Hà Nội

Vì sự hồi sinh của bệnh nhân sởi

30-04-2014 03:22 | Thời sự
google news

SKĐS - Để hạ sức nóng của bệnh sởi, cùng với sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của ngành y tế, trong những ngày qua các y bác sĩ đã nỗ lực hết mình, làm việc vượt công suất thường ngày, bỏ bữa...

Để hạ sức nóng của bệnh sởi, cùng với sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của ngành y tế, trong những ngày qua các y bác sĩ đã nỗ lực hết mình, làm việc vượt công suất thường ngày, bỏ bữa... để thăm khám, điều trị, chăm sóc các bệnh nhi mắc sởi, chính vì thế nhiều bệnh nhi tưởng như đã thập tử nhất sinh vì biến chứng sởi được hồi sinh sự sống...

Điều trị cho trẻ em mắc sởi tại Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Trần Minh

Điều trị cho trẻ em mắc sởi tại Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Trần Minh

Nhiều lúc bác sĩ bật khóc cùng thân nhân bệnh nhi

Những ngày giữa tháng 4, có mặt tại BV Nhi TW, hình ảnh gây ấn tượng mạnh với chúng tôi là trong điều kiện quá tải, thiếu máy thở cho bệnh nhi bị biến chứng sởi đang điều trị tại BV, nhiều y, bác sĩ, điều dưỡng viên của Khoa Truyền nhiễm đã phải bóp bóng thở bằng tay cho các bệnh nhi. Trò chuyện với chúng tôi trong lúc tay không ngừng bóp bóng thở cho bệnh nhân bị biến chứng sởi, điều dưỡng viên Trần Thị Trang cho biết, có hôm bệnh nhân vào nhiều, Trang và các đồng nghiệp phải thay nhau bóp bóng thở thủ công nên mỏi tay rã rời, không ai còn muốn ăn uống nữa. “Nhưng rồi chúng em lại động viên nhau phải cố gắng bởi các cháu vào đây là bệnh đã nặng lắm rồi, gia đình đã giao sinh mạng các cháu cho thầy thuốc, trong đó có mình, vì thế mình càng cần phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba cho công việc” - Trang tâm sự... Cũng ở điểm nóng về điều trị bệnh sởi, BS. Trần Văn Học, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Nhi TW cho hay, từ ra Tết tới nay, anh chưa từng biết đến ngày nghỉ cuối tuần. Trong những ngày này, về nhà nhưng cũng chẳng nói chuyện được với vợ con vì 6 giờ sáng anh và các đồng nghiệp đã đến cơ quan, đêm khuya khi mọi người ngủ anh mới về. PGS.TS. Phạm Nhật An, Phó Giám đốc BV Nhi TW cũng chia sẻ, nhìn thấy cường độ làm việc của bác sĩ cũng chỉ biết động viên anh em. Có lẽ không vì lòng yêu nghề, không vì thương người bệnh thì các thầy thuốc sẽ không có động lực, sức khỏe, tinh thần để vượt qua những áp lực nặng nề dường ấy...

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm và kiểm tra công tác điều trị bệnh nhi mắc sởi tại Bệnh viện Nhi TW. Ảnh: Anh Tuấn

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm và kiểm tra công tác điều trị bệnh nhi mắc sởi tại Bệnh viện Nhi TW. Ảnh: Anh Tuấn

Cũng ở tuyến đầu điều trị bệnh nhi mắc sởi, song không muốn kể về sự khó khăn, vất vả của mình trong cuộc chiến với bệnh sởi để giành lại sự sống cho nhiều bệnh nhi bị biến chứng do sởi, PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) chia sẻ, từ đầu tháng 4 đến nay, lúc nào Khoa Nhi cũng có bệnh nhân nặng, anh và các đồng nghiệp trong khoa phải làm việc với cường độ “chóng mặt”, có những bác sĩ bị ốm do áp lực công việc vẫn đến buồng bệnh nỗ lực cấp cứu bệnh nhi, có những bữa trưa rơi vào 5 giờ chiều và bữa tối 11 giờ đêm nhưng anh và các đồng nghiệp không cho phép mình lơ là, bởi trong guồng quay của bệnh sởi và những biến chứng do sởi, nếu thầy thuốc lơ là 1 phút cũng có thể làm cho sức khỏe bệnh nhi bị đe dọa. “Tất cả chúng tôi đều tự bảo với nhau phải nỗ lực cao nhất, không quản gian khổ, ngày đêm, nhưng cũng thật đau lòng, nhiều lúc chúng tôi đã bất lực. Đó là một nỗi đau quặn thắt thật khó diễn tả thành lời. Nhiều lúc, chúng tôi đã bật khóc cùng với thân nhân các bệnh nhi” - BS. Dũng tâm sự. Cũng theo BS. Dũng, những ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay, trong khi nhiều gia đình đang có những ngày nghỉ và những chuyến đi du lịch thì Khoa Nhi - BV Bạch Mai cũng như các bệnh viện khác đã lên kế hoạch làm việc không có ngày nghỉ cho tất cả các thầy thuốc bởi vẫn còn nhiều bệnh nhi đang chờ đợi bàn tay của các thầy thuốc trong cuộc chiến giành lại sự sống với bệnh sởi và biến chứng sởi.

