Bệnh nhiễm trùng đã xuất hiện cùng với loài người từ xa xưa và thực sự loài người đã biết về nó một cách khoa học hơn 1 thế kỷ. Thế nhưng hiện nay, bệnh nhiễm trùng vẫn còn là vấn đề lớn của bệnh tật của thế giới.
Các bệnh nhiễm virut như: cúm, sởi, viêm gan, sốt xuất huyết Dengue... vẫn là vấn đề toàn cầu. Bởi lẽ cho đến hiện nay, chúng ta vẫn chưa có được đầy đủ các thuốc đặc trị chống nhiễm virut. Còn vắc-xin là biện pháp rất có ý nghĩa quyết định phòng nhiễm virut thì nhiều loại bệnh do virut vẫn chưa có được vắc-xin hữu hiệu như: HIV/AIDS, Ebola, bò điên, cúm gà, Hantavirus... Riêng HIV/AIDS đang gây đại dịch toàn cầu và là vấn đề nổi cộm của toàn thế giới.
Các bệnh nhiễm trùng, nhờ có thuốc kháng sinh và vắc-xin nên được khống chế ở các nước phát triển. Nhưng ở các nước đang phát triển thì nhiễm khuẩn vẫn là vấn đề rất nặng nề. Bởi lẽ ở các nước nghèo, điều kiện sinh hoạt còn rất thiếu thốn. Họ không đủ tiền chi cho việc chăm sóc sức khỏe và không ngăn cản được các vi khuẩn gây bệnh lây lan. Họ cũng không đủ vắc-xin và thuốc kháng sinh. Các bệnh nhiễm khuẩn nổi cộm như: nhiễm khuẩn hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu và nhiễm khuẩn huyết. Vi khuẩn lao đã biết từ cuối thế kỷ XIX, nhưng đến hiện nay, bệnh lao vẫn là vấn đề nổi cộm của các nước nghèo: tỷ lệ mắc và chết vẫn cao. Các bệnh nhân bị AIDS thì gần như 50% bị lao và vi khuẩn lao kháng thuốc kháng sinh rất cao. Các bệnh dịch tả, dịch hạch, thương hàn vẫn là những vấn đề rất đáng quan tâm.
Ở nhiều nước (trong đó có Việt Nam) đã xuất hiện một loại dịch bệnh viêm phổi cực kỳ nguy hiểm (SARS) do một loại virut giống như Coronaviridae và gọi là virut SARS-COV. Tuy chưa lây lan ra toàn cầu và số người nhiễm khoảng 8.000 người nhưng tỷ lệ tử vong khá cao (gần 10%) và đã gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế và an ninh thế giới.
Hiện nay, dịch cúm gia cầm đang lây lan mạnh ở châu Á sang châu Âu và Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo có thể gây thành đại dịch cúm người.