồi dậy học bài. Ngay từ cấp 2, ông đã là học sinh đội tuyển của tỉnh, một môi trường học tập tốt cũng là nguồn động lực lớn lao với cậu bé Dũng khi đó... Năm 1973, mặc dù là một trong số 11 học sinh được chọn thi để đi học tại nước ngoài nhưng anh thanh niên Vũ Hữu Dũng đã quyết định nhập ngũ trước kỳ thi đại học 9 ngày. Ông trở thành chiến sĩ Tiểu đoàn 2 của Bộ Tư lệnh thông tin. Năm 1977, ông được chọn luyện thi vào Trường đại học Kỹ thuật quân sự. Nhưng có lẽ số phận đã sắp đặt, trước ngày thi một tháng, vì lý do khách quan, ông chuyển sang thi khối B. Vậy là ông lại chuyển từ các môn thi khối A sang học các môn khối B. Mặc dù xa sách vở khá lâu nhưng tính nghiêm túc trong học tập không khiến ông nản. Ông thi đỗ Đại học Quân y, tốt nghiệp ra trường trải qua nhiều nhiệm vụ công tác. Là người thầy thuốc, là người lính, nhiệm vụ nào ông cũng luôn tâm niệm phải cố gắng làm tốt, làm hiệu quả.

Thiếu tướng, TTND Vũ Hữu Dũng trao tặng Nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách.

Thiếu tướng, TTND Vũ Hữu Dũng trao tặng Nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách.

Câu chuyện của ông đưa tôi theo những năm tháng của một người thầy thuốc quân y với nhiều xúc cảm, khi ở hậu phương, khi ở biên giới, nhưng ông bảo những năm tháng gắn bó nhất, nhiều thử thách nhất, lấy đi của ông nhiều tâm trí nhất nhưng cũng mang lại cho ông niềm tự hào là những năm tháng công tác tại Viện Quân y 5 Ninh Bình. Trong giai đoạn công tác, từ tháng 12/1988 đến tháng 11/1989, ông là bác sĩ Khoa Ngoại, Viện Quân y 5, ông đi học bác sĩ chuyên khoa I tại Bệnh viện 108, rồi đi tăng cường tại đơn vị tuyến biên giới. Đến tháng 11/1992, ông lại quay trở về công tác tại Viện 5. Năm 1993, ông được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm khoa Ngoại 1.

Kể đến đây, giọng ông như chùng lại rồi nhìn về phía lồng chim cu gáy góc đối diện với bàn làm việc của mình.

Nhận thấy mình còn phải học hỏi nhiều từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm nên khi trở lại Viện 5, ông rất chịu khó học hỏi. Thời gian đầu, ông được giao trực tiếp mổ chính 2 ca đại phẫu, cả 2 ca thành công, rồi sau đó vì những lý do “đặc biệt”, không mắc lỗi, không bị kỷ luật, thậm chí luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, vậy mà ông không được phân công mổ mà chuyển sang ghi bệnh án, thay băng cho bệnh nhân, thi thoảng làm tiểu phẫu và tham gia phụ mổ. Suốt 6 năm trời đằng đẵng với một bác sĩ ngoại là một giai đoạn khủng khiếp. Ông chỉ thèm mổ thôi, có lúc nản muốn buông xuôi. Có những ngày ông xin nghỉ phép, ra cánh đồng làng ngồi ngẫm nghĩ và... giật cu gáy nhưng vẫn nói dối vợ là đi làm. Con chim cu gáy cứu ông trong những lúc chán nản. Đấy là lý do suốt bao năm nay ông nuôi chim cu gáy.

Năm 1998, ông trở lại cầm dao mổ, như con cá thoát ra khỏi cái bể chật hẹp, cảm thấy mình như được hồi sinh. Kể đến đây, giọng ông như vỡ òa, như thể cái ngày được cầm dao mổ trở lại chỉ vừa mới là hôm qua thôi. Năm 1999, ông được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm khoa Ngoại 1 và đến tháng 3/2001, ông được giao trọng trách là Phó Giám đốc Viện.

Vị lãnh đạo đốt cháy giai đoạn

- Suốt 6 năm quanh quẩn với bệnh án, với thay băng và giữ chức Trưởng ban Chống tụ tập, Trưởng ban Tang gia có làm ông bế tắc không?

