Vì sao Tổng thống Trump muốn mua Greenland?

21-08-2019 15:47 | Quốc tế
google news

SKĐS - Greenland, hòn đảo lớn nhất thế giới quanh năm tuyết phủ từng là mối quan tâm của nhiều đời Tổng thống Mỹ, trong đó không ngoại trừ Tổng thống Trump. Người đứng đầu Nhà Trắng tỏ ý muốn mua lại Greenland từ Đan Mạch bởi nơi đây có căn cứ Thule của Mỹ vốn có khả năng phát hiện và đánh chặn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Greenland còn là nơi có trữ lượng một số kim loại quý hiếm bậc nhất thế giới mà chính Trung Quốc cũng đang muốn khai thác.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần vừa qua đã khuấy động nước Mỹ với đề xuất Washington nên xem xét mua đảo Greenland, khu vực thưa thớt dân cư chỉ có tuyết phủ gần Bắc cực. Đây không phải lần đầu tiên một vị Tổng thống Mỹ từng đưa ra đề xuất này. Vào năm 1946, cựu Tổng thống Mỹ Harry Truman từng ra giá 100 triệu USD (tương đương 1,3 tỷ USD với tỷ giá bây giờ) để mua hòn đảo lớn nhất thế giới này.

Ý định của Tổng thống Trump bị cả dân đảo Greenland lẫn Đan Mạch giễu cợt. “Greenland có nền kinh tế mở, nhưng không mang ra để bán.”, Ngoại trưởng Greenland Ane Lone Bagger nói. Còn ông Lars Lokke Rasmussen, cựu Ngoại trưởng Đan Mạch đã ví von đăng tải của ông Trump trên Twitter chẳng khác gì chuyện đùa “Cá tháng Tư”.

Greenland nằm giữa Bắc cực và Bắc Đại Tây Dương, là hòn đảo tự trị của Đan Mạch. Nước này tuyên bố không có kế hoạch bán hòn đảo. “Greenland không thể mang ra bán. Greenland không phải Đan Mạch. Greenland thuộc về người dân Greenland.” Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen tuyên bố.

Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ ý định mua lại đảo Greenland của Đan Mạch

Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ ý định mua lại đảo Greenland của Đan Mạch

Nước Mỹ từng có lịch sử mua đất từ các quốc gia khác. Vào năm 1997, nước này từng mua quần đảo Virgin từ Đan Mạch. Bang Louisiana từng có thời thuộc về nước Pháp còn Florida được mua lại từ Tây Ban Nha. Nước Mỹ cũng đã mua Alaska từ Sa Hoàng Nga. Nhưng tại sao Tổng thống Mỹ Trump lại muốn mua Greenland, nơi 80% đất đai bao phủ trong lớp tuyết dày tới 3 km? Đây có thể là bước đi chiến lược.

Tháp canh gần Nga

Nước Mỹ từng duy trì căn cứ không quân Thule ở Greenland kể từ đầu thập niên 1950. Căn cứ Thule là kết quả của thỏa thuận với đồng minh NATO Đan Mạch trong suốt kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh, khi hiểm họa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa là có thật.

Thule là nơi đặt hệ thống cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo. Hiệp ước quốc phòng với Đan Mạch cho phép Mỹ có quyền sử dụng lãnh thổ trong điều kiện cân nhắc. Nhưng người dân Greenland trong quá khứ từng phản đối các hoạt động leo thang quân sự của Mỹ.

Nga cũng đã sử dụng hành lang địa phận biển của nước này xung quanh Greenland để cử tàu chiến và tàu ngầm tới Đại Tây Dương trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Washington đã dấy lên mối lo ngại về hoạt động của Nga ở Bắc cực và đầu năm nay đã điều tàu chuyên chở sân bay tới đây lần đầu tiên trong thập kỷ qua.

“Vị trí của Thule trên địa cầu và radar phủ sóng 240 độ hướng tới Bắc Băng Dương và bờ biển phía bắc của nước Nga khiến cho Greenland thành địa điểm lý tưởng để dò tìm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và vệ tinh ở quỹ đạo tầng thấp của trái đất, trang quốc phòng của Mỹ Defencenews.com tiết lộ.

Tuy nhiên, Mỹ không mấy bận tâm về 57.000 cư dân của Greenland. Washington không có phái đoàn ngoại giao ở đây và không có hãng hàng không Mỹ nào có chuyến bay thẳng tới đảo. Trên thực tế, để bay tới Greenland, hầu như phải bay sang Đan Mạch hoặc Iceland trước rồi mới lên bay máy bay phản lực tới Nuuk, thủ phủ của hòn đảo.

Vị thế chiến lược của Greenland trong mắt Tổng thống Trump

Theo các cố vấn của Tổng thống Trump, kế hoạch mua hòn đảo trị giá tỷ đô sẽ thách thức sự thống trị của Trung Quốc trên bản đồ kim loại công nghiệp toàn cầu. Greenland có trữ lượng lớn nhất các kim loại quý hiếm trên thế giới, gồm neodymium, praseodymium, dysprosium, terbium cùng uranium và các chế phẩm của kẽm. Vàng, kim cương, đồng, dầu mỏ,… cũng được chôn sâu dưới các lớp băng của Greenland. Hiện tại, ở Greenland mới chỉ có 2 mỏ đang hoạt động. Hy vọng rằng những tảng băng tan sẽ càng làm lộ thiên các mỏ khai khoáng.

Tổng thống Trump từ khi trước khi bước chân lên phi cơ Air Force One để tham dự G7 ở Pháp đã bày tỏ Greenland rất có giá trị và rất có thể Đan Mạch sẽ bán nó. Ông Trump nói Đan Mạch mỗi năm tốn 700 triệu USD để trợ cấp cho Greenland, nên có thể dùng nó như quân bài để mặc cả với người dân đóng thuế ở Đan Mạch.

Mục tiêu mà Mỹ nhắm tới là Greenland Minerals. Hơn 100 triệu tấn khoáng sản dưới bề mặt Greenland, dự án mỏ Kvanefjeld được kỳ vọng là dự án khai khoáng lớn nhất thế giới bên ngoài Trung Quốc.

Với diện tích bằng 1/4 nước Mỹ, nếu mua lại được, Greenland sẽ ghi tên Tổng thống Trump vào sử sách bên cạnh các bậc tiền bối Andrew Johnson và Thomas Jefferson.

Vài năm trở lại đây, chính quyền Greenland đề ra kế hoạch xây sân bay quốc tế lớn hơn để vận hành máy bay tải trọng lớn. Hòn đảo này muốn thúc đẩy du lịch làm nguồn thu chính ngoài hoạt động đánh bắt hải sản chiếm tới 90% xuất khẩu. Tuy nhiên, nỗ lực của Greenland để ký hợp đồng xây dựng 3 sân bay, trong đó có 1 sân bay ở Nuuk với các nhà thầu Trung Quốc, đã bị Mỹ cản trở vào năm ngoái.

Các công ty Trung Quốc đã xâm nhập hòn đảo, thậm chí Trung Quốc còn bày tỏ mối quan tâm mua lại hòn đảo. Greenland Minerals là một công ty mỏ của Australia muốn khai thác mỏ Kvanefjeld, nơi có trữ lượng các nguyên tố quý hiếm để chế tạo điện thoại thông minh, pin ô tô điện và tua bin gió. Shenghe Resources, một công ty Trung Quốc có 11% cổ phần trong dự án.


Nguyễn Vân
Ý kiến của bạn