Vì sao tính kỷ luật giúp con người khỏe mạnh và hạnh phúc hơn?

25-08-2016 10:12 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Nhiều người trong chúng ta cho rằng sống kỷ luật hẳn là một việc đầy khó khăn và khổ sở. Trong khi đó, các nhà khoa học đã chứng minh được rằng: lối sống tự chủ và có kỷ luật chính là chìa khóa giúp con người khỏe mạnh và hạnh phúc hơn trong cả hiện tại lẫn tương lai lâu dài.

Đây chính là kết quả công trình nghiên cứu của Hofmann và các cộng sự đăng trên tạp chí Journal of Personality năm 2013. Trong đó, nhóm tác giả khám phá ra rằng sự tự chủ và kỷ luật đúng nghĩa không đồng nghĩa với việc sống khổ hạnh hay “tự hành xác”, mà đó là kỹ năng quản lý những mục tiêu xung đột nhau trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người. Đa phần chúng ta cho rằng những người có tính tự chủ và kỷ luật thường là những cá nhân nhàm chán, chỉ thích tập trung hoàn thành các mục tiêu công việc, không thích tiệc tùng hay tham gia các sự kiện sôi động, không làm việc tùy hứng... Từ thực tế này, nhóm tác giả muốn tìm hiểu xem liệu những người sống kỷ luật có cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc hay không, rằng tính kỷ luật có phải là một sự hành xác khổ sở như suy nghĩ của số đông.

Tại sao chúng ta e ngại sự kỷ luật?

Kỷ luật với bản thân chưa bao giờ là điều dễ dàng. Chẳng hạn, tất cả chúng ta đều biết ăn uống điều độ là một thói quen tốt và cần thiết cho sức khỏe của mình, nhưng nó đòi hỏi ở chúng ta khả năng làm chủ bản thân hiệu quả, và thật khó lòng vui vẻ hay thoải mái khi phải kìm hãm cơn thèm ăn trước những món ăn mình yêu thích để không bị béo phì. Để xây dựng lối sống kỷ luật và tự chủ, chúng ta phải nỗ lực vượt qua nhiều sự mâu thuẫn và xung đột gây ra bởi vô số cám dỗ. “Đã có nhiều nghiên cứu khoa học khẳng định rằng thiết lập lối sống kỷ luật và tự chủ là một việc đầy khó khăn đối với con người”, phát biểu của Kristin Smith - Crowe, giáo sư khoa quản lý Đại học Utah. Nhưng theo bà, việc đó khó hay không tùy thuộc vào cách nhìn nhận của mỗi người. Tình trạng nhiều người trong chúng ta e ngại lối sống kỷ luật xuất phát từ việc họ chỉ tập trung nhìn vào những khía cạnh khó khăn của tính kỷ luật thay vì thừa nhận những lợi ích vô giá và lâu dài mà nó mang lại. Do vậy, tính kỷ luật càng không đồng nghĩa với sự tự hành hạ bản thân: Với lối sống tự chủ và kỷ luật, bạn đang kỳ thực chăm sóc sức khỏe của chính mình, đầu tư tốt cho bản thân để gặt hái những lợi ích bền vững và có giá trị đến suốt đời.

Lợi ích của lối sống kỷ luật và tự chủ

Công trình nghiên cứu của Hofmann và các cộng sự bao gồm nhiều cuộc khảo sát nhỏ: một trong số các khảo sát đó liên quan đến việc phỏng vấn 414 người thuộc độ tuổi trung niên về mức độ hài lòng đối với cuộc sống của họ trong quá khứ và hiện tại; một khảo sát nổi bật khác được thực hiện trên điện thoại smartphone, thăm dò ý kiến của những người tham gia ngẫu nhiên về tâm trạng và những mong muốn mà họ đang trải nghiệm. Từ những cuộc khảo sát nhỏ này, các nhà nghiên cứu khám phá ra mối liên hệ mạnh mẽ giữa tính kỷ luật, tự chủ và mức độ hài lòng với cuộc sống: “Những người tự chủ dễ dàng đạt được những cảm xúc tích cực và mãn nguyện, và đây chính là lợi ích hàng đầu của việc sống kỷ luật. Hệ quả là họ cũng dễ dàng thoải mái và hài lòng với cuộc sống hơn người bình thường”.