- Đôi khi cũng nản, nhưng nghĩ lại mình cũng cảm ơn quãng thời gian đó đã rèn luyện cho mình sức chịu đựng, bản lĩnh và không ít kinh nghiệm. Nhiều thời gian, tôi dành để viết bài chuyên môn đăng trên tạp chí Quân y, làm đề tài nghiên cứu như đề tài Ứng dụng điều trị gãy các đầu xương phạm khớp bằng nẹp móc. Đặc biệt là trong thời gian “chết” ấy, tôi đã không để tư duy chết, tôi đã nhìn thấy những cái được và chưa được, những cái nên và không nên... Một trong những điều đầu tiên tôi làm khi ở cương vị Phó Giám đốc là bỏ tiền lệ “giữ dao”, tạo điều kiện, tạo cơ hội tham gia mổ cho các bác sĩ ngoại nhiều hơn, nhờ vậy anh em nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn chứ không phải như một thời, chỉ một số bác sĩ cây đa, cây đề mới được tham gia mổ bởi tư tưởng không tin tưởng, không đánh giá cao khả năng của các bác sĩ trẻ.

- Thế là hết giai đoạn khó khăn chưa ông?

- Là một giai đoạn mới với những khó khăn mới vì từ vị trí Phó Giám đốc vẻn vẹn 9 tháng đã được bổ nhiệm làm Giám đốc năm 2002. Những bài toán mới xuất hiện, kinh nghiệm làm Phó Chủ nhiệm ghi bệnh án thì nhiều, Phó Giám đốc y vụ chưa được mấy đã nhận nhiệm vụ Giám đốc. Bệnh viện Anh hùng từ trước năm 1985 nhưng thời điểm đó lại đang như con tàu già nua, đuối sức. Chèo lái hướng nào đây, đó là những trăn trở ghê gớm lúc ấy.

Và vị tân giám đốc ra một quyết định “ngầm”, làm thay việc của tất cả các phó giám đốc trong viện. Có phải ông làm vậy để chuyên quyền không? Xin trả lời ngay là không, vị giám đốc nhảy cóc ấy làm vậy để học việc, để nắm chắc từng mảng công việc. Khi đã thông thạo mọi việc, tân giám đốc trả lại nhiệm vụ, quyền hạn cho các phó như ban đầu. Để cứu con tàu đuối hơi này, ông bắt tay vào 4 mảng việc chính, mà mảng nào cũng có thể coi là một mặt trận. Mảng dược là trận đánh mở màn, thầy thuốc giỏi nhưng phải có thuốc hay, thuốc đúng. Nâng cao chất lượng nhà thuốc bệnh viện, bán thuốc đúng giá, tổ chức hội nghị cung ứng cho các đơn vị chào hàng cạnh tranh nhằm có thuốc tốt, giá tốt cho người bệnh. Không còn tình trạng thuốc cận date luồn vào kho dược, giá thành thấp. Sau hơn một năm, không còn tồn tại nhà thuốc tràn lan ngoài bệnh viện. Đó là cái lợi lớn mà người bệnh được hưởng. Cùng với đó, quản lý tài chính chặt chẽ, đời sống cán bộ viên chức ổn định và tập trung đầu tư vào xây dựng cơ bản. Không chỉ xây dựng cơ sở hạ tầng khoa phòng, vị giám đốc này đặc biệt coi trọng vào nhân lực, đào tạo nâng cao tay nghề, tổ chức tập huấn, mời thầy chuyển giao kỹ thuật mới. Đây cũng là giai đoạn triển khai nhiều kỹ thuật như mổ nội soi ruột thừa, đóng đinh nội tủy, thay khớp... Máy móc được tăng cường đầu tư như Xquang, cắt lớp, máy siêu âm, nội soi màu, xét nghiệm sinh hóa tự động...

