Mùa nắng nóng là thời điểm thuận lợi cho sự phát triển của các loại vi sinh vật, dẫn tới ô nhiễm hoặc dễ làm cho thức ăn ôi thiu nếu không bảo quản cẩn thận. Theo PGS.TS. Phạm Duệ, Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai, Hà Nội), tại các cơ sở y tế ngày nào cũng có bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc thức ăn. Vì thế, khi lựa chọn đồ ăn, thức uống, mỗi người nên cẩn thận để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Thức ăn đường phố vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ngộ độc thực phẩm (ảnh minh họa).
PGS.TS. Phạm Duệ cho biết: Các bếp ăn tập thể nếu không quản lý chặt chẽ dễ dẫn đến ngộ độc thức ăn và gây hậu quả nặng nề hơn cả. Có nhiều lý do để dẫn đến việc ngộ độc thức ăn, trong đó có khâu xử lý thực phẩm không đúng cách; thực phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, bảo quản không đúng cách, quá hạn vẫn sử dụng; thức ăn để ngoài không khí quá lâu; thức ăn không được nấu chín kỹ để “tiêu diệt” các vi khuẩn, thay vào đó, vi khuẩn có cơ hội nhân lên và phá hủy thức ăn; hoa quả và rau xanh chưa được rửa sạch đúng cách; nấu đồ ăn với nước bị ô nhiễm...
Cách phòng chống ngộ độc
Để phòng tránh ngộ độc thức ăn, cần tuân thủ nguyên tắc an toàn thực phẩm, người dân cần chú ý từ việc lựa chọn thực phẩm đến khâu chế biến và bảo quản thức ăn, nhất là mùa nóng. Cần lựa chọn thực phẩm tươi sống có nguồn gốc rõ ràng. Với những thực phẩm đã giết mổ, pha chế sẵn thì nên mua ở những nơi có uy tín, có bảo đảm chất lượng các sản phẩm. Rửa rau quả với nhiều nước sạch trước khi nấu, chế biến và gọt vỏ trước khi ăn. Không ngâm rau củ quá lâu trong nước (không quá 20 phút). Chỉ bóc vỏ, gọt vỏ, cắt nhỏ (rau, trái cây...) ngay trước khi ăn hoặc chế biến. Thịt, cá rã đông thì nấu ngay và nấu vừa chín. Đảm bảo các dụng cụ nhà bếp phải sạch sẽ. Rửa tay sạch trong quá trình chế biến thức ăn.
Thực phẩm sau khi mua về cần được làm sạch và bảo quản đúng cách. Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh là cách phổ biến nhất mà các gia đình thường làm nhưng không nên dự trữ thức ăn quá lâu; tùy theo loại thực phẩm ta chỉ nên dự trữ trong tủ lạnh từ vài ngày đến 1 tuần là cùng.
Các thức ăn đã được đông lạnh, trước khi dùng khoảng 4 - 5 giờ đồng hồ nên để xuống ngăn mát để rã đông. Các thức ăn đã nấu chín thì phải để nguội hẳn, đậy kín rồi mới cho vào tủ lạnh. Cần bảo quản thức ăn sống và thức ăn đã nấu chín vào những hộp riêng biệt, tuyệt đối tránh bảo quản hai loại thực phẩm này chung với nhau mà chưa được đậy kín. Việc bảo quản thức ăn kín sẽ giúp thức ăn không bị khô, bốc mùi và nhiễm các vi sinh vật. Nếu để quá nhiều đồ ăn trong tủ lạnh, cần điều chỉnh tăng độ lạnh vì nếu không đủ độ lạnh, thức ăn sẽ mau hỏng. Và tủ lạnh cũng cần được lau rửa vệ sinh định kỳ.
Mời độc giả đón đọc bài 2:"Nhận biết sớm ngộ độc thức ăn" vào lúc 14h ngày 30/6/2015
Nguyễn Khánh