BS. Nguyễn Thị Hồng Nhân, Phó khoa Nhi Tổng hợp (BV Xanh Pôn, Hà Nội) cho biết, từ cuối tháng 3 tới nay, khoa luôn trong tình trạng quá tải (chỉ có 40 giường nhưng đỉnh điểm phải điều trị cho 133 ca sởi, còn phổ biến là 100 - 200 bệnh nhân). Vì thế, các thầy thuốc trong giờ làm hầu như không lúc nào được ngơi tay. Những lúc cao điểm bệnh nhân, mỗi thầy thuốc của khoa phải phụ trách tới 20 - 30 trẻ, nên công việc dường như không lúc nào kết thúc, từ khám bệnh tới viết y lệnh cho y tá thực hiện, hoàn tất hồ sơ hành chính và cứ 5 - 10 phút lại giải thích cho cha mẹ bệnh nhân tới hỏi tình trạng sức khỏe của con.

Chỉ bình tĩnh chúng tôi mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ

Đó là tâm sự của PGS.TS. Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi, BV Bệnh nhiệt đới TW. Đợt sởi năm nay, khi chứng kiến một trẻ tử vong vì biến chứng quá nặng, nhiều thầy thuốc của Khoa Nhi đã rất sốc, buồn, day dứt. Chính BS. Huy với vai trò là “đầu tàu” của khoa đã vừa động viên các thầy thuốc lấy lại tinh thần vừa mong muốn cố gắng hơn nữa để cứu sống được nhiều bệnh nhi khác đang cần các thầy thuốc điều trị, chăm sóc. BS. Huy bảo rằng, nhiều người cho là nhân viên y tế “máu lạnh” nên mới “coi như không” khi chứng kiến những ca bệnh tử vong đau lòng, thế nhưng trên thực tế, chúng tôi luôn phải gồng mình trong cuộc chiến giành giật sự sống cho bệnh nhân, phải kiềm chế cảm xúc cá nhân tối đa để hoàn thành trọng trách chữa bệnh cứu người.

Các điều dưỡng bóp bóng thở cho các cháu đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Trần Minh

Các điều dưỡng bóp bóng thở cho các cháu đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Trần Minh

Trò chuyện với chúng tôi, điều dưỡng trẻ Nguyễn Thị Yến (Khoa Nhi - BV Bệnh nhiệt đới TW) cho biết, chị gắn bó với công việc tại khoa được gần 3 năm nay, nhưng chưa có lúc nào Yến cảm thấy công việc của mình và nhiều đồng nghiệp khác căng thẳng như thời gian này. Có những lúc bệnh nhân đông, cấp cứu cho cháu này chưa xong đã thấy cháu khác vào viện. Ngoài việc chăm sóc các bé, chúng tôi còn phải làm tư tưởng cho người nhà bệnh nhân, vì họ rất lo lắng, căng thẳng. Có những cháu bé tay chân chi chít vết lấy ven thâm đen nên các chị phải hết sức thận trọng và nhẹ nhàng để tránh làm các cháu bị đau. Yến kể, cách đây vài ngày, khi lấy ven cho một bệnh nhi, nhìn cánh tay thâm tím, chi chít vết sẹo của em bé 1 tuổi do những lần lấy ven bị vỡ trước đó, cô đã không giấu được nỗi xót xa. Loay hoay đến lần thứ 4 lấy ven vẫn không thành, Yến đã bật khóc, muốn bỏ cuộc. Nhưng sau đó, nhìn ánh mắt người cha chực khóc vì thương con, Yến lại tiếp tục công việc và đã thành công. Đây chỉ là một trong rất nhiều tình huống khiến Yến cũng như nhiều đồng nghiệp đang công tác tại Khoa Nhi - BV Bệnh Nhiệt đới TW phải đối mặt trong những ngày chăm sóc, điều trị cho các bé mắc sởi thời gian qua. Yến cho biết, những ngày này, hầu như tất cả y bác sĩ trong khoa đều phải căng như dây đàn. Giờ làm việc bắt đầu từ 7 rưỡi nhưng mọi người đều cố gắng đi sớm hơn, khi đã bắt tay vào việc rồi thì hầu như hiếm lúc nào có thể nghỉ ngơi. Có lẽ vì thế mà trước đây, mỗi lần đi làm về cô có thể đi chơi đâu đó với bạn bè, nhưng bây giờ về chỉ lăn ra ngủ vùi vì mệt quá.