Mảng xây dựng phần mềm quản lý bệnh viện cũng được chú trọng. Cơ sở vật chất còn tồi tàn, máy móc thiếu thốn, sao ông lại quyết định triển khai xây dựng phần mềm quản lý bệnh viện? Những năm 2000, máy vi tính chưa phổ biến như bây giờ, tin học còn lạ lẫm với đa số. Đến đây, ông cười vui bảo mình không bao giờ có thể quên những kỷ niệm này, anh chị em vụng về học cầm con chuột máy tính, có những người di chuột mà lái cả người theo hướng con chuột. Rồi mọi khó khăn cũng phải lùi bước trước quyết tâm của người thuyền trưởng kiên định. Cuối năm 2003, phần mềm cơ bản hoàn thành, hơn 100 máy tính được nối mạng hệ thống. Mọi hoạt động của bệnh viện được quản lý chặt chẽ, liên kết. Lãnh đạo viện, lãnh đạo khoa, ban ngồi tại chỗ, bằng những cú nhấp chuột có thể theo dõi các hoạt động thu dung, điều trị, thuốc men... Phần mềm này đã được nhận giải Sao Khuê và được nhiều bệnh viện trong và ngoài quân đội ứng dụng.

Chưa hài lòng với các chân vịt vững chãi, ông tiếp tục thực hiện một chiến dịch mới dựa trên thành công của những trận đánh nhỏ...

Ba không, ba nên

Năm 2004, ông bắt đầu thực hiện chiến dịch “Ba không, ba nên”, mục đích của phong trào này cũng có ý nghĩa tương tự như “Mười hai điều y đức” nhưng nó cô đọng như một mệnh lệnh, mệnh lệnh từ trái tim người thầy thuốc chiến sĩ với mục đích vì người bệnh, vì đội ngũ thầy thuốc, cán bộ, nhân viên của viện. Chỉ vẻn vẹn 4 từ ngắn gọn, dễ nhớ nhưng không dễ làm...

“Ba không” gồm: Không phiền hà, vòi vĩnh bệnh nhân; Không bớt xén thuốc, thu “lệ phí ngầm”; Không đưa bệnh nhân ra ngoài điều trị. Còn “ba nên” là: Nên coi bệnh nhân như người thân của mình. Nên đoàn kết giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; Nên không ngừng học tập vươn lên.

Đây thực sự là một cuộc cách mạng bởi nó động chạm đến rất nhiều vấn đề, phải thay đổi từ gốc rễ, phải làm cách nào để nó thực sự ngấm vào tư tưởng từng người trong viện. Nhưng ông quyết tâm, một quyết tâm mạnh mẽ của một vị chỉ huy, điều đó không cho phép anh bỏ trận. Sau hơn hai năm ra đời, nhưng hiệu quả phong trào “Ba không, ba nên” chưa cao. Từ năm 2007, Trung ương phát động Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nhận thấy đây là thời cơ chín muồi nên Giám đốc Vũ Hữu Dũng và ban lãnh đạo bệnh viện thêm quyết tâm: Không phải tìm đâu xa, tâm điểm để thực hiện cuộc vận động chính là tiếp tục thực hiện hiệu quả phong trào “Ba không, ba nên”. Từng cá nhân trong viện được gửi bảng cam kết tự nguyện tham gia phong trào, ai không đồng tình có quyền không ký. Kết quả là 100% cán bộ ký cam kết tham gia thực hiện phong trào.

Ông chia sẻ, có nhiều biện pháp quản lý bệnh viện như bằng chế độ đãi ngộ, bằng tin học hóa nhưng quan trọng nhất là yếu tố con người, thay đổi tư tưởng, tạo sự đồng thuận để cùng thực hiện phong trào thì mới có thành công. Mọi hoạt động phải “công khai hóa, minh bạch hóa” thông qua phần mềm quản lý lúc này đã được “phủ sóng” toàn viện. Trước kia, 90% số người bệnh ra cửa hàng tư nhân quanh bệnh viện mua thuốc. Giờ đây, chỉ huy bệnh viện quyết định cải tiến chế độ kê đơn, phát thuốc theo chế độ đấu thầu, xây dựng tủ thuốc bệnh viện, các cơ sở trúng thầu, khi giao thuốc cho bệnh viện phải niêm yết giá cả từng loại thuốc và những thông tin khác. Bác sĩ mỗi lần kê đơn trên mạng, máy tính tự động nhập tên thuốc, tính giá tiền theo “chuẩn” đã được đấu thầu, không còn chuyện tự ý nâng giá hay thay đổi tên thuốc. Hệ thống phòng khám tư, tủ thuốc tư dần dần bị xoá bỏ...

