Theo điều tra, ngày 21/9, Đào Anh T. (SN 2007, ở Chúc Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội) mâu thuẫn với một đối tượng không quen biết trên mạng xã hội, sau đó T. rủ các đối tượng khác để đi đánh nhau.
Trong quá trình di chuyển trên đường tìm kiếm đối thủ, thấy ai nghi ngờ là chúng lập tức ném vỏ chai bia vào người khiến một người đi đường bị thương nặng phải đi cấp cứu.
Khi hai nhóm đối tượng này gặp nhau, Nguyễn Việt H. (nhóm Đào Anh T.) rút khẩu súng (súng săn) bắn một phát lên trời để thị uy. Tiếp đó, hai nhóm điều khiển xe máy đuổi đánh nhau.
Quá trình đuổi đánh, H. rút súng bắn nhiều lần về phía nhóm đối thủ khiến một đối tượng bị trúng đạn ở tay. Chưa dừng lại ở đó, chúng còn nổ súng bắn bị thương một người đi đường.
Liên quan đến vụ án này, Cơ quan CSĐT Công an quận Hà Đông (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án giết người và gây rối trật tự công cộng, đồng thời tạm giữ hình sự 5 đối tượng về hành vi giết người, 10 đối tượng về hành vi gây rối trật tự công cộng.
Theo hồ sơ xác minh của cơ quan công an, các đối tượng trong vụ án này là những thiếu niên hư hỏng, bỏ học sớm, chơi bời lêu lổng, thiếu sự giáo dục, quản lý từ gia đình.
Chia sẻ về thực trạng trẻ vị thành niên phạm tội, Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Thanh Nga cho rằng, nếu như trước đây, tội phạm do trẻ vị thành niên gây ra chủ yếu là các tội ít nghiêm trọng, thì nay đã có một số vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Điều này cho thấy thực trạng đáng lo ngại về trẻ vị thành niên phạm tội và là hiện tượng rất đau lòng.
Cũng theo Tiến sĩ Nga, nguyên nhân của tình trạng trên phần lớn xuất phát từ yếu tố gia đình như: hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ ly dị, mồ côi, con cái thiếu sự quan tâm, không kịp thời uốn nắn giáo dục nên bỏ học sớm, dễ bị bạn bè xấu lôi kéo, kích động dẫn đến phạm pháp.
Trong đó, nhiều em có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng đua đòi, tâm lý muốn có tiền mua sắm, ăn chơi, hút chích nên sẵn sàng tham gia các băng nhóm trộm cắp, cướp giật.
Cùng với đó, các yếu tố xã hội cũng có tác động đến tâm lý của trẻ vị thành niên; thiếu các sân chơi bổ ích có tính định hướng nhân cách và nghề nghiệp cho trẻ; do tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường đã ảnh hưởng xấu đến văn hóa, giáo dục, sự tha hóa biến chất, lối sống thực dụng trong một bộ phận tầng lớp trẻ hiện nay.
Bên cạnh đó là tác động tiêu cực của các sản phẩm văn hóa đồi truỵ, bạo lực, đặc biệt là tình trạng nghiện game bạo lực; lối sống thích hưởng thụ, sự tiêm nhiễm những luồng văn hóa độc hại, các trang mạng xã hội, kích động bạo lực, kích động tình dục...
Để giải quyết vấn đề này, Tiến sĩ Nga cho rằng, cần tăng cường công tác quản lý đối tượng thanh, thiếu niên hư hỏng, lập hồ sơ đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, hoặc đưa ra kiểm điểm, quản lý, giáo dục tại cộng đồng dân cư.
Các cơ quan công an tăng cường lực lượng tấn công, truy quét tội phạm hình sự, xử lý nghiêm trước pháp luật để giáo dục, răn đe và phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật do lứa tuổi vị thành niên gây ra.
"Ngoài ra, chúng ta cần phải quan tâm nhiều hơn đối với trẻ thơ, đặc biệt là từ phía gia đình, nhà trường. Phải giáo dục ý thức từng cá nhân khi còn trên ghế nhà trường, để họ biết ý nghĩa của cuộc sống này, họ cần phải làm gì, không nên làm gì, thì khi đó tội phạm 'nhí' sẽ giảm", Tiến sĩ Nga nói.