Trong câu chuyện với các y bác sĩ cũng như nhân viên y tế tại một số tuyến y tế đầu trong cuộc chiến đẩy lùi bệnh sởi, điều mà chúng tôi cảm nhận được là tất cả các thầy thuốc đều không ngại khó, ngại khổ, đều cố gắng làm việc vượt công suất thường ngày. Đã có nhiều y bác sĩ tạm “bỏ rơi” gia đình, người thân để túc trực thường xuyên, thậm chí ăn ngủ tại bệnh viện chỉ mong làm sao điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân nhi tốt nhất, nhanh khỏi bệnh nhất, tuy nhiên, trong cuộc chiến chống bệnh sởi cao điểm năm nay, đã có những lúc thầy thuốc bị xao động, chùn bước bởi những tình huống bị “đổ tiếng ác”... Song, các thầy thuốc lại cùng động viên nhau bình tĩnh để toàn tâm, toàn ý hoàn thành nhiệm vụ cao cả mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó cho ngành y là chăm sóc và cứu chữa người bệnh.

15 tỉnh, thành phố không ghi nhận trường hợp mắc sởi mới trong ngày

lSáng ngày 29/4, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, ngày 28/4, cả nước ghi nhận 1 trường hợp tử vong có liên quan đến sởi tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Trong ngày 28/4, cả nước ghi nhận thêm 35 trường hợp mắc sởi xác định, đưa tổng số mắc sởi trên cả nước từ đầu năm đến nay lên lên 3.751 trường hợp trong số 11.249 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 61/63 tỉnh, thành phố. 15 tỉnh, thành phố không ghi nhận trường hợp mắc mới trong ngày. Tại Bệnh viện Bạch Mai không có bệnh nhân nghi sởi nhập viện. Hiện nay, phần lớn số bệnh nhân nhập viện là những trường hợp mắc bệnh nặng có liên quan đến sởi.

Trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống, PGS.TS. Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, kết quả thực hiện kế hoạch tiêm vaccin sởi phòng chống dịch và tiêm vét vaccin sởi chung trên toàn quốc đến ngày 28/4 là 79,4%, tăng 1,1% so với ngày 27/4. 49 tỉnh có tỷ lệ tiêm vét vaccin sởi đạt tỷ lệ cao trên 70% và Bạc Liêu vẫn là tỉnh duy nhất có tỷ lệ tiêm vét vaccin sởi thấp dưới 50%.

lNgày 28/4, PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên - Thứ trưởng Bộ Y tế đã kiểm tra và làm việc tại Sở Y tế và BVĐK tỉnh Bắc Ninh về công tác phòng chống, điều trị bệnh sởi. Qua kiểm tra thực tế, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên đề nghị ngành y tế Bắc Ninh tiếp tục tuyên truyền để người dân đưa con em đi tiêm chủng đúng lịch; đẩy mạnh việc tiêm vét vaccin sởi cũng như triển khai các biện pháp phòng chống dịch; tăng cường kiểm soát phân luồng, cách ly phòng chống lây nhiễm chéo đối với bệnh nhân đến khám và điều trị trong BV; đề xuất với UBND tỉnh Bắc Ninh đảm bảo hậu cần, trang thiết bị cho hoạt động phòng chống, điều trị bệnh sởi trên địa bàn tỉnh.

NH

Thái Bình

 

 
Bệnh Sởi
Sởi và biến chứng
(cập nhật liên tục)
Sởi và cách phòng chống

 


Ý kiến của bạn