Cơ chế quản lý, điều hành mới được tin học hóa đã giúp giảm thất thoát tài chính, đưa việc quản lý thành hệ thống khoa học. Đồng thời qua thực hiện công khai, điều chỉnh lại nền nếp hoạt động đã phát hiện ra những chuyện như một vị trưởng khoa mỗi tháng thu bỏ túi hàng chục triệu đồng, ảnh hưởng đến quyền lợi của một số nhóm cán bộ nhân viên quen tư duy đặc quyền đặc lợi.

Siết chặt quản lý dựa trên cả tình và lý, đề cao y đức, chống trục lợi nhưng phải gắn với chăm lo đời sống cán bộ, nhân viên là quan điểm xuyên suốt của vị giám đốc. Những khoản thất thu ngày trước nay quản lý được, quay trở lại phục vụ chính đội ngũ y - bác sĩ qua chế độ thưởng phạt công minh. Người nào được nhiều thư khen, ý kiến nhận xét tốt đẹp của người bệnh, người đó được thưởng nhiều hơn.

Trình độ chuyên môn của đội ngũ thầy thuốc được nâng cao, uy tín của viện ngày càng lớn, không chỉ thu dung điều trị cán bộ chiến sĩ mà còn là nơi tin cậy của nhân dân trên địa bàn tỉnh và vùng lân cận. Giám đốc hay “vi hành” xuống các phòng bệnh để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người bệnh, chính những lần trò chuyện với bệnh nhân đã giúp anh quyết định những việc cần làm trong công tác quản lý. Vị giám đốc có dáng vóc nhỏ bé nhưng toát lên vẻ mạnh mẽ đặc biệt ấy say sưa nói với tôi về câu chuyện y đức. Ông nói, y đức và y thuật như hai chân của người thầy thuốc nhưng quan điểm của anh là y đức cũng phải dựa trên y thuật, hai điều này bổ trợ nhau. Hãy hình dung một bác sĩ tốt bụng, hiền lành, nhỏ nhẹ với người bệnh nhưng suốt cả cuộc đời vị bác sĩ ấy không chăm chút về y thuật thì y đức cũng không mang lại điều mà người bệnh cần đó là điều trị tốt, khỏi bệnh. Ngược lại những thầy thuốc giỏi càng phải thực hiện tốt y đức. Dựa trên quan điểm này, tiêu chí không ngừng học tập được đặc biệt chú trọng. Điều đáng nói là vị “thuyền trưởng”, người “kiến trúc sư” ấy không ngừng học tập để hoàn thiện chính mình, để nâng cao tay nghề. Động viên, đãi ngộ anh em đi học, anh em ngại ngùng, e dè thì chỉ huy làm gương, tiên phong trong học tập. Đi học chuyên khoa 2, nghiên cứu sinh và làm tiến sĩ nhưng vẫn quản lý guồng máy của viện chạy ro ro. Đi học nhưng vẫn chỉ huy tham gia đánh trận chống SARS, H5N1 và cả diễn tập quy mô lớn...

Có thể nói, Viện Quân y 5 đã thay đổi một diện mạo mới, con tàu đã vững vàng đủ sức ra khơi xa cũng là lúc vị chỉ huy được giao nhiệm vụ mới. Năm 2009, viện vinh dự đón nhận danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang thời kỳ đổi mới. Khi đó ông đã nhận nhiệm vụ là Phó Chính ủy Học viện Quân y. Trong cương vị mới, ông tâm sự, ngoài nhiệm vụ được giao, ông vẫn tham gia giảng dạy cùng Bộ môn Chấn thương, truyền đạt cho sinh viên những kiến thức ngành y và một tình yêu nghề tha thiết.

Ông bảo, cũng chỉ một thời gian ngắn nữa là ông nghỉ hưu, khi đó ông muốn dành nhiều thời gian cho quê nhà, đất Cố đô Ninh Bình, nơi đã nuôi dưỡng ông, tựa như “trăm sông cũng về với biển, con sóng bao năm âu yếm vỗ vào bờ. Ai có đi xa đến tận cùng trời, hằng đêm vẫn nhớ thương về quê mẹ...”. 

Hoàng Nam


Ý kiến của bạn