Uống rượu bia sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, ngoài những tác hại dễ nhận thấy sau khi uống như: Đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, mệt mỏi, chất cồn trong rượu bia còn ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể, gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng.
Tác hại của rượu bia đối với sức khỏe
- Rượu bia gây suy giảm trí nhớ
Rượu bia, chất cồn có tác động đến não bộ, gây tắc nghẽn quá trình gửi tín hiệu thần kinh. Kết quả là tâm trạng của bạn sẽ thay đổi, phản xạ bị chậm dần đi và bạn cũng mất khả năng giữ thăng bằng.
Rượu bia còn tác động đến trí nhớ, bởi vậy nếu thường xuyên uống nhiều rượu, nó có thể khiến tế bào trong não bạn teo nhỏ đi. Kết quả là sẽ bị sa sút trí tuệ, suy giảm trí nhớ... Với những người uống rượu bia quá mức dẫn đến say, lúc đó không thể nhớ được mình đã làm những gì. Sáng hôm sau tỉnh lại vẫn còn cảm giác nhức đầu. Ngay cả những điều bình thường như giữ nhiệt độ cơ thể hoặc thăng bằng khi đi lại cũng có thể bị ảnh hưởng.
- Rượu bia khiến dạ dày tiết nhiều axit
Rượu bia kích thích niêm mạc dạ dày, khiến cho nó tiết nhiều axit tiêu hóa hơn. Khi uống nhiều rượu bia khiến cho axit tích tụ trong dạ dày gây buồn nôn và nôn. Những người thường xuyên uống rượu có thể bị viêm loét dạ dày.
Sau khi uống rượu bia còn khiến kích thích ruột non và đại tràng, các thức ăn di chuyển qua nhanh hơn, không được tiêu hóa kỹ. Hậu quả là người uống rượu có thể bị tiêu chảy. Rượu bia làm giãn cơ thực quản, khiến axit dạ dày hoặc hơi trong bụng trào ngược lên miệng, gây ợ nóng. Tình trạng axit dạ dày tích tụ cũng làm giảm cảm giác đói của người uống rượu, điều này sẽ gây nên tình trạng chán ăn, thiếu hụt dinh dưỡng.
- Rượu bia gây tổn thương gan, tụy
Gan là nơi xử lý tất cả các thức ăn, trong đó có chất cồn, vì vậy nếu uống quá nhiều sẽ gây tình trạng tổn thương gan. Lạm dụng rượu bia trong thời gian dài sẽ tích tụ nhiều chất béo, gọi là gan nhiễm mỡ. Theo thời gian dẫn đến suy và mất chức năng, trở thành mô sẹo, khi các mô này không thể hoạt động được nữa thì được gọi là xơ gan.
- Rượu bia làm tổn thương tuyến tụy, gây đái tháo đường, ung thư
Tụy là nơi sản xuất Insulin, giúp điều hòa nồng độ đường trong máu và một loạt các hormone khác giúp ruột tiêu hóa thức ăn. Khi uống nhiều rượu, quá trình sản sinh các hormone này sẽ bị gián đoạn hoặc làm chậm.
Cùng với đó, các độc chất tích tụ vào tụy có thể gây viêm tụy, dần già dẫn đến những tổn thương nghiêm trọng hơn. Một ngày nào đó, khi tuyến tụy bị mất chức năng, không thể tạo ra Insulin, bạn sẽ bị mắc tiểu đường type 2. Rượu cũng làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tụy.
Vì sao uống rượu bia lại làm tăng nguy cơ ung thư?
Nhiều người thắc mắc tại sao uống rượu bia lại làm tăng nguy cơ gây ung thư. Theo nghiên cứu, rượu bia có tác động của tới khả năng mắc ung thư, tùy theo từng loại ung thư nhất định.
Theo ghi nhận rượu bia làm tổn thương mô cơ thể, rượu hoạt động như một chất kích thích, đặc biệt ở khoang miệng và hầu họng. Các tế bào bị tổn thương do rượu cố gắng tự sửa chữa, điều này có thể làm biến đổi các DNA và đây chính là một bước quan trọng có thể tiến tới ung thư.
Rượu có thể tạo điều kiện cho các hóa chất độc hại thâm nhập dễ dàng hơn vào các tế bào lót ở đường tiêu hóa trên. Điều này giải thích tại sao tỷ lệ mắc ung thư vùng miệng họng ở những người vừa hút thuốc lá vừa uống rượu cao hơn hẳn những người chỉ hút thuốc hoặc chỉ uống rượu.
Rượu ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ một số chất dinh dưỡng và điều này có thể trở nên kém hơn ở những người nghiện rượu nặng, những người này thường có lượng folate rất thấp. Lượng folate giảm thấp có thể đóng vai trò là yếu tố nguy cơ gây ung thư vú và đại trực tràng.
Uống rượu có thể làm tăng nồng độ Estrogen, một hormone quan trọng trong việc phát triển nhu mô tuyến vú. Điều này có thể ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư vú tăng cao.
Những ai không nên sử dụng rượu bia?
Theo khuyến cáo của hiệp hội ung thư Hoa Kỳ, chúng ta nên hạn chế lượng rượu tiêu thụ vào cơ thể, cụ thể. Mỗi ngày nam giới không nên uống quá 2 đơn vị rượu và nữ giới không uống quá 1 đơn vị rượu. Chú ý: 1 đơn vị uống chuẩn là 14 g rượu nguyên chất, tương đương với 1 cốc bia 5% (350 ml), 1 ly rượu vang 12% (150 ml) hoặc 1 ly rượu mạnh 40% (44 ml)
Một số nhóm người không nên sử dụng rượu bia, bao gồm: Trẻ em và thiếu niên; Những người không thể hạn chế uống rượu hoặc người đang trong giai đoạn hồi phục của chứng nghiện rượu; Phụ nữ có thai; Người phải lái xe hoặc vận hành máy móc; Những người tham gia vào các hoạt động đòi hỏi sự chú ý, cần kỹ năng hoặc phối hợp hoặc trong các tình huống mà khả năng phán đoán kém, có thể gây thương tích hoặc tử vong.
Ngoài ra, những người dùng thuốc điều trị có tương tác với rượu và người đang có bệnh lý mạn tính như bệnh gan, viêm tụy… không nên dùng rượu bia.
Mời độc giả xem thêm video:
Một ngày bạn nên ăn bao nhiêu hộp sữa chua để không bị tăng cân-