Thông điệp này được cho là một tín hiệu xanh mời gọi Mỹ trở lại với các cuộc đàm phán với Triều Tiên, thậm chí là khả năng để ngỏ một hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 3. Trong bối cảnh đàm phán hạt nhân đang “giậm chân tại chỗ” như hiện nay, liệu khả năng này có trở thành hiện thực hay chỉ là một tính toán mới của Triều Tiên? Nhà nghiên cứu Liang Tuang Nah, Viện Nghiên cứu chính trị Quốc tế S.Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nangyang (Singapore) phân tích về nội dung này.
Thưa ông, trước tiên ông đánh giá như thế nào về tuyên bố của phía Triều Tiên và việc Mỹ cho đến nay vẫn chưa có phản ứng chính thức nào về đề xuất này?
Có lẽ ngoại giao đối thoại là giải pháp hiệu quả nhất. Nên tôi nghĩ rằng cả hai bên đều nhận thức được các biện pháp ngoại giao chính là chìa khóa để giải quyết vấn đề. Ông Trump vẫn muốn đạt được một thỏa thuận với Triều Tiên trong khi ông Kim Jong-un cũng nhận thấy, cơ hội tốt nhất để đạt được một thỏa thuận là với Tổng thống Trump bởi không phải chính trị gia nào khác của Mỹ cũng muốn hợp tác với ông Kim Jong-un. Giữa hai bên vẫn tồn tại thiện chí muốn đẩy nhanh tiến trình này thông qua các biện pháp ngoại giao và cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo tại Bàn Môn Điếm gần đây là bằng chứng rõ rệt nhất.
Tôi cho rằng thực chất cả hai bên đều tìm cách để “lợi dụng” lẫn nhau, ông Trump là một “nhà đàm phán” và ông hy vọng có thể giải quyết được vấn đề phi hạt nhân hóa càng sớm càng tốt. Chính vì thế, ông ấy mong muốn một cam kết cụ thể về việc giải giáp vũ khí từ phía Triều Tiên trước khi Mỹ có thể dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Nhà nghiên cứu Triều Tiên Liang Tuang Nah, Viện Nghiên cứu chính trị Quốc tế S.Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nangyang (Singapore).
Thưa ông, động thái của Triều Tiên được cho là một tín hiệu xanh mời gọi Mỹ trở lại đàm phán, thậm chí là trở lại với hội nghị thượng đỉnh lần thứ 3. Trong bối cảnh ông Trump vẫn đang thực thi chính sách Nước Mỹ trên hết và bầu cử Mỹ đang đến gần, thì liệu khả năng này có thể hay không?
Chính sách Nước Mỹ trên hết liên quan nhiều hơn đến cơ chế bảo hộ thương mại và kinh tế hơn là các mục tiêu khác và không có nhiều tác động đến vấn đề Triều Tiên. Chính sách này nhấn mạnh đến việc bảo vệ các lợi ích của Mỹ và các đồng minh của Mỹ trong đó có Hàn Quốc muốn được đảm bảo về quốc phòng sẽ phải chi tiêu nhiều hơn.
Tuy nhiên, chính sách này sẽ không ảnh hưởng gì nhiều đến việc Triều Tiên có sẵn sàng chấp nhận phi hạt nhân hóa hay không bởi trên thực tế, quân đội Mỹ vẫn đang hiện diện ở Hàn Quốc dù Hàn Quốc có chịu tăng chi phí quốc phòng cho Mỹ hay không. Ông Kim Jong-un rất muốn tất cả lệnh trừng phạt hoặc ít ra là các lệnh trừng phạt quan trọng được dỡ bỏ trong khi ông ấy vẫn đang chuẩn bị sẵn sàng cho kế hoạch phát triển song song về vũ khí và kinh tế của mình. Vì các yếu tố này, cả hai bên không thể nhượng bộ bất kỳ điều gì và không thể đi đến một thỏa thuận chung. Do đó, tiếp tục đàm phán để tìm một sự thỏa hiệp là một khả năng được tính đến.
Ông đánh giá thế nào về vai trò của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong khả năng thúc đẩy kết nối Mỹ - Triều những ngày tới?
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có vai trò rất tích cực trong việc thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, đặc biệt là tiến trình đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên. Các Tổng thống tiền nhiệm trước đây của Hàn Quốc như bà Park Geun-hye và những người khác thường có quan điểm hoặc quá cứng rắn hoặc quá mềm mỏng đối với Triều Tiên.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận ở khía cạnh ngoại giao. Ông luôn khuyến khích Mỹ và Triều Tiên đối thoại và đàm phán. Ông cũng là người đã làm việc tích cực “ở hậu trường” để hỗ trợ và thúc đẩy sự thành công của tiến trình phi hạt nhân hóa. Chính ông là người đã “đặt nền móng” cho các cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un. So với các chính quyền tiền nhiệm trước của Hàn Quốc, chúng ta có thể nhận thấy những bước tiến rõ rệt của chính quyền hiện tại trong việc thuyết phục Triều Tiên thay đổi hành vi và thái độ của mình.
Xin cảm ơn ông!
Tuy nhiên, ông Kim Kye-gwan nhấn mạnh, chính giới Mỹ “bị ám ảnh” bởi ý nghĩ Triều Tiên có thể hướng tới một tương lai tươi sáng chỉ khi từ bỏ hạt nhân và việc áp đặt trừng phạt sẽ khiến Bình Nhưỡng ngồi vào bàn đàm phán. Theo ông Kim Kye-gwan, các hội nghị thượng đỉnh trước đây giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là những cơ hội lịch sử để hai bên bày tỏ ý chí chính trị chấm dứt mối quan hệ thù địch và đặt nền móng cho hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, sau đó không có các bước triển khai các nội dung đạt được, dẫn tới phủ bóng đen lên khả năng diễn ra các hội nghị thượng đỉnh tiếp theo.