Vì sao uống quá nhiều nước cũng có thể gây chết người?

07-08-2023 06:23 | Dinh dưỡng

SKĐS - Việc thiếu nước có thể dẫn đến mất nước - một tình trạng xảy ra khi cơ thể không có đủ nước để thực hiện các chức năng bình thường. Ngay cả mất nước nhẹ cũng có thể làm cạn kiệt năng lượng gây mệt mỏi. Tuy nhiên uống quá nhiều nước sẽ gây nguy cơ ngộ độc nước nguy hiểm.

Tình trạng ngộ độc nước do uống nhiều nước quá mức có thể không được nhận ra trong giai đoạn đầu khi bệnh nhân có các triệu chứng lú lẫn, mất phương hướng, buồn nôn và nôn, ngoài ra còn có những thay đổi về trạng thái tinh thần và các triệu chứng loạn thần. 

Phát hiện sớm là rất quan trọng để ngăn ngừa hạ natri máu nghiêm trọng dễ dẫn đến co giật, hôn mê và tử vong.

Ngộ độc nước nguy hiểm như thế nào? - Ảnh 2.

Uống nước đúng cách để cơ thể duy trì hoạt động. Ảnh minh họa


1. Dấu hiệu về tình trạng nước trong cơ thể

Dấu hiệu cơ thể đủ nước

  • Hiếm khi cảm thấy khát
  • Nước tiểu không màu hoặc có màu vàng nhạt

Dấu hiệu cảnh báo mất nước

  • Nước tiểu có màu vàng đậm
  • Suy nhược, huyết áp thấp, chóng mặt hoặc lú lẫn

Dấu hiệu cảnh báo ngộ độc nước

  • Rối loạn chức năng não
  • Lú lẫn, buồn ngủ và đau đầu
  • Tăng huyết áp
  • Nhịp tim chậm

2. Điều gì xảy ra khi uống quá nhiều nước?

Ngộ độc nước nguy hiểm như thế nào? - Ảnh 3.

Nước quan trọng cho hoạt động của cơ thể duy trì sự sống nên thiếu hay thừa nước đều dẫn đến tình trạng xấu cho sức khỏe con người.

Khi uống nhiều nước quá nhu cầu, thận không thể loại bỏ lượng nước dư thừa. Hàm lượng natri trong máu trở nên loãng. Điều này được gọi là hạ natri máu và đe dọa tính mạng nếu không được nhân viên y tế xử trí kịp thời.

Việc uống nhiều nước quá mức, có thể bị ngộ độc nước, rối loạn chức năng não. Điều này xảy ra khi có quá nhiều nước trong tế bào (bao gồm cả tế bào não), khiến chúng phù lên. Khi các tế bào trong não phù lên, chúng gây ra áp lực trong não (phù não) sau đó bắt đầu rơi vào trạng thái như lú lẫn, buồn ngủ và đau đầu. Nếu áp lực này tăng lên, nó có thể gây ra các tình trạng như tăng huyết áp và nhịp tim chậm.

Natri là chất điện giải bị ảnh hưởng nhiều nhất khi thừa nước, dẫn đến tình trạng gọi là hạ natri máu. Natri là một nguyên tố quan trọng giúp giữ cân bằng chất lỏng trong và ngoài tế bào. Khi mức độ của nó giảm xuống do lượng nước trong cơ thể cao, chất lỏng sẽ xâm nhập vào bên trong các tế bào. Sau đó, các tế bào phù lên tăng nguy cơ bị co giật, hôn mê hoặc thậm chí tử vong.

3. Dấu hiệu uống quá nhiều nước

Màu nước tiểu: Một trong những cách tốt nhất để xác định xem một người có uống đủ nước hay không là theo dõi màu nước tiểu. Nước tiểu thường có màu từ vàng nhạt đến màu trà do sự kết hợp của sắc tố urochrom và lượng nước trong cơ thể. Nếu nước tiểu thường trong, đó là dấu hiệu bạn đang uống quá nhiều nước trong thời gian ngắn.

