Vào mùa lạnh, con người thường cảm thấy buồn bã. Đây là dấu hiệu của trầm cảm mùa (hay còn gọi là SAD - Seasonal Affective Disorder), tình trạng này thường liên quan đến việc giảm thời gian tiếp xúc với ánh sáng mặt trời vào mùa đông.
Vì sao mùa đông dễ cảm thấy uể oải?
Nhiều nghiên cứu cho rằng chứng trầm cảm mùa có thể do ngày ngắn hơn và ít ánh sáng ban ngày hơn từ đó làm thay đổi hóa học trong não.
- Thay đổi đồng hồ sinh học: Đồng hồ sinh học liên quan đến việc điều chỉnh tâm trạng, hormone và giấc ngủ. Khi có ít ánh sáng mặt trời, đồng hồ sinh học của cơ thể cũng sẽ thay đổi.
- Thiếu vitamin D: Việc ánh sáng mặt trời ít xuất hiện làm giảm khả năng sản xuất vitamin D. Sự thay đổi vitamin D trong cơ thể có thể ảnh hưởng đến mức serotonin (hormone gây ảnh hưởng đến mức độ lo lắng, tâm trạng và cảm xúc hạnh phúc của cơ thể) và tâm trạng của bạn.
- Làm tăng hoạt chất melatonin trong cơ thể. Đây là hoạt chất ảnh hưởng đến giấc ngủ và tâm trạng. Thiếu ánh sáng mặt trời có thể dẫn tới việc sản xuất quá mức melatonin dẫn tới tình trạng uể oải và buồn ngủ.
Nhận biết trầm cảm mùa đông
Một số dấu hiệu nhận biết bạn bị trầm cảm mùa đông bao gồm:
- Buồn bã kéo dài. Người bệnh thường cảm thấy buồn bã, bơ phờ hoặc thấy suy sụp gần như suốt cả ngày. Hơn nữa tình trạng này lặp lại gần như mỗi ngày.
- Giảm khả năng tập trung do bị ảnh hưởng đến một số hoạt động xử lý tâm thần của não như khả năng ghi nhớ, tập trung, nói…
- Cảm thấy uể oải, kiệt sức, thờ ơ và buồn ngủ vào ban ngày.
- Cảm thấy tuyệt vọng, vô giá trị, tội lỗi…
- Không có hứng thú, niềm vui với một số hoạt động bình thường hàng ngày.
- Khó thức dậy vào buổi sáng và có giấc ngủ kéo dài hơn bình thường (khoảng 10 tiếng/ngày trong mùa đông).
- Cảm thấy thèm carbohydrate (cảm thấy đói hơn) và có dấu hiệu tăng cân.
- Dễ cáu gắt và cảm thấy khó chịu, nổi nóng.
- Giảm ham muốn tình dục.
Trầm cảm mùa đôi khi chỉ có các biểu hiện như nhức mỏi cơ thể, uể oải, đờ đẫn khó tập trung. Tùy vào từng người, các biểu hiện này có thể nghiêm trọng hơn hoặc ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
Phòng ngừa nguy cơ mắc trầm cảm mùa vào mùa đông
Bạn có thể chủ động thực hiện các phương pháp sau để giảm thiểu các nguy cơ mắc trầm cảm mùa cũng như cải thiện tâm trạng:
- Hoạt động thể dục thường xuyên. Vào mùa đông, bạn vẫn cần hoạt động thể chất ít nhất 30 phút mỗi ngày để kích hoạt các chất dẫn truyền thần kinh đồng thời cải thiện tâm trạng của bạn.
- Tăng cường thời gian tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Việc tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên rất quan trọng, bạn có thể ra ngoài hoặc ngồi trong nhà và mở cửa sổ để hấp thụ vitamin D tự nhiên
- Kết nối, trò chuyện nhiều hơn với bạn bè. Thời tiết lạnh khiến con người có xu hướng ở trong nhà nhiều hơn và hạn chế giao lưu, trò chuyện.
- Lựa chọn thiền để giúp làm dịu tâm trí và giải tỏa suy nghĩ lo lắng. Thiền có thể làm tăng lượng serotonin và giúp chúng ta cảm thấy thư thái, bình yên hơn.
Triệu chứng và mức độ trầm cảm mùa ở mỗi người tuy nhiên các dấu hiệu trầm cảm mùa có thể kéo dài khá lâu ở một số người (có thể lên tới 5 tháng). Còn đa phần các trường hợp mắc trầm cảm mùa sẽ xuất hiện từ tháng 10 đến tháng 11 và triệu chứng thường xảy ra nặng nhất vào tháng 1 và tháng 2.
Mọi người cần lưu ý, trầm cảm mùa thường xảy ra vào mùa đông sau đó biến mất. Nếu các triệu chứng của trầm cảm mùa không biến mất và bạn vẫn cảm thấy sức khỏe tinh thần bị suy giảm cần đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám, tư vấn.
Xem thêm video được quan tâm:
Thực phẩm nào tốt cho việc hỗ trợ điều trị trầm cảm? | SKĐS