Vì sao truyện tranh Việt chưa hot?

22-09-2020 07:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Một vài năm trở lại đây, thị trường truyện tranh Việt dần trở nên sôi động hơn, nhưng vẫn còn rất nhiều tiềm năng chưa khai thác.

Con đường không dễ chinh phục

So với nhiều quốc gia trong khu vực, mảng truyện tranh của Việt Nam xuất hiện muộn hơn, bắt đầu bằng những cuốn sách dịch từ nước ngoài.

Trở lại những năm 80, việc truyện tranh Việt Nam kém phát triển là điều hoàn toàn dễ hiểu. Không như văn học, mỹ thuật hay điện ảnh, hay những môn kịch nghệ khác, ít nhiều vẫn có được những tác phẩm đáng chú ý, truyện tranh hoàn toàn bị gạt khỏi đời sống văn hóa chính thống. Thể loại này chỉ thực sự bắt đầu bước chân vào đời sống văn hóa Việt Nam kể từ năm 1986. Trong giai đoạn này, truyện tranh có gì đặc biệt?

Có ý kiến cho rằng truyện tranh Việt từng là một con số không tròn trĩnh. Nhưng sự thật không hẳn như vậy, ngay trong thời khắc đầy gian khó, độc giả yêu truyện tranh đã có Hùng Lân, đồng tác giả của bộ truyện tranh đầy ám ảnh Cô Tiên Xanh. Sau khi vẽ nhái theo mấy tập phim hoạt hình Voltro-Defender of the Universe được 4 tập, Hùng Lân đã dựa trên bước đà ấy mà sáng tác tiếp một lèo thêm 154 tập truyện Dũng Sĩ Hesman (1993). Những tác phẩm này từng được coi là huyền thoại thực sự của truyện tranh Việt Nam.

Sau 20 năm mở cửa và bắt nhịp với xu thế truyện tranh thế giới, đặc biệt là manga của Nhật Bản, thị trường truyện tranh ở Việt Nam đã cung cấp được tương đối đầy đủ cho bạn đọc các kiến thức về truyện tranh kinh điển, về thẩm mỹ, nội dung, các dòng chính phụ và các xu hướng truyện tranh trên thế giới. Đây là thời kỳ tạm ổn đối với cả giới làm truyện tranh và độc giả.

Vài năm gần đây, cùng với sự phát triển của công nghệ, văn hóa đọc cũng dần thay đổi, thay vì đọc một cuốn truyện dày, nhiều chữ, những sản phẩm mang nội dung ngắn gọn, hình ảnh minh họa sống động, tươi mới và thông điệp dễ hiểu được các bạn trẻ nhiệt tình đón nhận. Đó cũng là lý do truyện tranh ngày càng được nhiều độc giả yêu thích, đặc biệt là giới trẻ.

Trong khi đó, họa sĩ thiết kế đồ họa cũng dành nhiều sự quan tâm cho thể loại giải trí này. Họ kết hợp giữa ý tưởng sáng tạo và tư duy thẩm mỹ dựa trên các công cụ đồ họa chuyên nghiệp để vẽ và sáng tác truyện tranh. Có thể nói, giới họa sĩ thiết kế đồ họa đã và đang góp phần hồi sinh trào lưu sáng tác và thưởng thức truyện tranh trong giới trẻ. Dẫu vậy, bấy nhiêu nỗ lực dường như chưa đủ để truyện tranh Việt có thể vươn vai trỗi dậy một cách mạnh mẽ.

Cần một cú hích

Tại Wallonie - Bruxelles (Bỉ), nơi được mệnh danh là xứ sở của truyện tranh, gần một thế kỷ nay, người dân ở đây vẫn thường gọi truyện tranh là nền nghệ thuật thứ 9. Cho đến nay, hơn một nửa lượng sách được xuất bản hay sản xuất tại Bỉ đều là những album truyện tranh. Các chủ đề được đề cập tới trong truyện tranh của Wallonie và Bruxelles phản ánh muôn mặt của đời sống xã hội, hiện thực xã hội cũng như những hình dung mong đợi về xã hội đó. Các chuyên gia đến từ Bỉ cho biết, ở đất nước này, người lớn thường xuyên đọc truyện tranh. Truyện tranh được đăng thành nhiều kỳ trên các ấn phẩm, báo chí chính thống để người đọc theo dõi. Và khi người lớn tham gia thế giới truyện tranh, họ sẽ khuyến khích con họ cùng đọc, điều đó đã giúp truyện tranh phát triển rất mạnh mẽ ở quốc gia này.

Trong khi đó, ở Việt Nam, truyện tranh vẫn bị coi là thể loại dành cho trẻ em. Định kiến này khiến truyện tranh Việt dù đã xuất hiện khá lâu nhưng hầu như không có cơ hội phát triển. Bất chấp thực tế truyện tranh đang ngày càng hấp dẫn nhiều bạn đọc, nhưng nó vẫn chưa có được vị trí xứng đáng. Nguyên nhân chủ yếu là do đội ngũ sáng tác rất ít ỏi, lại chưa được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản nên nhiều truyện tranh sáng tác chất lượng chưa cao. Bên cạnh đó, một nguyên nhân khá quan trọng nữa là rất nhiều người trong xã hội, đặc biệt là nhiều phụ huynh vẫn cách nhìn chưa đúng đắn về truyện tranh, cho rằng đây là thể loại giải trí nhảm nhí, không chứa đựng nhiều giá trị giáo dục. Ngoài ra, chính sách ưu đãi với các họa sĩ vẽ truyện tranh chưa cao... nên truyện tranh ở Việt Nam phát triển chậm hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới là lẽ đương nhiên.

Người trong giới kỳ vọng, việc tổ chức những cuộc thi hay festival sáng tác truyện tranh sẽ góp phần kích thích đam mê và cảm hứng của các họa sĩ, tạo cơ hội để họ học hỏi, cọ xát những kinh nghiệm từ các chuyên gia truyện tranh nổi tiếng đến từ Nhật Bản và châu Âu. Gần đây, NXB Kim Đồng và những chuyên gia truyện tranh của Bỉ đã bày tỏ mong muốn mang đến cho độc giả một cái nhìn đúng đắn về truyện tranh, để độc giả thay đổi quan niệm về thể loại truyện này.


Vũ Quang
Ý kiến của bạn