Quá nhiều lần đi vệ sinh: Một dấu hiệu khác là đi tiểu nhiều hơn bình thường. Trung bình, một người nên đi tiểu từ sáu đến tám lần một ngày. Mức đi tiểu 10 lần là bình thường đối với những người uống nhiều nước hoặc những người thường xuyên uống cà phê hoặc rượu.

Cách để tránh uống nhiều nước quá là nhận biết khi nào cơ thể bạn cần nước. Cơ thể có thể chống mất nước bằng cách cho bạn biết khi nào bạn cần uống nước. Khát nước là phản ứng của cơ thể đối với tình trạng mất nước và nên là tín hiệu hướng dẫn của bạn. Tuy nhiên cách này không phù hợp với người cao tuổi thường ít có cảm giác khát.

4. Uống nước đúng cách

Chính xác để nói nên uống bao nhiêu nước mỗi ngày vì không có câu trả lời nào phù hợp cho tất cả, bởi nhu cầu chất lỏng khác nhau giữa các cá nhân và sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng đã phân loại các nhóm đối tượng với nhu cầu nước uống tương ứng, ví dụ trẻ em, người trưởng thành, phụ nữ mang thai, vận động viên…

Để tránh mất nước, hãy uống nước dần dần trong suốt cả ngày. Những người tập luyện thể thao nên uống trước, trong và sau quá trình tập luyện.

Những người cao tuổi thường không cảm thấy khát nhiều như khi còn trẻ, do đó người cao tuổi nên chủ động uống nước trong ngày để ngừa thiếu nước.

Ngộ độc nước nguy hiểm như thế nào? - Ảnh 5.

Bệnh nhân suy tim uống nhiều nước khiến quá tải dịch sẽ gây phù, tăng dịch làm tim phải hoạt động nhiều hơn, hạ natri máu.

5. Những người đặc biệt không nên uống nhiều nước

PGS.TS Vũ Đức Định, chuyên gia hồi sức tích cực lưu ý những người có bệnh lý như suy thận, suy tim không được uống quá nhiều nước, đặc biệt là những người bị suy thận đã phải lọc máu, lọc màng bụng. Người suy thận đào thải nước kém, uống nhiều nước sẽ quá tải dịch gây phù, tăng huyết áp, phù phổi. Người suy tim cũng vậy và khi quá tải dịch sẽ gây phù, tăng dịch làm tim phải hoạt động nhiều hơn, hạ natri máu. Với những người ăn theo chế độ ăn bệnh lý, ăn kiêng, ăn nhạt nếu uống nhiều nước gây hạ natri máu.

Tham khảo thông tin Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia Hoa Kỳ xác định lượng chất lỏng hàng ngày cần được cung cấp đầy đủ đối với từng đối tượng cụ thể như sau:

Độ tuổi

Lượng nước khuyến nghị hàng ngày (cốc khoảng 200ml)

Trẻ em 4-8 tuổi

4-5 cốc

Trẻ em 9-13 tuổi

7-8 cốc

Trẻ em 14-18 tuổi

8-11 cốc

Nam từ 19 tuổi trở lên

13 -15 cốc

Nữ từ 19 tuổi trở lên

9 - 11 cốc

Phụ nữ mang thai

10 - 12 cốc

Phụ nữ cho con bú

13 cốc

3 lưu ý quan trọng khi uống nước trong mùa hè để tốt cho sức khỏe3 lưu ý quan trọng khi uống nước trong mùa hè để tốt cho sức khỏe

SKĐS - Ai cũng biết nước rất cần thiết đối với cơ thể con người. Vào mùa hè nóng nực, mọi người thường cảm thấy khát và uống nhiều nước hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết uống nước đúng cách để bảo vệ sức khỏe.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Uống nước dừa nhiều có tốt không?

Hoàng Nam
Ý kiến của bạn