Vị sĩ quan quân y kiên trung, giàu lòng nhân ái

13-05-2019 09:46 | Y tế

SKĐS - Cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của nước ta trải dài suốt nhiều thập kỷ, chạy xuyên qua 2 thế kỷ XX và XXI đã ghi lại biết bao chiến tích lẫy lừng, ghi danh hàng trăm, hàng ngàn người con đất Việt, đem lại nền độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc.

Trong những tấm gương cao đẹp ấy, có vị sĩ quan quân y - ông là một trong những người thầy khai tâm mở trí cho lớp trẻ chúng tôi và là người đã dành trọn đời mình cho các cán bộ, chiến sĩ nơi chiến trường ác liệt, nhất là những người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin - đối tượng chịu cảnh đời khổ đau, thiệt thòi nhất sau chiến tranh...

BS. Lê Cao Đài.

BS. Lê Cao Đài.

Năm 1956, lớp Y sĩ khóa 7 của Trường Cán bộ y tế Trung ương khai giảng tại địa chỉ 138A Giảng Võ, Hà Nội. Đây là khóa học dài hạn, mà nay quen gọi là chính quy đầu tiên sau ngày chiến thắng cuộc xâm lược của thực dân Pháp. Từ mọi miền đất nước, thầy và trò có mặt nơi đây, đã hăng say dạy và học với mục tiêu đem tâm trí phục vụ sức khỏe nhân dân sau 9 năm chiến tranh ác liệt.

Đội ngũ giáo viên của trường bao gồm nhiều sĩ quan quân y, trên bộ quân phục dường như còn vương mùi thuốc súng trên khắp các chiến trường; mang tấm áo đại quân 4 túi, với “36 đường gian khổ” được may trải chạy chéo theo hai cầu vai áo, sát cánh cùng các thầy thuốc dân y, ngày đêm tâm huyết truyền thụ kiến thức cho thế hệ trẻ chúng tôi. Xin được trân trọng ghi danh các bác sĩ: Trần Hữu Nghiệp, Đỗ Doãn Đại, Trần Quang Vỹ, Lê Cao Đài, Chu Văn Tích, Trương Cam Cống, Đặng Ngọc Tốt, dược sĩ Nguyễn Sỹ Dư... Chúng tôi có may mắn được các giáo sư đầu ngành Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Truyền nhiễm... tận tình hướng dẫn lâm sàng tại các bệnh viện, những bài học sống động đó vô cùng quý giá trong suốt cuộc đời phục vụ của chúng tôi. Hầu hết các thầy dạy các môn cơ sở tại trường sau này được Nhà nước tấn phong danh vị Giáo sư và đảm nhiệm nhiều cương vị lãnh đạo của ngành hoặc lãnh đạo nhiều đơn vị, quân y viện nơi chiến trường. Cho đến nay, chúng tôi luôn nhớ đến hình ảnh BS. Lê Cao Đài. Ông là sĩ quan quân y, được phân công giảng dạy Bộ môn Giải phẫu cơ thể người và Ngoại khoa của khóa học. Với thân hình đậm chắc, trên khuôn mặt luôn đeo cặp kính cận dày cộp và nước da mai mái, có lẽ là dấu vết của sốt rét rừng sót lại. Ông có giọng nói ấm áp, trình bày khúc triết dễ hiểu về môn học có phần khó khăn, giành được sự ngưỡng mộ của toàn thể học viên.

Vào giữa những năm 60 của thế kỷ trước, thầy Lê Cao Đài  có tiêu chuẩn đi nước ngoài làm luận án tiến sĩ, nhưng trước cảnh đất nước mịt mù bom đạn, ông đã gác lại giấc mơ  đó để vào phục vụ tại chiến trường Tây Nguyên - một trong những địa bàn hiểm yếu và ác liệt trong kháng chiến chống Mỹ. Tại Bệnh viện dã chiến 211 trên chiến trường Tây Nguyên do ông phụ trách, hàng ngàn chiến sĩ và người dân được ông và đồng nghiệp tận tâm cứu sống. Luôn gần gũi, chia sẻ đói cơm, nhạt muối với đồng đội, với người dân Tây Nguyên, cùng trải qua những cơn sốt rét, ông thật sự là người thầy thuốc mẫu mực, gắn kết và gần gũi thân thiết đối với mọi người. Một trong những điều mà ông đã cùng mọi người đã phải gánh chịu là bị phơi nhiễm chất “diệt cỏ” - chất độc màu da cam/dioxin - từ máy bay Mỹ đã rải xuống khắp miền Nam Việt Nam, trong đó có chiến trường Tây Nguyên, là một trong những nơi đã phải hứng chịu hậu quả nghiêm trọng nhất.

Sách chất da cam dioxin.

Sách chất da cam dioxin.

