Sau khi máy bay của Malaysia đột ngột mất tích khi chuẩn bị vào không phận nước ta, lần đầu tiên nhà chức trách hàng không Việt Nam ban bố lệnh áp dụng biện pháp đảm bảo an ninh tăng cường Cấp độ 1 trước lo ngại nguy cơ khủng bố.
Lệnh tăng cường kiểm soát an ninh hàng không quốc gia được Bộ Giao thông Vận tải chính thức phát đi vào chiều tối ngày 9/3. Theo đó, các cảng hàng không sân bay và các hãng vận chuyển được đặt trong tình trạng cảnh giác cao và thắt chặt an ninh ở tất cả các khâu kiểm soát.
Ông Đinh Việt Thắng - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - khẳng định: “Đảm bảo an ninh hàng không rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi có nhiều nguy cơ tiềm ẩn tác động đến công tác an toàn an ninh. Khi có một máy bay bị sự cố, mất liên lạc thì ngành hàng không đưa ra cảnh báo là cần thiết để tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho máy bay và hoạt động khai thác bay”.
Ông Thắng cho biết, Cấp độ 1 về tăng cường các biện pháp an ninh chưa phải là mức cao nhất mà là sự cảnh báo ban đầu để nâng cao an toàn an ninh hàng không.
“Theo quy định hiện nay, có 3 cấp độ về đảm bảo an ninh. Việc ban bố Cấp độ nào phụ thuộc vào tính chất sự việc và nguy cơ uy hiếp an toan an ninh hàng không quốc gia. Trong trường hợp này, máy bay Malaysia mất tích là một vụ việc cụ thể và mất tích trên khu vực được cho là có liên quan đến Việt Nam nên đủ điều kiện để đưa ra cảnh báo” - ông Thắng nhấn mạnh.
Ngày 8/3, Malaysia tuyên bố máy bay chở theo 239 người của nước này bị mất tích lúc 2h40 (giờ địa phương), Trung Quốc cũng cho rằng 150 công dân của họ trên máy bay Malaysia Airlines mất tích trong không phận Việt Nam. Chiều cùng ngày, Cục Hàng không Liên bang Mỹ đưa ra nhận định nghi ngờ thời điểm máy bay Malaysia Airlines mất tích là đã ở khu vực Huế - Đà Nẵng của Việt Nam.
Tuy nhiên, những nghi vấn nói trên đã được gỡ bỏ sau đó khi nhà chức trách hàng không Malaysia xác nhận lại giờ bay của chiếc máy bay mất tích, cụ thể là máy bay MSA 370 - B772 đã mất toàn bộ tín hiệu liên lạc và tín hiệu trên radar 41 phút sau khi rời sân bay Kuala Lumpur, lúc này máy bay chưa bàn giao kiểm soát với Trung tâm Quản lý bay đường dài Hồ Chí Minh (ACC) và chưa được chấp thuận bay vào vùng trời Việt Nam.
Ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng cục Hàng không Việt Nam - cũng bác bỏ thông tin cho rằng máy bay của Malaysia đã bay vào đất liền Việt Nam.Theo ông Thanh, nếu chưa vào vùng thông báo bay (FIR) của Việt Nam mà máy bay tắt liên lạc thì radar có thể không phát hiện được, nhưng khi vào gần đến đất liền thì hệ thống radar thứ cấp của Việt Nam có thể bắt được tín hiệu máy bay.
Chủ trì cuộc họp khẩn với Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Quốc phòng cùng các đơn vị có liên quan đến công tác tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải nhận định khu vực xác định nghi vấn máy bay mất tích là vùng biển cạn, mực nước chỉ 20-40m nên khả năng nhìn thấy máy bay rơi xuống biển là rất cao, nhưng máy bay của Việt Nam và các nước tham gia tìm kiếm đã quần thảo rất nhiều lượt suốt 2 ngày qua mà vẫn chưa phát hiện được gì. Vì vậy, không loại trừ khả năng máy bay mất tích do bị khủng bố.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lưu ý: “Do vấn đề khủng bố chưa được loại trừ nên Bộ Công an cần nâng mức cảnh báo kiểm tra an ninh. Bộ trưởng Giao thông Vận tải triển khai phối hợp với Bộ Công an để đảm bảo tốt nhất an ninh hàng không của Việt Nam”.
Cục điều tra liên bang Mỹ FBI hôm 9/3 đã chính thức vào cuộc để làm rõ vụ việc khi trong danh sách chuyến bay có 3 công dân Mỹ tham gia hành trình từ Kuala Lumpur đi Bắc Kinh. Các quan chức Mỹ cho biết họ đang nghiên cứu khả năng liệu đã có một vụ khủng bố xảy ra hay không. Đây là giả thuyết luôn được giới chức Mỹ cân nhắc trừ khi đủ cơ sở chứng minh điều ngược lại.
Malaysia chiều 9/3 đã thông báo tới các cơ quan chống khủng bố của nhiều nước trước thông tin có một số hành khách giả danh trên chuyến bay mất tích. Malaysia sẽ phối hợp với các cơ quan tình báo, bao gồm cả FBI Mỹ về vấn đề này.
Chuyến bay mang số hiệu MH370 của Malaysia Airlines từ Kuala Lumpurđi Bắc Kinh (Trung Quốc) dự kiến hạ cánh lúc 6h30 sáng (theo giờ địa phương) ngày 8/3. Tuy nhiên, trong khi thực hiện hành trình máy bay đã đột ngột mất toàn bộ tín hiệu. Cho đến nay chiếc máy bay Boeing của Malaysia Airlines được xác định là đã mất tích cùng với 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn.
Cảng hàng không, sân bay thắt chặt kiểm soát an ninh
Ngay khi nhà chức trách ban bố lệnh tăng cường an ninh Cấp độ 1, tại các khu vực hạn chế, cảng vụ hàng không trên cả nước đã số lượng nhân viên an ninh, không cho người không có phận sự ra/vào khu vực hạn chế.
Kiểm soát an ninh được triển khai nhiều biện pháp đặc thù như: Kiểm tra người bằng máy dò kim loại cầm tay và kiểm tra trực quan ở mức 7% so với mức 5% như bình thường, tăng tỉ lệ khách được phỏng vấn khi làm thủ tục an ninh, tần suất kiểm tra trực quan ngẫu nhiên nâng lên 10% đối với hành khách và hành lý xách tay qua cổng từ mà không có tín hiệu báo động…
Tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, quân số trực an ninh được tăng cường thêm 40% để triển khai kiểm tra giám sát cả ở khu vực bên trong và bên ngoài sân bay. Khi làm thủ tục bay, hành khách luôn được nhắc nhở đặc biệt rằng không mang, xách hộ đồ đạc của người khác, nhất là người không quen biết.
Sân bay quốc tế Nội Bài cũng tăng lực lượng an ninh làm nhiệm vụ và thắt chặt kiểm soát tại các khu vực, các cửa soi chiếu hành lý, người và đồ xách tay qua cửa từ. Khu vực kiểm soát hải quan cũng được tăng cường giám sát đối với các trường hợp xuất/ nhập cảnh…
Ông Phạm Ngọc Minh - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines - cho biết: Từ vụ việc máy bay Boeing777-200ER của Malaysia mất tích và từ thực tế Công an Cửa khẩu Việt Nam cũng phát hiện các trường hợp khách quá cảnh có hộ chiếu giả để nhập cư lậu nên chính hãng này đã đưa ra đề nghị cần tăng cường kiểm soát an ninh nhằm bảo đảm áp dụng một loạt các biện pháp an toàn an ninh ở cấp độ cao nhất với mạng bay Việt Nam.