Vì sao Tết Đoan Ngọ gọi là ngày diệt sâu bọ và phải ăn cơm rượu nếp?

22-06-2023 08:46 | Đời sống
google news

SKĐS - Tết Đoan Ngọ (5/5 Âm lịch) từ lâu trở thành ngày Tết truyền thống của người Việt, tuy nhiên, vì sao ngày này mọi người thường chuẩn bị trái cây và đặc biệt là món cơm rượu nếp trong mâm lễ cúng thì không phải ai cũng biết.

Tết Đoan Ngọ được tổ chức vào giờ Ngọ, ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch hằng năm. Người Việt Nam còn gọi Tết Đoan Ngọ là Tết diệt sâu bọ.  

Vào ngày này, người dân thường làm lễ cúng Tết Đoan Ngọ nhằm mục đích phát động phong trào bắt sâu bọ, tiêu diệt các loài sâu bệnh gây hại cho cây trồng và cầu mong một vụ mùa bội thu.

Vì sao Tết Đoan Ngọ gọi là ngày diệt sâu bọ?

Ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ thường rơi vào thời điểm nắng nóng kéo dài, sâu bọ phát triển nhiều. Cho nên, ngày lễ này còn được gọi là ngày diệt sâu bọ hoặc giết sâu bọ.

Theo truyền thuyết, vào một vụ mùa bội thu, người nông dân ăn mừng vì trúng mùa. Thế nhưng sâu bọ năm ấy lại kéo đến đông đảo, ăn hết cây trái, thực phẩm đã thu hoạch được. Người dân rất lo lắng, đau đầu không biết cách gì để có thể giải quyết được nạn sâu bọ thì xuất hiện một ông lão xưng là Đôi Truân.

Vì sao Tết Đoan Ngọ gọi là ngày diệt sâu bọ và phải ăn cơm rượu nếp? - Ảnh 1.

Theo quan niệm cổ truyền, người dân Việt có thói quen ăn hoa quả, rượu nếp vào ngày Tết Đoan Ngọ như một cách để trừ tà, diệt sâu bọ gây hại.

Ông chỉ cho dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng gồm những lễ vật đơn giản: bánh gio, trái cây, sau đó đi ra trước nhà mình vận động thể dục. Mọi người làm theo lời ông thì chỉ một lúc sau, sâu bọ đàn lũ té ngã rã rượi. Lão ông còn bảo thêm: Sâu bọ hàng năm vào ngày này rất hung hăng, mỗi năm vào đúng ngày này cứ làm theo những gì đã dặn thì sẽ trị được chúng.

Dân chúng biết ơn và để tưởng nhớ việc này, dân chúng đặt cho ngày này là ngày Tết "diệt sâu bọ", nhiều người gọi nó là Tết Đoan Ngọ vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.

Tại sao cơm rượu nếp là món không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ? 

Ở nhiều nơi, các gia đình có thói quen ăn bánh tro, chè trôi nước, hạt sen... để giết sâu bọ, bệnh tật trong người. Trong ngày Tết Đoan Ngọ, phải súc miệng 3 lần cho sạch sâu bọ, ăn một bát rượu nếp cho sâu bọ say, tiếp đó ăn trái cây cho sâu bọ chết.

Tại nhiều vùng của các tỉnh Bắc bộ, người dân thường dùng hoa quả đặc biệt là quả mận, loại quả chua phổ biến trong mùa này để giết sâu bọ.

Rượu nếp cũng là món ăn không thể thiếu trong ngày này, người ta cho rằng bộ phận tiêu hóa của con người thường có các loại ký sinh gây hại và chúng nằm sâu trong bụng nên không phải lúc nào cũng diệt được.

Chính vì vậy, vào buổi sớm ngày Tết Đoan Ngọ, mọi người thường ăn cơm rượu nếp và hoa quả có vị chua ngọt để "diệt sâu bọ". Cũng không tự nhiên cơm rượu được chọn là món ăn đặc trưng để nghênh đón Tết Đoan Ngọ, bởi chúng rất giàu dinh dưỡng và giúp giải nhiệt trong ngày hè nắng nóng.

Lớp cám ở gạo nếp giàu dưỡng chất, vitamin và khoáng chất. Hạt gạo nếp lên men, khi chín "ngấu" nhiều chất xơ lẫn vitamin B. Ăn cơm rượu kèm nước lẫn cái trong ngày hè nóng không chỉ giúp tăng sức đề kháng mà còn ngăn ngừa được nhiều bệnh tật khác.

Bên cạnh đó, cơm rượu nếp là món đặc trưng của người Việt. Ăn cơm rượu nếp vào ngày Tết Đoan Ngọ cũng là cách tôn vinh sự phong phú của ẩm thực dân tộc. Vị chua chua ngọt ngọt, kết cấu mềm, dẻo có mùi rượu thoang thoảng rất thơm đã chiếm được cảm tình của bất cứ ai khi thử qua món cơm rượu này.

Mâm cúng Tết Đoan Ngọ 2023 cần gì? Cúng giờ nào đẹp nhất?Mâm cúng Tết Đoan Ngọ 2023 cần gì? Cúng giờ nào đẹp nhất?

SKĐS - Tết Đoan Ngọ là một ngày lễ tết truyền thống lâu đời ở nước ta. Tùy từng vùng miền mà mâm lễ cúng Tết Đoan Ngọ 2023 sẽ có sự khác nhau. Dưới đây là những gợi ý về mâm lễ, giờ đẹp, văn khấn cúng Tết Đoan ngọ 2023 để mọi người cùng tham khảo.


Như Hoa (t/h)
Ý kiến của bạn