Các nguyên nhân của trình trạng (XHTDTE) được nhiều nghiên cứu và báo cáo đánh giá là xuất phát từ 3 cấp độ: trẻ em, gia đình, và xã hội. Từ phía các em, các nghiên cứu cho rằng trẻ em, đặc biệt là trẻ nhóm tuổi từ 11- dưới 18, bắt đầu có sự phát triển về thể chất và tâm sinh lý. Sự tham gia của trẻ vào các mối quan hệ xã hội ở phạm vi rộng hơn, phức tạp hơn trong khi bản thân trẻ lại chưa có đủ các kiến thức và kỹ năng an toàn cần thiết để bảo vệ mình nên trẻ gặp nhiều nguy cơ bị xâm hại. Sự thiếu hụt trong nhận thức của các em bao gồm sự thiếu hiểu biết về quyền trẻ em, về giới tính, tình dục và những nguy cơ bị xâm hại tình dục. Việc muốn khẳng định mình trước mọi người xung quanh cũng đưa trẻ vào những hoàn cảnh, môi trường không lành mạnh để rồi phải tự gánh chịu những hậu quả nặng nề. Cùng với đó, tính tò mò, dễ bảo, dễ tin cũng là đặc điểm dễ bị lợi dụng ở trẻ em.
Về phía gia đình, người thân trong gia đình trẻ thiếu hụt kiến thức về sự phát triển thể chất, tâm sinh lý ở từng lứa tuổi của trẻ em, không biết cách trò chuyện, hướng dẫn trẻ về cơ thể, các nguy cơ và kỹ năng tự bảo vệ mình. Cha mẹ giao trẻ cho người khác chăm sóc mà hoàn toàn không có sự giám sát, nghi ngờ, không có ý thức về bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại tình dục. Môi trường sống trong gia đình thiếu lành mạnh, bản thân cha mẹ, người chăm sóc trẻ là những người sống không gương mẫu, tham gia vào các tệ nạn xã hội và gần như bỏ mặc con cái trong gia đình. Hoặc gia đình bị thiếu cha hoặc mẹ, bị khủng hoảng về kinh tế hoặc do cha mẹ ốm đau, cha mẹ ly thân, ly hôn không có khả năng đảm nhận vai trò chăm sóc con cái cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc trẻ gặp phải nhiều nguy cơ bị xâm hại tình dục. Một số gia đình mải mê kiếm sống hoặc mải làm kinh tế đã bỏ mặc cho con cái đi lang thang, trẻ em không có người bảo vệ nên đã bị các đối tượng xấu xâm hại tình dục.
Từ phía xã hội, sự phát triển của internet và các kênh thông tin mạnh mẽ trong thời gian qua là một trong những nguyên nhân góp phần làm phát tán văn hóa bạo lực và tình dục. Trong khi việc kiểm soát, xử lý các kênh thông tin xấu, không lành mạnh của các cơ quan chức năng gặp phải nhiều khó khăn thì khả năng truyền bá, tiếp cận những thông tin này lại hết sức dễ dàng. Chính điều này tạo nên sự tò mò, kích động và dễ có hành vi lệch chuẩn ở những đối tượng xấu.
Hoạt động truyền thông, giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, nâng cao kiến thức phòng ngừa các nguy cơ xâm hại tình dục trẻ em chưa được thường xuyên và chưa có sự đổi mới về hình thức, chưa được đông đảo người dân quan tâm, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa chưa nhận thức đúng đắn yêu cầu tôn trọng và bảo vệ quyền trẻ em. Các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em xảy ra ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa thường được tự giải quyết, hòa giải với nhau, chỉ đến khi hòa giải không thành hoặc một trong hai bên chối bỏ trách nhiệm thì vụ việc mới được đưa ra chính quyền giải quyết. Điều này khiến cho tình trạng xâm hại tình dục trẻ em không ngừng tiếp diễn.
Một bộ phận cán bộ, lãnh đạo chưa nhận thức và thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ trẻ em nên chưa thực sự quan tâm ưu tiên các chương trình kế hoạch ở địa phương gắn liền với cuộc sống của người dân.
Các yếu tố kinh tế: nghèo khổ, thiếu thốn về kinh tế không phải là nguyên nhân nhưng là một trong những yếu tố dẫn đến xâm hại tình dục trẻ em. Nghèo đói là nguyên nhân chính khiến nhiều em phải lang thang đường phố, phải sống và làm việc trong môi trường không an toàn, không lành mạnh và có nguy cơ bị xâm hại tình dục. Tình trạng thiếu việc làm, thất nghiệp do suy thoái kinh tế làm gia tăng các tiêu cực của xã hội trong đó có hành vi hiếp dâm trẻ em.
Các yếu tố văn hóa: Cảm thấy xấu hổ và muốn giữ kín những điều liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ em tồn tại khá phổ biến trong nhiều nhóm cư dân cộng đồng ở Việt Nam và là một trong những nguyên nhân gốc rễ của các số liệu báo cáo thấp về xâm hại tình dục trẻ em (Unicef. 2008).
Các yếu tố xã hội: Do mặt trái của nền kinh tế thị trường đã kéo theo sự thay đổi về quan niệm sống, lối sống và giá trị văn hóa đối với lao động, hưởng thụ, thêm vào đó các loại văn hóa phẩm (phim ảnh, sách báo) độc hại là những nhân tố xã hội dẫn tới tình trạng xâm hại tình dục trẻ em. Sự gia tăng hành vi hiếp dâm trẻ em vừa là một biểu hiện, vừa là hậu quả của hàng loạt sự “suy đồi đạo đức”, sự thay đổi quan niệm về tình dục, đặc biệt là đối với các vụ loạn luân ngày càng có chiều hướng gia tăng.
Việc giáo dục giới tính trong gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội đang là vấn đề gây tranh cãi. Tuy hiện nay các nội dụng giáo dục giới tính đã được đưa vào một phần trong giáo dục ở nhà trường song cũng chỉ dừng lại ở mức “giới thiệu”, dạy xen kẽ trong các môn sinh học, giáo dục công dân. Do vậy, nhiều học sinh chưa hiểu một cách sâu sắc về giới tính, tạo cho các em cảm giác tò mò hơn về vấn đề này. Đó là một lý do quan trọng khiến tình trạng hiếp dâm trẻ em của người chưa thành niên trở thành vấn đề nhức nhối của xã hội. Yếu kém trong khung pháp lý bảo vệ trẻ em trong gia đình hay kẽ hở trong hệ thống pháp lý về phòng chống lạm dụng tình dục trẻ em cũng là những yếu tố tác động đến tình trạng XHTDTE.
ThS. Đặng Bích Thủy