Các dạng bào chế
Kali là một khoáng chất có vai trò quan trọng đối với cơ xương, tham gia vào quá trình dẫn truyền xung động thần kinh, trương lực cơ, co cơ và đặc biệt là sự co bóp của tim. Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng (nguyên Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai), việc kali tăng hay giảm đều có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, trường hợp nặng có thể tử vong.
Hiện trên thị trường thuốc có các dạng bào chế sau:
- Dạng thuốc viên (viên nang hay viên nén với hàm lượng 100mg, 500mg, 600mg, 1.500mg) được sử dụng qua đường miệng (uống) trong phòng ngừa hay điều trị hạ kali máu ở mức độ nhẹ hay trung bình.
- Dạng ống thuốc tiêm 10% (500mg/5ml hay 1g/10ml), đây là dung dịch ưu trương, đậm đặc) cần luôn được pha loãng với thể tích lớn NaCl 0,9% hoặc glucose 5% rồi mới sử dụng qua đường tiêm truyền tĩnh mạch trong điều trị hạ kali máu ở mức độ nặng. TS.DS. Võ Thị Hà (giảng viên Dược lâm sàng tại Khoa Dược Trường ĐH Y Dược Huế) cho biết, trước khi dùng dạng tiêm cần phải luôn pha loãng ống tiêm KCl 10% đậm đặc với dung dịch NaCl 0,9% hoặc dung dịch glucose trước khi tiêm tĩnh mạch.
Khi dùng thuốc, cần sự tư vấn chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa. Ảnh: TM
Các biến cố do nhầm lẫn kali và nguyên nhân
Theo TS. Võ Thị Hà, các sai sót chủ yếu khi dùng KCl dẫn tới tai biến, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng là:
Sai đường dùng: KCl được chỉ định dùng đường uống, nhưng lại bị tiêm nhầm đường tĩnh mạch.
Hiện nay, ở Việt Nam chưa có 2 dạng bào chế: dung dịch KCl 10% đậm đặc bào chế riêng để dùng đường uống và dạng gói dung dịch KCl nồng độ thấp đã được pha loãng sẵn để tiêm tĩnh mạch. Do đó, việc dùng dạng ống KCl 10% vốn dùng cho đường tiêm để chỉ định dùng đường uống sẽ dễ gây nguy cơ nhầm lẫn đường dùng. “Nếu có sẵn thêm những dạng bào chế này, thì nguy cơ nhầm lẫn do tiêm nhầm dung dịch KCl 10% đậm đặc vào tĩnh mạch ít khả năng xảy ra hơn”, TS.DS. Võ Thị Hà nhấn mạnh.
Dùng nhầm thuốc: Do bao gói thuốc tương tự nhau nên lọ KCl thường bị nhầm với lọ chứa NaCl (nước muối), calcium gluconat (bổ sung canxi), heparin (chống đông) hoặc furosemide (lợi tiểu). Ví dụ: Một bệnh nhân được kê furosemid (lasix) đường tĩnh mạch để lợi tiểu, trị phù... nếu không để ý kỹ, kiểm tra, đối chiếu thì rất dễ nhầm lẫn với ống KCl.
Có thể phòng tránh nhầm lẫn?
Để có thể tránh sự nhầm lẫn ở loại thuốc này, PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng cho rằng: Cần đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng ngay từ người ra y lệnh; áp dụng triệt để “3 kiểm tra 5 đối chiếu”, thậm chí phải làm đi làm lại 2 lần các khâu này.
Đối với trẻ em lại càng phải đặc biệt lưu ý hơn. Hiện nay chưa có thuốc kali dùng riêng cho trẻ, khi dùng phải hết sức thận trọng, thường dùng liều lượng rất thấp vì phải pha và chia tỉ lệ theo tuổi và cân nặng của trẻ. Với trẻ sơ sinh, càng phải thận trọng hơn, vì trẻ sơ sinh chức năng thải kali của thận còn đang kém, nhất là trong 3 ngày đầu sau sinh. Thông thường, không dùng kali cho trẻ sơ sinh, nhưng nếu buộc phải dùng thì phải thận trọng, chi li từng chi tiết nhỏ: liều lượng, thời gian, cách dùng…”.
Khi ra y lệnh đối với các loại thuốc, đặc biệt là KCl cần phải ghi rõ ràng, cảnh báo cụ thể. Nếu được, cần có người giám sát cùng với người thực hiện y lệnh.
Để chống nhầm lẫn khi dùng kali, TS.DS. Võ Thị Hà nhấn mạnh: Tham vấn nhóm đa ngành gồm khoa dược, hội đồng thuốc điều trị, phòng quản lý chất lượng bệnh viện và cán bộ y tế để xác định và triển khai các chiến lược giảm biến cố liên quan dung dịch KCl đậm đặc
Kê đơn chi tiết về tổng liều, thể tích pha loãng, tốc độ truyền, đường dùng. Nên ghi chú về đường dùng nếu là dùng đường uống chứ không phải đường tiêm.
Ưu tiên dùng dạng viên đường uống cho bệnh nhân hạ kali máu mức độ nhẹ đến trung bình.
Ưu tiên kê đơn dạng túi đã được pha loãng trước. Dung dịch không chuẩn hoá nên được pha chế ở khoa dược khi có yêu cầu.
Đưa dung dịch KCl đậm đặc 10% hay 20% vào danh mục thuốc nguy cơ cao tại bệnh viện và cần có các biện pháp quản lý đặc biệt.
Thêm nhãn phụ cảnh báo phát quang với ống KCl đậm đặc “THẬN TRỌNG. KCl đậm đặc. Nguy cơ tử vong nếu tiêm dung dịch chưa pha loãng. Pha loãng trước khi dùng”.
Chọn khu vực thiết kế riêng để dự trữ chỉ KCl đậm đặc.
Soạn các hướng dẫn chuẩn hoá về sử dụng và pha loãng KCl.
Chọn mua ống tiêm KCl đậm đặc có bao gói khác biệt với các thuốc khác như: Hạn chế mua các thuốc có bao gói tương tự nhau; đào tạo cán bộ y tế về danh mục các thuốc có nguy cơ dễ nhầm lẫn (tên tương tự nhau, bao gói tương tự nhau).
Hạn chế tối đa việc lưu trữ các dung dịch KCl ưu trương tại khoa lâm sàng, ưu tiên lưu trữ và pha chế thuốc tập trung tại khoa dược và thiết kế kế hoạch cung ứng phù hợp khi khẩn cấp.
Cần có dược sĩ lâm sàng phân tích đơn thuốc và đặc biệt giám sát kê đơn các dung dịch điện giải đậm đặc.