Theo báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 từ (ngày 20/1/2023 đến ngày 26/1/2023), CSGT các đơn vị, địa phương đã kiểm tra, xử lý 21.990 trường hợp vi phạm. Trong đó có đến 7.726 trường hợp bị xử lý vi phạm về nồng độ cồn (chiếm 35,1% tổng số vi phạm về TTATGT).
Điều đáng nói, so với cùng thời gian Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, số trường hợp vi phạm nông độ cồn tăng đến 598%.
Điển hình như ngày 25/1 (tức mùng 4 Tết), tổ công tác Đội CSGT Công an TP Bắc Giang đã phát hiện tài xế Nguyễn Văn Kh. (SN 1972, trú tại phường Dĩnh Kế, TP Bắc Giang) điều khiển ô tô con BKS: 30L-73.xxx vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,855 mlg/l khí thở (vượt hơn 2 lần mức xử phạt kịch khung là 0,4 mlg/l khí thở).
Tuy nhiên, sau khi bị kiểm tra, phát hiện vi phạm, nam tài xế trên đã không hợp tác, không ký biên bản vi phạm hành chính và các giấy tờ liên quan.
Qua tra cứu dữ liệu, vào tháng 9/2021, nam tài xế này đã bị tổ công tác Đội CSGT Công an TP Bắc Giang phát hiện điều khiển ô tô trong tình trạng say xỉn nên dừng xe kiểm tra. Tuy nhiên, người này đã bất hợp tác nên bị lập biên bản xử phạt 35 triệu đồng về lỗi không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn, tước GPLX 23 tháng.
Đến nay, tuy chưa đến thời hạn trả GPLX theo quy định nhưng tài xế trên vẫn ngang nhiên tái phạm, tiếp tục điều khiển phương tiện sau khi đã uống rượu bia.
Cũng theo thống kê, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, toàn quốc xảy ra 152 vụ tai nạn giao thông, làm chết 89 người, bị thương 111 người.
Thượng tá Phạm Quang Huy, Phó cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, các vụ tai nạn xảy ra chủ yếu vào khung giờ người dân đi chơi Tết. Tuy nhiên do lực lượng CSGT toàn quốc đã tăng cường kiểm tra từ trước Tết nên chỉ có 2 vụ tai nạn giao thông có liên quan đến vi phạm nồng độ cồn (chiếm 1,36%).
"So với cùng kỳ, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến vi phạm nồng độ cồn đã giảm sâu. Như kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm 2022 xảy ra đến 16 vụ; hay kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm 2019 xảy ra 7 vụ", Phó cục trưởng Cục CSGT thông tin.
Theo các chuyên gia, số liệu 7.726 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn mà lực lượng CSGT toàn quốc xử lý trong 7 ngày nghỉ Tết là minh chứng rõ ràng nhất về vấn nạn uống rượu bia lái xe .
TS Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học GTVT cho biết, mức phạt vi phạm hành chính đối với hành vi uống rượu bia trước khi lái xe hiện này không phải là thấp, thậm chí ở mức cao so với các nước trong khu vực và phần nào đã đủ sức răn đe.
Tuy nhiên, tập quán sử dụng nhiều rượu bia trong dịp Tết của người dân, đặc biệt là lứa tuổi thanh niên ở các địa bàn nông thôn đã khiến vi phạm trên vẫn trở nên phổ biến.
Dù biết nếu bị kiểm tra sẽ bị phạt rất nặng song không ít người vì "ham vui", "cả nể" vẫn uống và cố tình lái xe, bất chấp nguy cơ mất an toàn giao thông.
Một số chuyên gia khác cho rằng, việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn mới chỉ là phần ngọn, quan trọng nhất vẫn là phòng ngừa, phải làm thế nào để tất cả công dân đều ý thức được sự nguy hiểm của việc uống rượu bia lái xe, từ đó hình thành được văn hoá "đã uống rượu bia không lái xe".
Do đó, bên cạnh biện pháp tiếp tục tăng cường xử lý vi phạm, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để tăng tính răn đe.
PGS.TS Phạm Việt Cường, Trường Đại học Y tế công cộng chia sẻ, công tác giáo dục, tuyên truyền rất quan trọng, tập trung vào ý thức, pháp luật, tác hại, nguy hiểm để kỳ vọng sự thay đổi hành vi của người dân, nhưng điều đó cần có thời gian và kết hợp nhiều yếu tố khác nhau.
Ngoài ra đối với biện pháp cưỡng chế pháp luật, cũng cần có thay đổi. Tại Mỹ hay Châu Âu ban đầu cũng chỉ dừng ở mức phạt tiền vi phạm, sau đó ngày càng thay đổi và siết chặt hơn như: trừ điểm giấy phép lái xe, phạt tù, lao động công ích… Ở Việt Nam cũng đang đi theo lộ trình này, chỉ là vấn đề thời gian và thời điểm.
Bên cạnh đó, đối với môi trường sống xung quanh, ngoài kiểm tra ý thức sử dụng rượu bia khi lái xe thì phải kiểm soát cả việc uống.
"Chúng ta không cấm, nhưng nếu mọi người có thể uống bất cứ ở đâu, rượu bia cũng bán ở mọi nơi thì vấn đề này vẫn sẽ tồn tại ở mức cao. Hiện nay, thị trường vẫn khuyến khích uống, ví như quảng cáo dịp Tết lúc nào cũng có rượu bia. Chúng ta có thể không cấm nhưng không có nghĩa khuyến khích người tiêu dùng", PGS.TS Phạm Việt Cường bày tỏ.
Cho rằng nước ta vẫn chưa có nhiều chế tài để siết chặt đầu vào đối với mặt hàng rượu bia như các quốc gia có quy định lứa tuổi, khu vực được phép bán, giờ mở cửa..., ông Phạm Việt Công, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhấn mạnh: Chế tài vẫn chỉ phạt tiền và một số phạt bổ sung như tước giấy phép lái xe khi phát hiện hành vi uống rượu bia điều khiển phương tiện và vẫn chưa đủ tính răn đe. Sắp tới, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ nghiên cứu các chế tài cao hơn, có thể có các hình phạt bổ sung mạnh hơn để đủ tính răn đe.
"Nhiều người uống xong vẫn cho rằng mình chưa say, vẫn đủ khả năng lái xe nhưng thực ra đó là chủ quan của chủ phương tiện. Có nồng độ cồn ít hay nhiều đều ảnh hưởng đến khả năng lái xe, kỹ năng xử lý tình huống. Mức phạt hiện nay đã rất cao nhưng vi phạm rõ ràng vẫn còn nhiều, mà chủ yếu là do nhận thức, ý thức của người dân chưa cao. Do vậy, tuyên truyền phải làm sao để thay đổi ý thức của người dân đi đôi với áp dụng nghiêm các chế tài xử phạt," Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nói thêm.
Xem thêm video:
Lực Lượng CSGT Kiên Quyết Xử Lý Nghiêm Các Hành Vi Vi Phạm Nồng Độ Cồn Dịp Tết