tinh ky luat

Họ tránh xa mâu thuẫn, sự bon chen và những mong muốn thiếu thực tế
Cuộc khảo sát trên smartphone cho thấy tác dụng kỳ diệu của tính kỷ luật và tự chủ trong việc cải thiện tâm trạng của con người. Những người được đánh giá là có tính tự chủ cao thường có tâm trạng tích cực và ít khi cảm thấy tồi tệ. Điều này không có nghĩa là họ có khả năng cưỡng lại cám dỗ tốt hơn người bình thường. Họ thường có cuộc sống lành mạnh và tích cực hơn số đông chính là nhờ sự kỷ luật với bản thân: ngay từ đầu, họ không cho phép bản thân mình tiếp cận những nơi chốn hoặc điều kiện có nhiều cám dỗ. Thay vào đó, họ nỗ lực vây quanh bản thân mình bằng những điều tốt đẹp và có giá trị. “Người tự chủ có xu hướng tập trung làm những công việc giúp bản thân mình thấy hạnh phúc - hay nói cách khác, họ tránh xa mâu thuẫn, sự bon chen và những mong muốn thiếu thực tế”, nhận định của bà Kathleen Vohs, giáo sư marketing đến từ Đại học Minnesota và là một thành viên trong nhóm nghiên cứu.

Nhận định này tiếp tục được củng cố trong cuộc khảo sát cuối cùng của nghiên cứu, được thực hiện nhằm mục đích khám phá cách thức người tự chủ quản lý và hoàn thành những mục tiêu xung đột nhau trong cuộc sống. Cụ thể, các nhà nghiên cứu tìm hiểu xem người có tính kỷ luật và người không có tính kỷ luật khác nhau như thế nào khi phải chọn lựa giữa “phẩm hạnh” và “ham muốn” - chẳng hạn như khi phải xem xét giữa việc ăn đồ ngọt thoải mái và nỗi lo lắng thừa cân béo phì. Hơn 230 người tham gia khảo sát được yêu cầu liệt kê ba cặp mục tiêu mâu thuẫn nổi bật nhất mà họ thường gặp phải trong cuộc sống, rồi đánh giá mức độ mâu thuẫn mạnh yếu giữa các mục tiêu và tần suất gặp phải những sự mâu thuẫn đó. Họ cũng đồng thời được yêu cầu trình bày cách thức họ quản lý và cân bằng những mục tiêu đó.

Những người có tính tự chủ cao thể hiện sự khác biệt rõ ràng so với người bình thường. Họ có xu hướng hạn chế tối đa những tình huống hay hoàn cảnh có thể khiến cho các mục tiêu mình đề ra bị xung đột; do vậy, họ ít khi rơi vào tình cảnh phải phân vân giữa lợi ích trước mắt và hậu quả về lâu dài. Hệ quả là họ ít khi bị chi phối bởi những cảm xúc tiêu cực. Nhóm nghiên cứu ghi nhận rằng, “Kết quả này cũng cho thấy con người sử dụng sự tự chủ chính là để thiết lập trật tự trong cuộc sống của mình sao cho mọi việc diễn ra thuận buồm xuôi gió nhất có thể, hạn chế mọi mâu thuẫn và xung đột một cách tối đa”.

“Đây là một công trình nghiên cứu thú vị”, nhận định của giáo sư Smith-Crowe, “Nó đặt ra và giải quyết một trong những mối quan tâm hàng đầu của con người tự cổ chí kim: đâu là chìa khóa của hạnh phúc, và làm thế nào để có được một cuộc sống lành mạnh và an nhiên?”

Lối sống kỷ luật và tự chủ không hề đồng nghĩa với sự khổ hạnh và khả năng chống lại mọi cám dỗ. Người tự chủ có thể sống lành mạnh và an nhiên vì họ biết tìm kiếm những cách thức tốt hơn để tránh xa cám dỗ. “Tính kỷ luật và tự chủ giúp con người hạnh phúc” - kết luận của nhóm nghiên cứu.


ThS. PHAN NGUYỄN KHÁNH ĐAN
Ý kiến của bạn