Từ thực tế chiến trường và nỗi đau của chính bản thân mình, ông dành nhiều thời gian nghiên cứu về chất độc hóa học mang tên “Chất độc da cam/dioxin”. Cùng GS. Tôn Thất Tùng, ông là người lính tiên phong trên mặt trận chống chiến tranh hóa học do đế quốc Mỹ gây ra ở nước ta từ năm 1961 đến 1975. Cuốn sách Chất da cam trong chiến tranh Việt Nam, tình hình và hậu quả do ông dày công nghiên cứu biên soạn, được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam xuất bản năm 1999 với 7 chương, 69 tài liệu tham khảo, dày 222 trang, đã nêu lên rất nhiều bằng chứng, luận cứ khoa học, trải qua các thời kỳ lịch sử thế giới, mang tính thời sự có sức thuyết phục cao đối với giới khoa học trong nước và quốc tế, đã tác động mạnh mẽ trong cuộc đấu tranh nhằm đòi hỏi công lý và xác định trách nhiệm đối với nhà cầm quyền Mỹ, đặt họ trước lương tâm và trách nhiệm trong việc khắc phục hậu quả tức thời và lâu dài của chất độc da cam/dioxin mà họ đã gây ra đối với Việt Nam. Chủ tịch TW Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, GS.TS. Nguyễn Trọng Nhân đánh giá rất cao cuốn sách này và chọn nó làm cuốn cẩm nang cho các thành viên của Hội trong hoạt động nhân đạo. Cuộc gặp giữa GS.TS. Nguyễn Trọng Nhân với hai Tổng thống Hoa Kỳ là ông George Herbert Bush ở Washington năm 1994 và Bill Clinton tại Hà Nội năm 2000 đều đề cập đến việc yêu cầu phía Mỹ phải có trách nhiệm giải quyết hậu quả chiến tranh do Mỹ gây ra tại Việt Nam, trong đó, gây hậu quả bi thảm của chất độc da cam/dioxin đối với hơn 3 triệu người Việt Nam cùng các di chứng nặng nề đối với thế hệ con, cháu họ. Chiến tranh ác liệt đã làm cho ông và phu nhân của ông - nữ họa sĩ Vũ Giáng Hương (1930-2002), không có thời gian gần nhau, đằng đẵng xa cách trong suốt 8 năm ông chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên (bà là con gái của nhà văn danh tiếng Vũ Ngọc Phan và nhà thơ  Hằng Phương; với danh vị Nhà giáo ưu tú, Phó Giáo sư, từng giữ trọng trách Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội trưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam, Phó hiệu trưởng Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội). Năm 1974, ông trở về Hà Nội - giữ cương vị Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký TW Hội, Giám đốc Quỹ Da cam của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam - khi gia đình không còn vẹn nguyên: người con gái bé nhỏ duy nhất Lê Vi Lộc của ông bà đã qua đời vì tai nạn và bà đã qua tuổi sinh nở, còn ông mất khả năng sinh sản do bị nhiễm chất độc da cam/dioxin! Tôi nặng lòng biết ơn và kính trọng ông về tấm gương tận tụy phục vụ và hy sinh cho đồng đội, cho mỗi người dân, đặc biệt dòng tâm huyết của Đại tá, GS.BS. Lê Cao Đài đã dành cho hàng triệu gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Trên giường bệnh, xen giữa các cơn đau đớn do nhiều trọng bệnh vì bị phơi nhiễm chất da cam/dioxin gây ra, ông yêu cầu mọi người đưa ông chiếc máy chữ để tranh thủ soạn thảo những tài liệu mới nhất (“mang máy chữ vào đây cho tôi làm việc, tôi làm việc đến khi chết thì thôi... không nằm sẵn trong quan tài chờ tới chết...” - ông từng thốt lên những lời tâm huyết như thế!). Bởi ông mong muốn được bổ sung vào nguồn tư liệu để đấu tranh cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Đó là hình ảnh về khí phách cao đẹp và phẩm chất kiên trung cao quý của Anh bộ đội Cụ Hồ, của người thầy thuốc giàu tâm huyết và tấm lòng nhân ái. Tiếng nói của ông trên diễn đàn trong nước và nhiều hội nghị quốc tế đã góp phần thức tỉnh lương tri và trách nhiệm của nhà cầm quyền Hoa Kỳ, làm lay động lòng người, dành được sự đồng tình của những nhà khoa học trên thế giới, tạo nên sức mạnh to lớn trong cuộc đấu tranh không mệt mỏi vì công lý và thức tỉnh lương tâm của loài người tiến bộ. Tháng 9/1991, ông qua Mỹ, tới thăm Đô đốc E.Zumwalt (Thủy sư đô đốc hạm đội Mỹ ở Việt Nam, người đã ra lệnh rải chất độc da cam/dioxin xuống Việt Nam), Đại tá, GS.BS. Lê Cao Đài chia buồn với Đô đốc vì con trai của ông ta - Đại úy Hải quân Elmo Zumwalt bị phơi nhiễm chất độc khi rải chất độc này tại Đà Nẵng và Cà Mau đã chết vì căn bệnh ung thư, còn đứa cháu nội bị đần độn bẩm sinh!)

Nghe tin ông qua đời (vào đầu năm 2002, ở tuổi 74), nhà văn Mỹ Lady Borton đã loan báo với các bạn bè quốc tế, dồn dập gửi thư chia buồn. Elain Woo viết trên báo Los Angeles Times: “Lê Cao Đài - một ông già có một con mắt gần như bị mù - nhà khoa học lớn nhất cho đến nay về chất độc màu da cam và di hại của nó đã đi xa...”. Cũng trên tờ báo này, một nhà khoa học nổi tiếng đã nói: “Lê Cao Đài là một Albert Einstein về chất độc màu da cam/dioxin”. (Albert Einstein (1879-1955) là nhà khoa học vật lý kiệt xuất người Đức, đoạt Giải Nobel vật lý năm 1921, tác giả Thuyết Tương đối Tổng quát nổi tiếng - NV).

Đại tá, GS.BS. Lê Cao Đài là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận chống chất độc da cam/dioxin của nhân loại.

Sự nghiệp vẻ vang mà thầy để lại còn sống mãi với non sông đất nước!

Danh tiếng của thầy còn lưu truyền mãi mãi vượt thời gian!


BS. Lâm Đức Hùng
Ý kiến của bạn