Hơn 30% bệnh nhân HIV/AIDS đồng nhiễm lao/HIV
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh lao vẫn đang là vấn đề khẩn cấp toàn cầu. Ước tính mỗi năm có thêm gần 10 triệu người mắc lao và khoảng 3 triệu người tử vong do bệnh này gây ra.
Lao là bệnh nhiễm trùng cơ hội, đặc biệt là ở người bị suy giảm sức đề kháng thì nguy cơ mắc bệnh lao càng cao. Người nhiễm HIV gây suy giảm miễn dịch khiến cơ thể mất sức đề kháng nên dễ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội, trong đó hay gặp nhất là bệnh lao.
Năm 2023, trong hơn 40 triệu người bị nhiễm HIV trên thế giới đang còn sống thì có tới hơn 30% đồng nhiễm lao. Chỉ tính riêng ở người nhiễm HIV, hằng năm đã tăng thêm khoảng 1,5 triệu bệnh nhân lao. Điều đáng nói là, tỉ lệ tử vong do lao chiếm hơn 30% số tử vong ở bệnh nhân AIDS.
Việt Nam là quốc gia đứng thứ 16 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu. Nguy hiểm là tình trạng bệnh lao đa kháng thuốc đứng thứ 13 trong số 30 nước cao nhất thế giới. Đây là một gánh nặng không chỉ cho người bệnh mà cho cả ngành y tế và cho toàn xã hội...
Yếu tố nguy cơ khiến tái nhiễm lao ở người đồng nhiễm lao/HIV
Theo báo cáo năm 2022 từ một nghiên cứu kéo dài 4 năm của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương kết hợp với các đơn vị khác với đề tài "Tỉ lệ tái phát, tái nhiễm lao và yếu tố nguy cơ ở bệnh nhân đồng nhiễm lao/HIV tại Việt Nam" với mục tiêu:
- Xác định tỉ lệ tái phát và tái nhiễm lao ở bệnh nhân đồng nhiễm lao/HIV tại Việt Nam
- Mô tả các yếu tố nguy cơ gây tái nhiễm và tái phát bệnh lao ở bệnh nhân đồng nhiễm lao/HIV tại Việt Nam.
Trong các nghiên cứu được tiến hành để xác định tỉ lệ tái phát, tái mắc và tìm hiểu yếu tố nguy cơ tái mắc lao ở bệnh nhân đồng nhiễm lao/HIV cho thấy các yếu tố nguy cơ cao khiến tái nhiễm lao ở bệnh nhân đồng nhiễm lao/HIV gồm:
- Bệnh nhân kém tuân thủ điều trị
- Bệnh nhân HIV/AIDS ở giai đoạn muộn
- Bệnh nhân không được phối hợp điều trị HIV
- Người mắc hội chứng viêm do phục hồi miễn dịch (IRIS)
- Người nhiễm vi khuẩn lao kháng thuốc
- Mức độ phơi nhiễm sau khi điều trị
- Điều kiện chăm sóc y tế kém
Các yếu tố dịch tễ, người bệnh sinh sống trong điều kiện có nguy cơ cao tái nhiễm lao
Dòng vi khuẩn lao thích nghi trên bệnh nhân suy giảm miễn dịch...
Từ các yếu tố nguy cơ này, có thể xây dựng chiến lược kiểm soát bệnh lao ở bệnh nhân lao/HIV, đồng thời phát hiện nguy cơ lây truyền và phát tán của các chủng vi khuẩn lao khác nhau, đặc biệt là các chủng vi khuẩn lao kháng thuốc trên nhóm bệnh nhân này.
Theo đó, người nhiễm HIV nên được ưu tiên làm xét nghiệm sinh học phân tử (GeneXpert) để phát hiện lao và lao đa kháng thuốc.
Trong điều trị lao có những nguyên tắc cần nhớ:
- Đủ thuốc, đủ liều, đủ thời gian và liên tục.
- Tuyệt đối không được ngắt quãng dù chỉ 1 ngày, vì đó là khoảng thời gian mà vi khuẩn lao hồi phục và tấn công trở lại.
- Điều trị lao thường chia làm 2 đợt: Đợt tấn công, gồm 4 thuốc và đợt duy trì, gồm 2 thuốc.
- Người nhiễm HIV mắc lao cần được ưu tiên điều trị bằng thuốc ARV ngay sau khi bắt đầu điều trị lao...
Mời độc giả xem thêm video:
Cảnh báo nhiễm HIV trong nhóm tuổi thanh thiếu niên.