Mưa cường suất lớn trong thời gian ngắn gây ngập nặng
Sáng sớm 10/5, mưa lớn kèm sấm sét kéo dài nhiều tiếng đồng hồ đã khiến nhiều khu vực ở TP.HCM bị ngập sâu; có nơi nước ngập quá nửa bánh xe, lượng mưa lên tới 200mm.
Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên từ 2 giờ sáng nay đã phát cảnh báo, qua theo dõi ảnh mây vệ tinh, radar thời tiết và hệ thống định vị sét cho thấy có vùng mây dông hình thành xung quanh khu vực các huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi cùng thành phố Thủ Đức và quận Gò Vấp; dự báo gây mưa rào kèm theo dông, sét.

Mưa lớn gây ngập nhiều nơi ở TP.HCM sáng nay.
Đến khoảng 5 giờ 30 phút, mưa trút xuống đồng loạt trên toàn địa bàn TP.HCM. Nhiều nơi lượng mưa vượt mức 100mm, riêng tại huyện Củ Chi lượng mưa đo được tới 217mm; các địa phương khác thuộc khu vực Nam Bộ cũng có mưa từ 90mm đến hơn 100mm.
Chỉ khoảng nửa tiếng sau cơn mưa, nước đã ngập sâu hơn nửa mét trên nhiều tuyến đường; có nơi nước ngập quá nửa bánh xe ôtô, tràn cả vào nhà dân hai bên. Đây là trận mưa to nhất trong năm nay tại Thành phố Hồ Chí Minh và cũng đánh dấu thành phố chính thức bước vào mùa mưa.
Đến khoảng 9 giờ sáng, mưa tạnh trên hầu hết địa bàn Thành phố, nước rút dần nhưng bầu trời vẫn mịt mù mây đen cùng sấm chớp, dự báo trong ngày hôm nay sẽ còn tiếp tục mưa.
Một trong những khu vực bị ngập nặng nhất tại TP.HCM buổi sáng hôm nay là thành phố Thủ Đức. Ghi nhận tại chợ Thủ Đức, mưa lớn làm hàng loạt tuyến đường xung quanh chợ như Lê Văn Minh, Kha Vạn Cân, Dương Văn Cam... bị ngập nặng.
Người dân và lực lượng chức năng đã phải mở cống để thoát nước. Nhiều người đi xe máy thấy nước ngập sâu nên không dám qua, đành quay đầu xe hoặc tìm chỗ trú mưa chờ nước rút. Một số trường hợp cố vượt qua bị chết máy phải dẫn bộ.
Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên dự báo, trong những ngày tới mưa sẽ tiếp tục xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Nam Bộ do hình thành rãnh áp thấp hướng Tây Bắc-Đông Nam có trục qua Bắc Bộ và khu vực Nam Biển Đông. Rãnh này hoạt động mạnh dần lên chi phối thời tiết Nam Bộ. Gió tây nam cũng có cường độ trung bình yếu.
Chiều và tối mưa rào và dông rải rác, có nơi mưa vừa, mưa to đến mưa rất to. Đài Khí tượng cũng nhận định, so với mặt bằng chung, Thành phố Hồ Chí Minh năm nay bước vào mùa mưa chậm hơn một số tỉnh, thành phố Nam Bộ khác; có tỉnh đã bước vào mùa mưa từ cuối tháng 4.

Đường giao thông bị nước lũ phủ kín.
Thông thường những trận mưa đầu mùa sẽ diễn biến nhanh, mây phát triển nhanh, gây mưa trên phạm vi hẹp, cường độ mưa lớn. Đài khí tượng đặc biệt lưu ý, thời điểm đầu tháng 5 nền nhiệt còn cao, độ ẩm không khí cũng cao dần do gió tây nam bắt đầu hình thành đẩy ẩm từ biển vào. Vì vậy trong các trận mưa thường kèm dông, sét, gió giật, thậm chí có thể xuất hiện mưa đá.
Dự báo trong tháng 5, Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Nam Bộ sẽ có một vài đợt mưa diện rộng, với một vài nơi có mưa lớn, khả năng gây ngập sâu trong các đô thị lớn. Đặc biệt cần đề phòng khả năng những vùng áp thấp trên biển gây thời tiết xấu và sóng to, gió mạnh, biển động gây nguy hiểm cho tàu thuyền hoạt động trên biển.
Biến đổi khí hậu biến điều dị thường thành bình thường
Ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng Dự báo Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên, cho biết gió tây nam hoạt động mạnh đẩy hơi ẩm từ biển vào cùng với rãnh thấp đã gây mưa trên diện rộng tại TP.HCM. Trong đó, tại TP Thủ Đức có lượng mưa trên 110 mm, huyện Bình Chánh 108 mm còn tại Củ Chi là hơn 220 mm.
Theo ông Quyết, trận mưa trên 100 mm tại TP.HCM là rất hiếm một năm chỉ có vài cơn trong khi lưu lượng trên 200 mm là cực kì hiếm. Lần gần nhất thành phố có mưa trên 200 mm là vào năm 2018 do ảnh hưởng của bão Usagi.
TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai cho biết, cảnh ngập sáng nay ở Thủ Đức và Bình Dương. Những cơn mưa với cường suất mưa lớn hơn 120mm chỉ trong vòng 2 - 3 tiếng không còn là điều dị thường mà dần dần trở thành bình thường trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Hạ tầng thoát nước hiện nay ở các khu đô thị, thành phố không được thiết kế với cường suất mưa cao đến thế. Thêm vào đó, sự phát triển manh mún, điều chỉnh quy hoạch theo kiểu lấp chỗ trống, hạ tầng cũ và mới không ăn nhập với nhau, và giành mất không gian chứa nước khiến các đô thị càng trở nên dễ bị tổn thương hơn với ngập lụt.
Theo Cục Đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, từ 19h ngày 9/5-12h ngày 10/5), khu vực miền núi phía Bắc, Trung Bộ và Nam Bộ rải rác có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 40-80mm, một số trạm có lượng mưa lớn: Vĩnh Phúc (Hà Giang) 141mm; Hùng Đức (Tuyên Quang) 140mm; Do Nhân (Hòa Bình) 152mm; Sơn Tây (Hà Tĩnh) 159mm; Cát Tiên (Lâm Đồng) 120mm; La Ngà (Đồng Nai) 154mm; Đức Hòa (Long An) 130mm; Củ Chi (Hồ Chí Minh) 230mm. Hiện nay mưa đã giảm.
Theo thông tin từ các địa phương, mưa lớn, dông lốc từ đêm 9-10/5 đã làm 53 nhà hư hỏng, tốc mái (Tuyên Quang 42, Hòa Bình 11); 31ha hoa màu, lâm nghiệp thiệt hại (T.Quang); TP.HCM, Bình Dương ngập úng cục bộ nhiều tuyến đường; các địa phương khác chưa ghi nhận thiệt hại. Hiện các tỉnh đang tiếp tục cập nhật thiệt hại, tổng hợp báo cáo.