Vì sao trào ngược dạ dày thực quản lại gây ho?

10-03-2021 14:27 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Tôi bị bệnh dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản. Ngoài ra tôi còn bị ho quanh năm suốt tháng, chữa mãi không đỡ. Lần đi khám gần đây nhất, bác sĩ nói tôi ho là do bệnh trào ngược. Mong bác sĩ giải đáp kỹ hơn tình trạng bệnh của tôi?

Ngô Văn Hải (Hòa Bình)

Trong các nguyên nhân gây ho mạn tính, cần nghi ngờ khả năng là do axit dạ dày trào vào thực quản trong bệnh cảnh của trào ngược dạ dày thực quản. Mặc dù ho không phải là triệu chứng điển hình của trào ngược dạ dày, nhưng trào ngược thực quản lại chiếm vai trò trong ít nhất 25% các nguồn gốc của các trường hợp ho mạn tính. Theo một số nghiên cứu, tỷ lệ này có thể lên đến 40%. Có giả thiết còn đặt ra là ho mạn tính không chỉ được gây ra từ hiện tượng trào ngược axit mà còn làm trào ngược axit trở nên tồi tệ hơn. Có 2 cơ chế có thể giải thích vấn đề này. Đầu tiên, ho được cho là một hành động phản xạ lại khi có sự gia tăng axit từ dạ dày đi vào thực quản, nhằm bảo vệ đường thở. Cơ chế thứ hai cho rằng dịch trào ngược di chuyển trên và ra khỏi thực quản, những giọt nhỏ axit dạ dày rơi vào cổ họng, gây kích thích ho. Loại trào ngược này được gọi là trào ngược thanh quản. Hơn nữa, khi axit dạ dày tiếp xúc với dây thanh âm và cổ họng, có thể gây viêm dẫn đến các triệu chứng như khàn tiếng, cảm giác có gì đó bị mắc kẹt trong cổ họng hay viêm họng, viêm amidan kéo dài. Nhìn chung, cần phải thừa nhận mối liên kết tồn tại giữa ho mạn tính và trào ngược dạ dày thực quản.


BS. Nguyễn Thông
Ý kiến của bạn